Theo người nhà, khi đang nằm trên võng chơi thì bé P. bị ngã sấp úp mặt xuống một đống lá phía dưới võng. Chẳng may trong lớp lá có một cây kim chuyên dùng để đan lá dừa dùng lợp nhà (người dân địa phương gọi dụng cụ này là cây lẹm).
Cây kim lớn này đã đâm thẳng vào bên dưới con mắt trái cháu bé. Người nhà đưa P. vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Sóc Trăng với vết thương rách dài nơi mắt trái. Tại đây chỉ khâu vết thương, cho biết còn dị vật nằm trong mắt nhưng không chuyển bệnh mà hướng dẫn gia đình tự đưa bé lên TPHCM lấy dị vật.
Bác sĩ Hằng cho biết, bé P. nhập cấp cứu Nhi đồng 1 đêm 17/12. Bệnh nhi phải trải qua 3 lần phẫu thuật tại bệnh viện này, các bác sĩ mới lấy được dị vật ra ngoài.
Đó chính là phần đuôi của chiếc kim bị gãy, có hình chữ U dài khoảng 10,5 mm, ghim sâu vào hốc mắt. Chiếc đuôi kim này “di chuyển” một đoạm đường đến 2,5 cm bên trong hốc mắt bệnh nhi khiến cho việc xác định vị trí dị vật hết sức khó khăn.
Bé P. sau khi được lấy dị vật ra khỏi hốc mắt. Ảnh: Quốc Ngọc
Trong lần phẫu thuật thứ 3, các bác sĩ phải sử dụng phương pháp chụp CT mới có thể xác định được chính xác dị vật lúc này đã được cố định khi đã “di chuyển” đến xương hốc mắt.
Như vậy, dị vật đã nằm trong hốc mắt cháu bé 8 ngày và bắt đầu gỉ sét. Theo bác sĩ Hằng, đây là lần đầu tiên bệnh viện tiếp nhận trường hợp dị vật “di chuyển” như thế.
“Với những vật sắc nhọn, phụ huynh nên lưu ý để càng xa càng tốt tầm tay hoặc nơi trẻ vui chơi, nghỉ ngơi nhằm bảo đảm an toàn. Rất may mắn cho ca này, nếu cây kim đâm vào nhãn cầu sẽ có khả năng gây mù hoặc vị trí nào khác sẽ rất nguy hiểm”, bác sĩ Hằng cảnh báo.