Một lần đến thăm chiến hạm không bao giờ chìm

Lãnh đạo Vùng 1 Hải quân chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn trên cảng.
Lãnh đạo Vùng 1 Hải quân chụp ảnh lưu niệm cùng đoàn trên cảng.
TP - Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết, tư lệnh vùng 1 hải quân, tiết lộ BẠCH LONG VĨ từng được ví là Chiến hạm không bao giờ chìm.

Bạch Long Vĩ, hòn đảo xa bờ nhất  vùng Đông bắc Việt Nam. Bạch Long Vĩ còn được gọi là đảo Vô Thủy, ẩn trong mình bao sự kiện lịch sử và kỳ tích. Một vùng du lịch đầy tiềm năng nhưng còn hoang sơ. Đón mùa xuân Mậu Tuất về, các cán bộ chiến sĩ vùng 1 Hải quân đã đưa chúng tôi, đi chúc tết đảo xa, đảo tiền tiêu, phên dậu của Tổ quốc. Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết, tư lệnh vùng 1 hải quân, tiết lộ BẠCH LONG VĨ từng được ví là Chiến hạm không bao giờ chìm. 

Tôi báo xin xe đi Hạ Long chuyến 6h sáng ngày 26/1/2018 nhưng 11h ngày 25/1/2018, Vũ Văn Hùng, Tuyên huấn tư lệnh vùng 1 hải quân, điện cho tôi: Có gió mùa Đông bắc, nên thủ trưởng quyết định đi ngay tối nay, trước 18h. Tôi vội bắt xe Limousine đi Quảng Ninh về quân cảng Hạ Long.

Có 12 nhà báo và đài truyền hình địa phương các tỉnh đã hội tụ đi biển đảo theo lời mời của Bộ tham mưu Hải quân. Trong đoàn đi, chỉ có tôi là cao tuổi nhất. Con tàu Hải quân 634 kéo còi, nhổ neo ra khơi lúc 17h hướng về đảo Bạch Long Vĩ.  Hải quân, nhà báo gặp nhau mừng vui như người thân lâu ngày gặp lại. Với tôi, đây là lần đầu tiên lên tàu Hải quân.

Ban đầu, tháng 11/2017, khi được thông báo chuyến đi của Ban tuyên giáo thành ủy Hà Nội,  tôi có một dự định đi Bạch Long Vĩ với chương trình viết rất hoành tráng và tiếp cận rất chi tiết. Tôi hình dung, sẽ là những khoảng thời gian thư giãn trong sương sớm trên boong tàu ra đảo Bạch Long Vĩ, vi vu trên vịnh Hạ Long để làm thơ và viết tùy bút...

Nhưng tôi đã nhầm khi đọc lịch trình và trưởng đoàn đi hôm nay, tôi biết đó là sự khẩn trương và không có nhiều đất để phóng bút:  Trưởng đoàn: Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết, Tư lệnh vùng 1 Hải quân. Lịch đi 7 ngày rút lại chỉ ba ngày. Lịch xuất phát là 26/1/2018, tại quân cảng Hạ Long, do gió mùa Đông bắc về đột ngột nên đổi lại đi sớm hơn. Tôi cuống cả lên, may đi xe Limousine 9 chỗ tốc độ cao, tôi về vừa kịp tàu nhổ neo ra khơi trong đêm Hạ Long tối như hũ nút. Tôi cứ hình dung đêm Hạ Long đèn sáng như sao sa, lấp lánh như ngọc trong đêm thần tiên long lanh để rồi có những bài thơ hay… Và nữa, chúng tôi sẽ thưởng thức bào ngư, ăn cá thu tươi ngay sáng đầu tiên...

