Một nhà văn hóa lớn

TP - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng sâu rộng, dẫn dắt và định hướng cho lĩnh vực văn hóa trong thời gian qua. Các nhà nghiên cứu, chuyên gia văn hóa nhận thấy ở Tổng Bí thư toát lên tầm vóc của một nhà văn hóa lớn.
Một nhà văn hóa lớn ảnh 1
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc tại Làng văn hóa Thượng Điện (TP Hải Phòng). Ảnh: Quang Vinh

Thắp lửa chấn hưng văn hóa

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có những đóng góp quan trọng trong việc gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy quá trình hội nhập với thế giới. Những quan điểm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh được Tổng Bí thư kế thừa, phát huy và phát triển thành hệ thống lý luận, tư tưởng và chỉ đạo sâu sắc.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội khẳng định, các bài báo, tác phẩm nghiên cứu về tư tưởng Hồ Chí Minh, xây dựng Đảng và văn hóa dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thể hiện kiến thức uyên bác, vừa cho thấy sự trăn trở về con đường phát triển đất nước. Người đứng đầu Đảng ta luôn đau đáu làm sao để vừa giữ gìn nét văn hóa truyền thống dân tộc vừa đưa cuộc sống, con người hội nhập, phát triển hiện đại.

“Tinh thần văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hay văn hóa là hồn cốt của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn... thể hiện sâu sắc nhất mong muốn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về vai trò dẫn dắt, điều tiết sự phát triển đất nước của văn hóa, cũng như ý nghĩa của việc giữ gìn những giá trị của văn hóa dân tộc”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn ủng hộ và khuyến khích các hoạt động văn hóa, nghệ thuật. Ông từng nhiều lần nhấn mạnh vai trò của văn hóa trong sự phát triển bền vững của đất nước. Tổng Bí thư đề cao giá trị của nền văn hóa Việt Nam, khẳng định, bảo vệ văn hóa truyền thống là bảo vệ nền tảng tinh thần và bản sắc của dân tộc.

Trong Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021, bài phát biểu của Tổng Bí thư nêu nhiều thông điệp và truyền cảm hứng cho đội ngũ cán bộ văn hóa, văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho sự nghiệp chấn hưng, phát triển văn hóa nước nhà. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nghiệp chấn hưng và phát triển văn hóa luôn được quan tâm, coi trọng, được hoàn thiện qua nhiều chủ trương, văn kiện và những kỳ đại hội, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, coi văn hóa là một trong những đột phá.

“Nhiệm vụ chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là một nhiệm vụ chiến lược lâu dài, rất cần sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, sự nỗ lực, nỗ lực nhiều hơn nữa, quyết tâm, quyết tâm cao hơn nữa của toàn ngành văn hóa”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong thư gửi Hội nghị tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc năm 2023.

Người đứng đầu Đảng ta chỉ ra, để tiếp tục chấn hưng và phát triển sự nghiệp văn hóa, cần tập trung thực hiện một cách quyết liệt và có hiệu quả giải pháp nâng cao nhận thức và năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa. Cấp ủy đảng và chính quyền các cấp phải nhận thức sâu sắc và quán triệt đầy đủ các quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về văn hóa. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu quán triệt nghiêm túc quan điểm “văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”.

Tổng Bí thư cũng chỉ rõ: để tiếp tục xây dựng, giữ gìn và chấn hưng nền văn hóa của dân tộc, cần khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của toàn dân tộc, phát huy cao độ những giá trị văn hóa, sức mạnh và tinh thần cống hiến của mọi người dân Việt Nam.

Hệ thống quan điểm về phát triển văn hóa và xây dựng con người của Tổng Bí thư được đúc kết trong các bài viết, bài phát biểu, thư được tập hợp trong cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc vừa ra mắt tháng 6. PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh tác phẩm là kim chỉ nam cho hoạt động chỉ đạo, lãnh đạo, phát triển văn hóa trong thời gian tới.

Một nhà văn hóa lớn ảnh 2
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định văn hóa càng ngày càng trở thành nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với vị thế, sức mạnh của một quốc gia dân tộc

Đặt con người ở trung tâm

Không dừng lại ở mức độ nêu lý thuyết, lý luận, trong quan điểm chỉ đạo hay các bài viết, bài phát biểu, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nghiêm khắc chỉ ra những hạn chế yếu kém của văn hóa, từ đó đưa ra xu hướng vận động và phát triển của văn hóa. Tổng Bí thư hiểu, xác định đúng, rõ vai trò, vị trí, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng, nguyên Vụ trưởng Vụ Xuất bản, Ban Tư tưởng - Văn hóa T.Ư (Ban Tuyên giáo T.Ư) khẳng định, các bài viết, bài phát biểu của Tổng Bí thư đặt văn hóa trong thời kỳ quá độ và nhấn mạnh văn hóa phải tham gia vào cuộc đấu tranh không có trận tuyến rõ ràng, phức tạp và đầy mâu thuẫn giữa cái tốt và cái xấu, tích cực và tiêu cực…

“Tổng Bí thư khẳng định, văn hóa đóng vai trò quan trọng hàng đầu của cách mạng Việt Nam. Văn hóa càng ngày càng trở thành nhân tố có ý nghĩa quyết định đối với vị thế, sức mạnh của một quốc gia dân tộc. Văn hóa cũng là một đột phá để tạo sức mạnh mềm của con người, đất nước, dân tộc Việt Nam”, GS.TS Đinh Xuân Dũng phân tích.

Gắn bó với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng suốt mấy chục năm, trong cả công việc lẫn đời thường, GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định, Tổng Bí thư có nội lực và trí tuệ bật sáng hết sức tự nhiên trong những quyết sách, quan điểm chỉ đạo ở nhiều lĩnh vực, trong đó có sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu tất cả cán bộ của Đảng phải coi văn hóa là gốc, hết sức quan tâm tới đào tạo đội ngũ cán bộ văn hóa. Dấu ấn sâu sắc nhất thể hiện tầm nhìn, trí tuệ của Tổng Bí thư ở chỗ, trong quá trình xây dựng, phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, người đứng đầu Đảng ta đưa ra những gợi mở, kết luận mở về những hệ giá trị: quốc gia, con người, gia đình, văn hóa Việt Nam, đồng thời khẳng định một số phẩm chất có tính cốt lõi của con người, dân tộc, yêu cầu sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

GS.TS Đinh Xuân Dũng khẳng định, từ Đại hội X tới Đại hội XIII của Đảng, quan điểm về văn hóa có sự hoàn thiện rõ rệt. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người kết luận mở về các hệ giá trị, gắn chặt văn hóa giữa lý luận và thực tiễn. Điều này trở thành định hướng cho việc nghiên cứu, tiếp tục xác định các hệ giá trị của con người Việt Nam trong thời kỳ hiện nay, đưa các hệ giá trị vào đời sống.

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật (VHNT) T.Ư cho biết, Tổng Bí thư nhấn mạnh trong quá trình phát triển đất nước nói chung và văn hóa nói riêng, con người phải được đặt ở vị trí trung tâm. “Tổng Bí thư cho rằng, phải phát triển văn hóa, con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới. Phải xây dựng gia đình hạnh phúc, tiến bộ bởi đây là tế bào lành mạnh, vững chắc của xã hội. Việc xây dựng các hệ giá trị quốc gia cũng được đặc biệt quan tâm”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu. Ông khẳng định, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là tấm gương sáng về rèn luyện, học tập, nói đi đôi với làm. PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nêu lại những câu chuyện giản dị và nêu bật tầm vóc của nhà văn hóa.