Nông dân Nguyễn Văn Tân ở xã Phú Thọ (Tam Nông, Đồng Tháp) làm 2 ha lúa OM 4.900, vừa chín thì gặp mưa lớn kéo dài 4-5 ngày, nhấn chìm xuống biển nước và nay chạy tìm không được người gặt. Vì mưa và lúa đổ nên máy gặt đập liên hợp không hoạt động, thuê cắt tay giá cao và cũng không tìm ra người cắt.
Theo ngành NN&PTNT các địa phương ĐBSCL đã có hàng vạn héc-ta bị nhấn chìm trong nước, diện tích gần thu hoạch thì giảm năng suất và không có người thu hoạch, diện tích lúa xanh thì chết rải rác hoặc thậm chí là chết trắng.
Tỉnh Đồng Tháp có gần 4.000 ha lúa bị nhấn chìm trong nước, giảm năng suất 10 - 20%. Thành phố Cần Thơ có 3.000 ha lúa bị ngập, đang lên mộng ngoài đồng. Ở tỉnh An Giang, khoảng 10.000 ha lúa chuẩn bị thu hoạch đã bị mưa gió làm đổ hoàn toàn. Hơn 700 ha lúa chuẩn bị thu hoạch ở tỉnh Tiền Giang cũng bị mưa gió nhấn chìm trong nước.
Tại tỉnh Hậu Giang, không những hơn 1.000 ha lúa thu đông từ 5 - 15 ngày bị ngập hoàn toàn mà còn có gần 200 ha vừa gieo sạ bị mất trắng. Còn tỉnh Sóc Trăng, hàng nghìn héc-ta lúa đang xanh bị nhấn chìm trong nước sâu 20 - 40 cm.
* Đêm 16/9, trên địa bàn các huyện miền núi Hương Sơn, Hương Khê, Vũ Quang (Hà Tĩnh) mưa giảm nên không xuất hiện lũ quét như lo ngại ban đầu. Tuy nhiên, do chủ quan, có hai học sinh chết đuối tại Hương Sơn và Hương Khê.
Khoảng 15 giờ chiều 17/9, tại xóm Vọng Sơn, Sơn Phú, Hương Sơn, ba thanh niên (SN 1998) rủ nhau chèo thuyền ra khu vực bị ngập nước để chơi.
Khi thuyền đi được một đoạn bất ngờ bị lật. Rất may người dân cứu được hai người. Một người bị nước nhấn chìm. Nạn nhân đang là học sinh lớp 12. Cùng ngày, tại xóm 2, xã Hương Giang, Hương Khê, một học sinh lớp 2 khi đi chăn bò bị đuối nước tử vong.
* Chiều tối 17/9, trong khi khu vực miền núi ở Thanh Hóa có mưa rải rác thì TP Thanh Hóa lại có mưa lớn, kéo dài, gây ngập lụt cục bộ ở nhiều tuyến đường.