Nhưng đọc lịch trình thì không có một buổi nào trống: Tối 25/1/2018 đi cả đêm để ra đảo Bạch Long Vĩ. 7h viếng nghĩa trang liệt sĩ, 8h chúc Tết đồn biên phòng anh hùng Bạch Long Vĩ, 8h30 chúc Tết Ban quản lý cảng, 9h00 chúc Tết và tặng quà Trạm cảnh sát biển Bạch Long Vĩ, 9h20 chúc Tết các gia đình Thanh niên xung phong (TNXP) tiêu biểu tại khu tập thể TNXP, 10h chúc Tết Trạm rada 27, 11h chúc Tết Huyện ủy, UBND huyện đảo… Tóm lại, chương trình kín hết cho đến 12h30 trưa. Trưa ăn cơm Tết rất sang, có đủ bánh chưng, giò chả nem...  nhưng do Chuẩn đô đốc đi kiểm tra các đơn vị nên không có rượu. Chúng tôi đi chúc Tết như đi hành quân.

Một lần đến thăm chiến hạm không bao giờ chìm ảnh 1 Chăm chút mai vàng đón Xuân.

Tuy nhiên, tôi chỉ thấy cập rập mấy phút ban đầu, sau đó quen dần và tôi cảm thấy ở Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết một cách làm việc khoa học, khẩn trương, chính xác và hợp lý. Các đơn vị đón Tết đều có đào, quất và mai vàng tươi. Đơn vị cuối cùng chúng tôi đến cán bộ chiến sĩ đang gói bánh chưng Tết. Đó là một sự quan tâm và chuẩn bị cẩn thận của lãnh đạo vùng 1 Hải quân. Những chiến sĩ hải quân người Vĩnh Bảo, Kiến An... đang gói bánh chưng đón Tết làm tôi nhớ ngày xưa chiều 28 Tết nhà tôi cũng lục đục gói bánh chưng. Không khí Tết trên đảo cho người ta yêu quê nhà, yêu Tổ quốc hơn. Và như thế, những chiến sĩ bảo vệ phên dậu của Tổ quốc yên lòng chắc tay súng. Tết ở đảo sớm hơn ở đất liền. Trực chiến 70% cho đất liền bình yên.

Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết, người tôi nghe danh từ lâu truyền thông điệp: Ta đi chúc Tết lính đảo nên tuyệt đối không phiền gì ở đảo cả. Tất cả các chiến sĩ đều có Tết, tất cả các cơ quan Đảng và chính quyền đều được chúc Tết và có quà. Vì thế, các quà và thiếp chúc tết được chuẩn bị cẩn thận và đóng hộp tươm tất đầy sắc Xuân.

Tôi cao tuổi nhất đoàn nên được Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết mời ăn cơm cùng vợ chồng ông. Bữa cơm cứ lặng lại khi nghe ông kể về đảo Bạch Long Vĩ. Ông kể câu chuyện về thiếu nước ngọt. Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết nói: Vo gạo xong, lắng lại, lấy nước đó rửa rau. Rửa rau xong, lấy nước đó để rửa chân. Rửa chân xong không được đổ đi mà lấy nước đó dùng tưới cây, rau hay lấy nước nấu cám cho lợn. Tóm lại là tiết kiệm đến mức tối đa. Tôi hỏi: còn tắm của lính thì sao? Anh em ở các đảo chìm được tắm nước ngọt phải đứng trên một cái giàn cho nước rơi xuống một chậu hứng để lấy nước dùng lại vào việc khác.

Chuẩn đô đốc Quyết nói: Những chuyến ra Bạch Long Vĩ không ai dám tắm vì không đủ nước. Có câu chuyện làm tôi nhớ mãi. Một cậu lính thèm tắm, mà nước ngọt thì thiếu, trong khi nhiều ngày chưa tắm giữa mùa hè nóng thật khó chịu. Nhân trên tàu có một lồng ngan mới mua từ Hải Phòng. Cậu ta thả một con ngan xuống biển và hô con ngan bị xổng lồng và nhảy xuống biển bắt lại ngan. Thế là kiểu gì cũng phải ưu tiên nước cho cậu ta tắm dù chỉ một xô nước ngọt. Nghĩ mà thương lính. Nước ngọt ở Bạch Long Vĩ trước đây hiếm lắm. Bây giờ nhiều tàu đời mới, họ có phin lọc máy để lọc nước mặn thành nước ngọt nhưng giá rất đắt. Có lẽ vì thế mà Bạch Long Vĩ trước kia còn gọi là đảo Vô Thủy.

