Tôi nghiền ngẫm 200 trang của “Một đêm” trong vòng một đêm, thỉnh thoảng lại buông sách ngó ra bầu trời đêm bên trên/ngoài hàng rào phong tỏa chống dịch.
Một đêm của Trịnh Xuân Thuận diễn ra trên đỉnh núi lửa Mauna Kea (Thần Trời) trên đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương cao 4.207m. Đó là đỉnh núi thiêng, nơi trú ngụ của thần linh mà người dân bản địa vốn không muốn con người lai vãng tới, kể cả các nhà khoa học.
Nơi đó đặt kính thiên văn Keck đường kính gương 10m, một trong những kính thiên văn lớn nhất thế giới. Nơi tới đây các nhà khoa học sẽ xây dựng thêm kính thiên văn TMT đường kính khổng lồ tới 30m, có thể quay ngược thời gian của vũ trụ tới 13 tỷ năm!
Để có một đêm (chính xác là ba đêm) được làm việc bên kính thiên văn Keck, là cuộc cạnh tranh hết sức “khốc liệt” giữa các nhà thiên văn học trên thế giới, bằng dự án nghiên cứu được phê duyệt. Giành được suất rồi, còn phải phụ thuộc vào sự may mắn. Bởi nếu tới lịch trình mà gặp đêm trời mưa, thời tiết xấu, coi như trắng tay. Phải lập dự án thi đấu lại từ đầu cho đợt nghiên cứu năm sau, mà chưa chắc khi ấy thời tiết đã chiều lòng người.
Là một người luôn sợ hãi bóng đêm, bởi ám ảnh bóng đêm trong chiến tranh ở miền Bắc, rồi miền Nam Việt Nam cho đến năm 1966 rời quê hương ra nước ngoài du học, nhưng “cuộc hành hương trong bóng tối của màn đêm” của tác giả những cuốn sách về thiên văn bán chạy nhất thế giới thật thú vị, như đọc một áng thơ.
Tác giả dẫn ta bước vào “một đền thờ thời hiện đại” là chiếc kính thiên văn khổng lồ - cỗ máy kỳ diệu thu nhận ánh sáng từ vũ trụ để cùng nhau quay ngược trở lại quá khứ xa xăm. Những nơi mà loài người vĩnh viễn không thể đặt chân tới. Như cuộc thám hiểm tới ngôi sao gần mặt trời nhất là sao lùn đỏ Proxima Centauri, cách trái đất 4,3 năm ánh sáng. Tức là với tên lửa hiện đại nhất ngày nay muốn đến sẽ mất khoảng 40.000 năm, gấp hơn 400 lần một đời người!
Để giữa “đền thờ” ánh sáng ấy ta chiêm nghiệm về ánh sáng. Để thấy sự náo động, cuồng nhiệt trên bầu trời kỳ vĩ, xa xăm, cũng như “sự vô thường của vũ trụ”. Để hiểu rằng mặt trăng không phải chỉ là một vệ tinh của trái đất, là nguồn cảm hứng của các thi sĩ, mà hơn thế, nó giúp cho sự sống tồn tại trên trái đất này.
Để biết rằng chính chúng ta là những hậu duệ của các vì sao. Bởi khoa học đã chứng minh rằng, con người cũng như toàn bộ sự sống và vật chất xung quanh được tạo thành từ chính các bụi sao.
Để tôi nhận ra rằng, ánh sáng rốt cuộc đâu chỉ có tác dụng giúp chúng ta nhìn thấy gương mặt nhau, kể cả là ánh sáng tia hồng ngoại để săn tìm nhau qua họng súng. Đâu phải thứ soi rọi cho loài người chúng ta thấy vẻ đẹp những rừng núi, sông biển thiên nhiên, những lô đất vàng hay lâu đài, biệt phủ để thi nhau âm mưu sở hữu, chiếm đoạt.
Tác giả lo lắng, rằng “loài người liệu có đủ khôn ngoan để kiềm chế ham muốn vô độ xây dựng và chiếu sáng của mình, để con cái chúng ta vẫn còn có thể chiêm ngưỡng bầu trời với tất cả sự lộng lẫy của nó”. Khi những thành phố như Las Vegas “được xây dựng chỉ để đánh bại màn đêm”.
Những tưởng chỉ những thứ trên hành tinh nhỏ bé của chúng ta mới cần được bảo tồn. Mà ít ngờ chính ánh sáng của những vì sao trên bầu trời kỳ vĩ cũng đang kêu gọi được bảo tồn. Đã có một vài khu bảo tồn quốc tế cho bầu trời sao. Như Khu bảo tồn trời sao đầu tiên trên thế giới được thiết lập tại Québec (Canada) năm 2007 với diện tích 5.500 km2 trong bán kính 50km xung quanh Đài thiên văn Mont-Mégantic.
Nếu có thật nhiều những khu bảo tồn như thế, thì đâu đến nỗi mọi người phải lặn lội hàng ngàn cây số, xếp hàng nhiều năm trời để được đặt chân lên đỉnh Mauna Kea giữa Thái Bình Dương hay trong sa mạc Atacama ở Chile để có thể được chiêm ngưỡng bầu trời đầy sao với vẻ đẹp lộng lẫy của nó?
Thực sự “cái đêm hôm ấy đêm gì”? Khi Van Gogh viết cho anh trai “em có một nhu cầu khủng khiếp, như là tôn giáo, đó là ra ngoài trời đêm để vẽ những vì sao”.
“Một đêm” (Une nuit), cuốn sách mới nhất được dịch ra tiếng Việt của nhà Vật lý thiên văn nổi tiếng thế giới người Việt Trịnh Xuân Thuận, do hai cha con dịch giả Phạm Văn Thiều-Phạm Việt Hưng chuyển ngữ, NXB Trẻ ấn hành năm 2020.