Tiếp tục bán điện dưới giá thành, EVN sẽ không chịu nổi
Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ngày 2/1, chia sẻ hàng loạt mối lo phải đối mặt trong năm 2024, ông Nguyễn Anh Tuấn - Tổng Giám đốc EVN - cho biết, hiện tổng công suất toàn hệ thống tính đến cuối năm 2023 đạt 80.556 MW nhưng thực tế huy động thấp hơn rất nhiều và dự phòng nguồn điện rất thấp.
Theo Tổng Giám đốc EVN, rủi ro vẫn luôn tồn tại khi tập đoàn chỉ nắm giữ 37,2% tổng công suất nguồn điện trên toàn quốc. Vai trò nắm giữ nguồn cung của 2 tập đoàn cũng chịu trách nhiệm đảm bảo cung ứng năng lượng cho quốc gia là TKV và PVN cũng rất khiêm tốn, chỉ đạt 2,3% và 7,7% trong khi các chủ đầu tư BOT và chủ đầu tư khác đang nắm tới 52% tổng nguồn cung điện trên thị trường.
Các số liệu cho thấy, cùng với việc tỷ trọng nguồn cung ngày càng suy giảm, trong cơ cấu nguồn cung, các chi phí mua điện cũng liên tục tăng cao. Cùng với khó khăn về nguồn, năm qua, việc cung cấp than không đảm bảo cũng là gánh nặng khi TKV chỉ cung cấp đạt 95,44% hợp đồng (17,1 triệu tấn than), Tổng Công ty Đông Bắc cung cấp đạt 94,96% hợp đồng (6,98 triệu tấn than).
Tổng giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị. |
Mối lo hiện nay chính là nhiệt điện than vẫn là nguồn cung chủ yếu của đất nước khi chiếm tới 46,2% trong khi hiện nguồn thuỷ điện chỉ đáp ứng 28,8%, điện nhập khẩu 1,5%. Năng lượng tái tạo chiếm tới 13,5%. Gần 45% sản lượng điện phụ thuộc hoàn toàn vào giá thị trường trong khi giá năng lượng tái tạo hiện tương đương với giá thành sản xuất của EVN. Giá điện mua bình quân của EVN là 2.092 đồng/kWh trong khi giá bán ra xấp xỉ 1.950,32 đồng/kWh. Đồng nghĩa EVN đang phải bán lỗ 141,68 đồng/kWh.
“Đây là điều rất bất cập về cơ chế giá điện hiện nay, khiến tập đoàn rất khó để có thể cân đối tài chính. Nếu tình trạng giá bán thấp hơn giá thành tiếp tục kéo dài, tập đoàn sẽ không thể duy trì, kéo dài được việc cân đối tài chính trong bối cảnh EVN đã bị lỗ 2 năm liên tiếp”, ông Tuấn nói.
Về việc triển khai nhiệm vụ năm 2024, theo Tổng Giám đốc EVN, đảm bảo cân đối tài chính, đảm bảo cung ứng điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện và phải đưa vào vận hành đúng tiến độ các công trình đầu tư xây dựng là những khó khăn, thách thức rất lớn mà tập đoàn phải đối mặt. Để vượt qua khó khăn, lãnh đạo EVN kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương tăng cường tiết kiệm điện.
Cùng với đó, EVN cũng kiến nghị Thủ tướng sớm phê duyệt Đề án cơ cấu lại EVN giai đoạn 2021-2025, Đề án tách A0 thành Công ty TNHH MTV và phê duyệt chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng rừng của tuyến đường dây 500kV Lào Cai - Vĩnh Yên và Thuỷ điện Tích năng Bác Ái. Cùng đó, cho phép tác động vào rừng tự nhiên để thi công Trạm cắt 220kV Đăk Ooc.
“Tập đoàn kiến nghị Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp xem xét loại trừ yếu tố ảnh hưởng đến lợi nhuận các năm 2022, 2023 của EVN. Kiến nghị Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ phê duyệt sửa đổi, bổ sung Điều lệ của EVN cũng như trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương nhập khẩu các nguồn điện tại Lào. Việc sớm thẩm định thiết kế kỹ thuật đợt 3 dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I và hoàn thành thẩm định thiết kế kỹ thuật giai đoạn 2 dự án Thuỷ điện Tích năng Bác Ái cũng là giải pháp gỡ khó cho tập đoàn”, lãnh đạo EVN kiến nghị.
Miền Bắc sẽ thiếu từ 1.200 - 2500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7
Bày tỏ mối lo thiếu điện, ông Nguyễn Đức Thiện - Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) - cho biết, trong năm qua, tình trạng thiếu nguồn diễn ra trong khi công suất phân bổ của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0) xuống rất thấpvà kéo dài, dẫn tới tổng công ty phải điều chỉnh, tiết giảm một lượng lớn phụ tải. Ước tính công suất phải điều chỉnh và sa thải lớn nhất đạt 3.952 MW. Sản lượng điện tiết giảm ước 608 triệu kWh.
Theo ông Thiện, hiện nay nhiều tỉnh miền Bắc như Nghệ An, Hưng Yên, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Nam Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc có rất nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, khách hàng lớn đăng ký với quy mô lớn kéo theo mức tăng trưởng điện sử dụng của tổng công ty có thể đạt 8,7% - 13,7%.
Để đảm bảo cấp điện, năm 2024, tổng công ty dự kiến sẽ mua điện từ Trung Quốc qua lưới điện 220kV cấp điện cho 1 phần Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang và Thái Nguyên với sản lượng mua cả năm 2.569 tỷ kWh. Tổng công ty cũng lên phương án nhập khẩu điện Trung Quốc qua các đường dây 110kV liên kết (Thâm Câu - Móng Cái, Lào Cai - Hà Khẩu, Mamaotiao – Thanh Thủy).
EVN cho rằng, việc để giá điện thấp hơn giá thành kéo dài sẽ khiến tập đoàn khó có thể cân đối được tài chính trong năm 2024. |
Đại diện tổng công ty này cũng cho biết, đã lên 2 kịch bản cấp điện năm 2024 căn cứ trên dự báo phụ tải và công bố khả dụng của A0. Theo đó, với kịch bản kiểm tra và với phương án cao dự báo phụ tải, EVNNPC có thể thiếu từ 1.200 - 2500 MW vào cuối tháng 5 đến tháng 7.
“Trong tháng 8, A0 tính toán nước về tốt hơn nên khả dụng nguồn cao hơn và phụ tải cũng có xu hướng thấp nên khả năng thiếu công suất ít hơn. Trong các tháng cuối năm, dự kiến nhu cầu sử dụng điện cũng đạt ở mức cao và có nguy cơ thiếu nguồn từ 200 – 400MW”, lãnh đạo EVNNPC cho hay.
Đánh giá cao tinh thần thẳng thắn thừa nhận những thiếu sót trong điều hành khi đã có những lúng túng nhất định trong giai đoạn đầu của việc thiếu điện trong năm qua của EVN, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng EVN đã rất nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế.
Theo ông Tân, đảm bảo việc cấp điện, tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện trong năm 2024, tăng cường các giải pháp đảm bảo điện, mua điện từ Lào, Trung Quốc, tiếp tục tái cơ cấu tập đoàn… sẽ là việc EVN cần tập trung triển khai.