Còn rau ở đảo Bạch Long Vĩ vô cùng hiếm vì rất khó trồng, ông nói. Ở đảo, thường là không đủ rau, phải mang từ Hải Phòng ra. Trồng được cây rau trên biển phải che gió không thì hơi mặn thổi vào vườn là rau chết. Lính đảo thường dùng bã chè rải lên gốc rau để giữ ẩm. Mỗi chuyến đi biển về dân chài đổi cá của họ lấy rau tươi. Cá thì nhiều mà rau thì ít. Các đảo, các chiến sĩ tự túc rau, cá thịt 100%, không phải mua ngoài chợ. Nghe chuyện của anh Quyết, tôi hình dung những năm qua, cán bộ, chiến sĩ đã gian khổ, truân chuyên thế nào để có một Bạch Long Vĩ như bây giờ.

Tôi lại thương cậu em tôi, Vũ Duy Ninh, Trung tá Hải quân, quê Nông Cống, 25 năm lênh đênh trên biển.

Lúc gặp mặt các chiến sĩ hải quân, tôi hỏi to: Có ai là đồng hương xứ Thanh không? Một tiếng hô dõng dạc: Báo cáo, có tôi, Lê Bá Nhiệm, thiếu tá vùng 1 Hải quân. Một tiếng hô khác: Báo cáo, có tôi, đại úy Lê Văn Thìn, quê Hậu Lộc. Và cứ nghe: báo cáo, báo cáo... như thế. Tôi xúc động đến run người khi nghe câu nói ấy, âm thanh ấy ở nơi biển đảo tiền tiêu.

Một lần đến thăm chiến hạm không bao giờ chìm ảnh 2 Cán bộ, chiến sĩ gói bánh chưng đón Tết.

Bạch Long Vĩ, Tôi chỉ biết khi nghe bài hát Bạch Long Vĩ đảo quê hương của Huy Du ngày tôi còn ngồi trên ghế nhà trường cách đây nửa thế kỷ. Nhưng hôm nay đến thăm đảo, nghe báo cáo của Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện đảo Trần Quang Tường, tôi tự hào và tin tưởng. Trong 9 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2017 thì 8 chỉ tiêu đã hoàn thành và vượt mức.

Riêng tổng mức đầu tư phát triển vượt đến 17 tỷ đồng, thương mại dịch vụ tăng đến 7,6%. Với đà này, nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2018 sẽ mở ra một triển vọng tốt đẹp cho Bạch Long Vĩ nói riêng và Hải Phòng nói chung. Tôi đã thấy một huyện đảo đang đi lên như một chiến hạm đang rẽ sóng vững chắc ra khơi, như lời Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết nói khi chia tay Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Trần Quang Tường: Bạch Long Vĩ là một chiến hạm không bao giờ chìm.

Đêm nay, Tàu 634 lại ra đi để ngày mai, chúng tôi có mặt trên đảo Cát Bà như đón xuân sớm và chúc Tết các chiến sĩ hải quân ở Hải Phòng. Bên tai tôi lại văng vẳng lời ca Bạch Long Vĩ đảo quê hương của nhạc sĩ Huy Du: ...Bạch Long vĩ đảo quê hương...quê hương của rồng trắng, quê hương của hải bào, tiếng hát em ngân càng cao...

Tôi đã thấy một huyện đảo đang đi lên như một chiến hạm đang rẽ sóng vững chắc ra khơi, như lời Chuẩn đô đốc Trần Ngọc Quyết nói khi chia tay Bí thư kiêm Chủ tịch huyện đảo Trần Quang Tường: Bạch Long Vĩ là một chiến hạm không bao giờ chìm.

MỚI - NÓNG