Một tháng Bộ GD&ĐT lên tiếng gần 10 lần về bạo lực học đường

Một tháng Bộ GD&ĐT lên tiếng gần 10 lần về bạo lực học đường
TPO - Tháng 3 đầu tháng 4 vừa qua dường như ngành giáo dục “quá tải” bạo lực học đường.

Đầu tháng 3, vụ giáo viên phạt học sinh quỳ ở huyện Bến Lức, tỉnh Long An khiến dư luận xôn xao. Chưa hết, ngay sau đó là sự việc phụ huynh bắt giáo viên quỳ để xin lỗi phụ huynh. Ngay sau đó, Bộ GD&ĐT đã lên tiếng yêu cầu xử lý vụ việc.

Ngay sau đó là vụ việc giáo viên bị học sinh bóp cổ tại Bến Tre. Bộ GD&ĐT tiếp tục lên tiếng.
Cũng trong tháng 3, tại tỉnh Nghệ An đã xảy ra hai vụ việc liên quan đến bạo hành giáo viên. Thứ nhất, một thầy giáo ở Trường THCS Tân Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, bị người nhà học sinh đánh dập sống mũi phải nhập viện điều trị. Ngay sau đó ít hôm, một giáo sinh tại trường mầm non ở TP.Vinh, Nghệ An lại bị người nhà HS hành hung đến dọa sẩy thai... Bộ GD&ĐT lại lên tiếng yêu cầu kiểm tra, xử lý nghiêm.

Vụ việc giáo viên im lặng khi vào lớp giảng dạy suốt hơn một học kỳ tại TPHCM một lần nữa lại khiến dư luận dậy sóng. Theo các chuyên gia giáo dục, thì đây là hình thức giáo viên bạo lực tâm lý đối với học sinh. Sự việc chỉ được phát hiện khi tại một học sinh đứng lên chia sẻ tại buổi đối thoại với lãnh đạo ngành giáo dục TPHCM.

Mới đầu tháng 4, dư luận lại bàng hoàng khi sự việc xảy ra tại trường Tiểu học An Đông, huyện An Dương, Hải Phòng. Cô giáo chủ nhiệm lớp 3A5 Nguyễn Thị Minh Hương đã yêu cầu một học sinh của lớp uống nước giẻ lau bảng. Sự việc xảy ra từ tháng 2 nhưng mãi đến đầu tháng 4 bà nội của em học sinh mới phát hiện khi có một bạn cùng lớp với em đến mách.

Sự việc được nhà trường, phòng giáo dục xử lý trong ngày 5/4 với hình thức là chấm dứt hợp đồng với cô Minh Hương. Tuy nhiên, sự việc được báo chí phản ánh đầu giờ sáng 5/4, ngay lập tức sau đó, Bộ GD&ĐT có văn bản tức tốc yêu cầu xử lý nghiêm.

Những văn bản xử lý nghiêm được Bộ GD&ĐT rút ra liên tục trong một tháng qua khiến dư luận không khỏi băn khoăn về giá trị của nó. Một chuyên gia cho rằng, việc giáo viên bạo lực học sinh lỗi không phải chỉ riêng giáo viên mà là lỗi tại hệ thống. Chính vì vậy, Bộ GD&ĐT không phải chỉ “rút” thẻ bài yêu cầu địa phương xử lý nghiêm là hết trách nhiệm.

MỚI - NÓNG