Một Việt Nam độc lập qua con mắt điện ảnh Đặng Nhật Minh

TP - Có thể nói Đặng Nhật Minh là nhà làm phim thuần Việt nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, như chính ông cũng thừa nhận rằng phim của ông “100% Việt Nam, không lai căng, không bắt chước ai, người ta tìm thấy trong phim của tôi tình cảm, tâm lý con người, văn hóa của người Việt Nam”.

Không thể “sống” một cuộc đời do người khác viết nên

“Tôi mơ mộng lắm, thích làm thơ và hay mơ mộng vẩn vơ. Tôi nghĩ về nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất, về những số phận hắt hiu đầy mặt đất. Bao tháng ngày trôi đi, bao kiếp người trôi đi. Sự khéo léo nào của ngôn từ kể lại được”. Đó là lời độc thoại của Nhâm trong phim Thương nhớ đồng quê, khi cậu đạp xe băng qua cánh đồng nơi những người nông dân đang cấy cày, nơi chốn đã sinh ra và nuôi dưỡng cả cuộc đời cậu. Nhâm không suy tư về những thứ cao siêu, mà chỉ lo nghĩ về một “nỗi nhọc nhằn đầy mặt đất” của những số phận con người hắt hiu và nhỏ bé.

Tôi nghĩ rằng triết lý làm phim và cốt lõi truyện phim của đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh đã được miêu tả ngắn gọn và chuẩn xác qua câu thoại trên.

Trong các bộ phim của mình, ông luôn trăn trở về những con người bất hạnh, đau khổ, những con người có số phận trớ trêu, bị vùi dập, xô đẩy trong thời kỳ đất nước loay hoay chuyển mình, và vì những thói đời. Mỗi nhân vật trong phim của Đặng Nhật Minh đều mang một vẻ đẹp riêng, một số phận riêng. Ông tôn trọng và ca ngợi những phẩm chất tốt đẹp của con người như lòng nhân ái, sự hy sinh, tinh thần lạc quan...

Để được vinh danh như một nhà làm phim hàng đầu của điện ảnh Việt, đạo diễn Đặng Nhật Minh đã từng rơi vào khủng hoảng và nghi ngờ chính mình sau khi ông làm một vài bộ phim truyện do người khác viết kịch bản.

Đối với ông, một bộ phim cũng như một cuộc đời, và ông nhận thấy rằng mình không thể “sống” một cuộc đời do người khác viết nên.

Bộ phim Thị xã trong tầm tay đánh dấu thời khắc tái sinh của Đặng Nhật Minh với vai trò là một đạo diễn kiêm tác giả kịch bản. Từ đó ông sáng tác điện ảnh với một nguyên tắc để đời, đó là chỉ làm phim do chính mình viết về những vấn đề, những con người làm ông quan tâm, xúc động, đau đớn.

Bức tranh toàn cảnh đất nước và con người Việt Nam

Đạo diễn Đặng Nhật Minh từng chia sẻ rằng gia tài mà người cha (Giáo sư, bác sĩ, Anh hùng liệt sĩ Đặng Văn Ngữ) để lại cho ông không gì khác ngoài lòng yêu quê hương, sự gắn bó máu thịt với nhân dân và đất nước, là lòng yêu thương và sự cảm thông sâu sắc với nỗi khổ đau của con người. Đây là yếu tố khiến cho điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh phi thời gian đến vậy.

Từ bộ phim đầu tiên ông tự viết kịch bản là Thị xã trong tầm tay (1983) đến bộ phim cuối cùng Hoa nhài (2022), sự nghiệp làm phim kéo dài gần nửa thế kỷ của ông luôn vừa thấm đẫm chủ nghĩa nhân văn cách mạng, vừa toát lên tinh thần độc lập mạnh mẽ. Có thể nói Đặng Nhật Minh là nhà làm phim thuần Việt nhất trong lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Xuyên suốt các tác phẩm của Đặng Nhật Minh, chúng ta như được chứng kiến một cuốn nhật ký sống động ghi lại những thăng trầm của lịch sử Việt Nam.

Từ giai đoạn hào hùng của mùa đông năm 1946, qua những năm tháng kháng chiến gian khổ, cho đến thời kỳ đổi mới đầy biến động, mỗi bộ phim đều như một mảnh ghép, cùng nhau tạo nên một bức tranh toàn cảnh về đất nước và con người Việt Nam.

Phim Hà Nội mùa đông năm 46 (1997) là bức tranh chân thực về một Hà Nội vừa mới giành độc lập đã phải chuẩn bị bước vào cuộc kháng chiến gian khổ, trường kỳ. Hình ảnh Hồ Chủ tịch cùng nhân dân chống giặc ngoại xâm đã trở thành biểu tượng bất diệt của tinh thần kháng chiến.

