Mua đất rừng mở rộng sinh cảnh cho Voọc Chà vá quý hiếm

TPO - Trước tình trạng nguy cấp cần bảo vệ đàn Voọc , tỉnh Quảng Nam lên phương án mua đất rừng của người dân để mở rộng sinh cảnh sống.

Ngày 9/8 ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam dẫn đầu đoàn công tác đi thực địa khu vực sống của đàn voọc chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ (xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành, Quảng Nam).

Mua đất rừng mở rộng sinh cảnh cho Voọc Chà vá quý hiếm ảnh 1  Đàn Voọc Chà vá quý hiếm hiện đang sinh sống tại núi Hòn Dồ 

Sau hơn 1 tiếng băng rừng, đoàn công tác tới khu vực núi Hòn Dồ nơi đàn voọc Chà vá chân xám đang sinh sống. Tại đây, đoàn công tác ghi nhận có 3 cá thể voọc đang đi ăn trên những ngọn cây.

Quần thể voọc Chà vá chân xám tại khu vực núi Hòn Dồ có khoảng 20 cá thể với ít nhất 2 đàn voọc, sống trong tổng diện tích rừng tự nhiên khoảng 10.54 ha.

Mua đất rừng mở rộng sinh cảnh cho Voọc Chà vá quý hiếm ảnh 2  Ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng đoàn công tác thị sát, tìm giải pháp bảo vệ đàn Vooc quý hiếm

Làm việc với các đơn vị chức năng để nghe những giải pháp để bảo vệ đàn voọc, ông Lê Trí Thanh - Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, đàn voọc Chà vá chân xám sống ở khu vực núi Hòn Dồ trong phạm vi quá nhỏ, được bao quanh và bị chia cắt bởi các rừng keo của người dân, các khu công nghiệp tại địa phương. Nên việc phát triển, sinh trưởng của đà voọc bị chia cắt, ảnh hưởng đến môi trường sống.

Theo ông Thanh, muốn phát triển, bảo vệ đàn voọc cần tuyên truyền cho người dân hiểu về sự nguy cấp của loại linh trưởng này. Ngoài ra, cần tăng cường các đội, nhóm bảo vệ đàn voọc để chấm dứt tình trạng săn bắn của người dân vùng khác đến.

“Vì môi trường sống của đàn voọc bị chia cắt, phân tán bởi rừng sản xuất của người dân. Nên tỉnh lên phương án là mua rừng sản xuất của người dân bao quanh khu vực núi Hòn Dồ để đảm bảo quần thể sống của đàn voọc rộng hơn. Ngoài ra trồng lại rừng, vừa giúp việc di chuyển và đảm thức ăn cho đàn voọc”, ông Thanh cho hay.

Vooc Chà vá chân xám nằm trong danh sách các loài cực kỳ nguy cấp trong sách đỏ của IUCN và là một trong 25 loài linh trưởng bị đe dọa nhất Thế giới. Số lượng của quần thể ước khoảng 550 - 700 con. Tại Việt Nam, loài loài đặc hữu có 5 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum và Gia Lai.

MỚI - NÓNG