Một số bộ 'chưa thể hiện rõ trách nhiệm người đứng đầu' khi trả lời kiến nghị cử tri

0:00 / 0:00
0:00
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh QH
Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình. Ảnh QH
TPO - “Việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri của một số bộ, ngành chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị”, Ban Dân nguyện nêu.

Sáng 11/10, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. Theo Ban Dân nguyện, thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri của các đại biểu Quốc hội đã có 807 kiến nghị được tổng hợp chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đến nay 807/807 kiến nghị đã được trả lời, đạt 100%.

Đối với Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã tiếp nhận và trả lời 14/14 kiến nghị. “Cử tri tin tưởng và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, trong lúc dịch bệnh COVID - 19 bùng phát lan rộng, Quốc hội đã kịp thời có những quyết sách làm cơ sở pháp lý quan trọng để Chính phủ chủ động, linh hoạt chỉ đạo, điều hành phòng, chống dịch”, ông Bình cho hay.

Đối với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đã trả lời 781/781 kiến nghị. Kiến nghị của cử tri chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực: nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về thực hiện chính sách đối với người có công; về an sinh xã hội; về lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch; về y tế, giáo dục… Đối với TAND Tối cao, VKSND Tối cao đã xem xét, trả lời toàn bộ 5 kiến nghị.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ban Dân nguyện cho biết, việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri (KNCT) của một số bộ, ngành chưa thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu, chưa đủ thông tin, chưa đúng nội dung cử tri kiến nghị.

“Mặc dù nhiều bộ trưởng, trưởng ngành hết sức quan tâm, trực tiếp xem xét, giải quyết, trả lời từng KNCT nhưng vẫn còn một số nơi, hầu hết các KNCT được giao cho cấp phó ký văn bản giải quyết, trả lời, chưa thể hiện rõ trách nhiệm cá nhân người đứng đầu như Bộ Nội vụ, Bộ GTVT”, Ban Dân nguyện nêu.

Bên cạnh đó, việc phối hợp giữa một số bộ còn chưa chặt chẽ trong công tác tham mưu xây dựng, trình Chính phủ ban hành văn bản nên còn có quy định khác nhau, chưa đảm bảo công bằng giữa các đối tượng thụ hưởng. Ban Dân nguyện kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, xây dựng trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về xác định thời điểm tính tuổi nghỉ hưu đối với người không xác định được ngày, tháng sinh mà chỉ có năm sinh, để khắc phục sự phân biệt về chính sách, chế độ hưu trí, bảo đảm công bằng đối với người lao động.

Cũng theo Ban Dân nguyện, vẫn còn có quy định trong văn bản hướng dẫn chưa phù hợp với quy định của luật. Cử tri tỉnh Phú Thọ phản ánh, theo quy định việc chuyển mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp tại Thông tư số 33 của Bộ TN&MT chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai.

Qua giám sát cho thấy, theo quy định của Luật Đất đai, việc chuyển mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ, đất xây dựng công trình sự nghiệp sang đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Tuy nhiên, tại Thông tư số 33 lại quy định việc chuyển mục đích sử dụng loại đất này không cần sự cho phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà chỉ cần đăng ký biến động.

Quy định nêu trên tại Thông tư số 33 là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai. Mặc dù Bộ TN&MT đã nghiêm túc tiếp thu kiến nghị của cử tri, ban hành Thông tư số 09, trong đó đã bãi bỏ quy định này nhưng Thông tư số 33 đã được triển khai thực hiện hơn 3 năm có thể dẫn đến bất cập trong công tác quản lý đất đai. Ban Dân nguyện kiến nghị Bộ TN&MT tiếp tục rà soát kỹ các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, bảo đảm không trái quy định của luật.

MỚI - NÓNG