Trong phim Mùa ổi (2000), miền Bắc vừa giải phóng, Hà Nội bước vào thời kỳ chuyển đổi kinh tế mạnh mẽ và cải tạo tư sản liên doanh cũng như cải cách ruộng đất năm 1959, mang đến những đổi thay lớn lao song cũng có phần sai lầm, bất cập. Đừng đốt (2009) được đặt trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước qua lời dẫn chuyện của bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Bộ phim tái hiện một cách chân thực những khó khăn, hy sinh của người Việt trong cuộc chiến tranh ác liệt và nỗi day dứt, ân hận của những người lính Mỹ năm xưa.

Phim Cô gái trên sông (1987) mang đậm dấu ấn về những biến động tinh thần sau chiến tranh. Bao giờ cho đến tháng Mười (1984) nghẹn đắng những vết thương lòng. Thị xã trong tầm tay (1983) - cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979 đã đặt ra những thử thách mới cho đất nước.

Trong Trở về (1994) và Thương nhớ đồng quê (1995), khán giả được chứng kiến thời kỳ đổi mới từ nền kinh tế bao cấp sang thị trường, mang đến những cơ hội mới nhưng cũng nhiều đổ vỡ của giá trị sống truyền thống.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh kết lại cuộc đời làm phim của mình ở tuổi 84 với một nốt trầm nhẹ đầy suy tư về con người Việt Nam sinh ra và lớn lên trong thời bình, với bộ phim Hoa nhài (2022), ở đó chứa đựng những lát cắt cuộc sống của một Hà Nội pha trộn giữa xưa và nay, giữa thế hệ người thủ đô điềm đạm, thanh lịch với người trẻ năng động và xốc nổi.

Cuộc cách mạng về điện ảnh

Phim của Đặng Nhật Minh có một cái nhìn tân tiến và cách mạng về Việt Nam đương thời, ông xét lại nhiều thứ giá trị, tìm hướng làm phim ngược lại với lối mòn của thể loại phim nặng về tuyên truyền, hay đưa vào phim của mình những yếu tố lạ chưa được xem trọng trong phim ảnh thời đó như đời sống tâm linh người Việt…

Điện ảnh của đạo diễn Đặng Nhật Minh là một thứ nghệ thuật tự do, gai góc và dám thách thức nhiều lẽ thường tình của xã hội.

Phim Thị xã trong tầm tay lấy bối cảnh đổ nát của cuộc chiến tranh biên giới Việt - Trung 1979 tại Lạng Sơn, nơi nhà báo Vũ đối diện với hình bóng của người tình cũ là cô giáo Thanh và những người xung quanh, mà sự hèn nhát đã khiến anh chối bỏ mối quan hệ tình cảm giữa hai người vì sợ lý lịch của cha cô sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp của mình.

Bộ phim không chỉ phản ánh suy tư về số phận của nhân dân và Tổ quốc tại một thời điểm nhạy cảm của lịch sử mà còn soi chiếu vào sự phản bội và niềm tin của con người.

Một Việt Nam độc lập qua con mắt điện ảnh Đặng Nhật Minh ảnh 1

Đạo diễn Đặng Nhật Minh (bên phải) vào vai nhà báo người Nhật trong phim Thị xã trong tầm tay.

Đến phim Cô gái trên sông, niềm tin và sự phản bội được phát triển sâu vào bên trong con người. Thu, một người lính cách mạng sau ngày giải phóng trở thành cán bộ lãnh đạo thành phố đã phản bội lời hứa với cô gái ăn sương Nguyệt, người từng không quản hiểm nguy cứu sống anh, cũng từng chớm nở trong nhau một mối tình.

Nói Đặng Nhật Minh là một nhà làm phim đầy nhân văn vì ông trao cơ hội kể chuyện cho những thân phận có quá khứ khó được xã hội chấp nhận kể cả thời điểm bây giờ. Ông đã “liều lĩnh” đưa một nhân vật gái bán dâm lên làm “người hùng” thầm lặng của bộ phim.

Sự gai góc của phim tiếp tục được đẩy lên khi nhân vật Thu được đặt đối lập với người lính Cộng hòa tên Sơn. Sơn là một người lính bị giằng xé bởi chiến tranh, anh tham chiến đơn giản chỉ vì không thấy một tia hy vọng nào khác, giống như Nguyệt.

Vì thế, anh thấu hiểu mọi tâm tư, nỗi đau, và nỗi hổ thẹn của cô - những điều mà Thu không thể đồng cảm. Cuối phim, sau thời gian cải tạo, hai số phận từng lạc lối này đã có một kết thúc đẹp khi họ có được cuộc sống yên bình như mong ước hậu chiến tranh, còn cán bộ Thu thì phải đối mặt với tội lỗi của chính mình.

Cô gái trên sông là một phim đầy cấp tiến của đạo diễn Đặng Nhật Minh, tới mức từng gây ra cho ông bao áp lực, với những lời “buộc tội” trong khoảng thời gian dài.

“Sáng tác thì không bao giờ được sợ, phải luôn là chính mình, luôn trung thành với mình. Không được xu thời mà phải hướng tới cái vĩnh cửu”

Đạo diễn, NSND Đặng Nhật Minh

Những bộ phim lấy đề tài chiến tranh của Đặng Nhật Minh đều mang cách nhìn khác so với những tác phẩm cùng thời.

Như Thị xã trong tầm tay và Bao giờ cho đến tháng Mười, hình ảnh những người chiến sĩ chỉ làm nền cho những con người ở sau chiến tuyến như nhà báo Vũ hay góa phụ Duyên. Họ chỉ là hai trong vô vàn những con người không tên, không chiến tích nhưng âm thầm tham gia cuộc chiến đấu giành độc lập bằng mọi thứ họ có, và vẫn đối mặt với sự hoang tàn không thể tránh khỏi của chiến tranh.

Bộ phim dựa trên chính những trải nghiệm cá nhân nhất của gia đình Đặng Nhật Minh khi người thân ngã xuống trên chiến trường, như hàng vạn, hàng triệu gia đình khác trên đất nước Việt Nam trong suốt nghìn năm dựng nước và giữ nước.

Một Việt Nam độc lập qua con mắt điện ảnh Đặng Nhật Minh ảnh 2

Đạo diễn Đặng Nhật Minh được trao Giải Thành tựu điện ảnh lần đầu tiên của Liên hoan phim châu Á Đà Nẵng lần II, tháng 7. Ảnh: Kinh Quốc.

Tiếng nói của Đặng Nhật Minh trong các tác phẩm điện ảnh như một bản giao hưởng đa thanh, đồng điệu với nhịp đập của lịch sử dân tộc. Sau những thời khắc hào hùng chiến thắng, ống kính máy quay của ông hướng đến giai đoạn đổi mới đầy thử thách.

Một đồng quê buồn bã vắng bóng người trẻ vì họ đổ xô vào cuộc sống hiện đại chốn thị thành trong Thương nhớ đồng quê, cho đến một ông chú hiền lành bị mắc kẹt bên dòng sông hoài niệm của tuổi thơ đã trôi xa trong Mùa ổi.

Cô giáo Loan trong Trở về dù có một cuộc sống đáng mơ ước với người chồng “đẹp trai, có học thức, lại đi Toyota nữa…” nhưng cô lại chán ghét đời sống giàu có về vật chất nhưng nghèo nàn tình cảm này.

Những nhân vật trong cả ba phim trên đều bị tách biệt khỏi hiện tại và ám ảnh với những điều đã mất. Những làng quê yên bình giờ đây bị xáo trộn bởi những đổi thay, những con người lạc lõng giữa dòng đời cuốn trôi... tất cả đều được tái hiện một cách sinh động và cảm động.

Đằng sau vẻ đẹp bình dị của làng quê, là những câu hỏi lớn về cuộc sống, về số phận con người. Đặng Nhật Minh đã khéo léo lồng ghép vào tác phẩm của mình những trăn trở, những suy tư về bản sắc văn hóa, về những giá trị truyền thống đang dần bị mai một bởi sự xâm lấn của lối sống Tây hóa trong thời kỳ hội nhập.

Đạo diễn Đặng Nhật Minh tự nhận bản thân chỉ là một người kể chuyện, một con mắt quan sát sự thay đổi từng ngày của quê hương đất nước. Các tác phẩm của ông đều gắn bó với một cột mốc lịch sử quan trọng của Việt Nam và chứng kiến một Việt Nam dần độc lập qua từng ngày, kéo theo sự thay đổi trong giá trị đời sống con người.

Có thể nói điện ảnh của đạo diễn kiêm biên kịch Đặng Nhật Minh đã tạo nên một làn sóng mới của điện ảnh Việt một thời. Phim của ông từng bị kiểm duyệt, bị chỉ trích nặng nề vì dám kể về những điều chưa từng được đưa lên màn ảnh bạc.

Đến nay dường như vẫn chưa có nhà làm phim nào trong nước có thể soán ngôi vị của ông. Tuy nhiên tinh thần đổi mới trong tư duy điện ảnh và sự thấu cảm với những thân phận bé nhỏ của ông vẫn luôn được kế thừa bởi các nhà làm phim trẻ - những người đang tạo ra một làn sóng điện ảnh mới thuần Việt.

Như chính Đặng Nhật Minh đã tin tưởng vào họ: “Những cố gắng của họ rồi sẽ được thế giới nhìn nhận. Chỉ trừ khi anh không có gì sáng tạo, không mang được đến cái gì mới lạ thì người ta mới không quan tâm. Còn nếu có thì thế nào cũng được nhìn nhận. Tôi luôn tin vào lẽ công bằng. Những tác phẩm có giá trị đích thực sẽ không bao giờ bị lãng quên”.