Một trong những đại gia chiếu sáng mạnh tay đầu tư cho công nghệ chiếu sáng LED, mà nhóm các nhà phát minh vừa đoạt Giải thương Nobel Vật lý 2014, phải kể đến Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.
Thành công khi người khác thất bại
Với phát minh ra các diode phát ánh sáng màu xanh da trời (blue LED) cho phép tạo ra các nguồn sáng trắng sáng hơn và tiết kiệm năng lượng, hai nhà khoa học người Nhật Bản và một nhà khoa học Mỹ gốc Nhật là chủ nhân giải thưởng Nobel Vật Lý 2014.
Hội đồng trao giải Nobel, Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển (RSAoS), cho biết như vậy khi đánh giá công trạng của ba khoa học gia tạo ra các diode phát ánh sáng xanh dương những năm đầu 1990, giúp giải quyết một trở ngại kéo dài hàng chục năm trước đó về công nghệ ánh sáng từ LED và tạo ra một bước ngoặt trong công nghệ chiếu sáng.
“Các diode xanh lá cây và đỏ xuất hiện từ khá lâu nhưng vì không có ánh sáng xanh nên không thể tạo ra các bóng đèn có ánh sáng trắng. Bất chấp các nỗ lực của cả cộng đồng khoa học và trong ngành công nghiệp, đèn LED xanh dương vẫn là một thách thức suốt ba thập kỷ” - RSAoS giải thích.
Hội đồng trao giải nhận xét: "Họ đã tạo nên một cuộc cách mạng. Họ đã thành công trong khi những người khác thất bại. Nếu bóng đèn sợi đốt đã thắp sáng thế kỷ 20 thì thế kỷ 21 sẽ được thắp sáng bằng bóng LED".
Không gây mỏi mắt
Đèn LED được coi là công nghệ xanh bởi nó tiết kiệm 90% điện năng so với bóng đèn sợi đốt và chỉ bằng một nửa điện năng tiêu thụ của compact, loại đèn đang được sử dụng phổ biến ở VN để thay thế dần các bóng đèn sợi đốt. Thời gian chiếu sáng thực tế của đèn LED có thể đạt 35000 đến 50000 giờ trong khi của compact chỉ 6.000-10.000 giờ và của đèn sợi đốt không quá 1000 giờ. Tuổi thọ của LED được xác định cao hơn bất kể loại bóng đèn thông dụng nào hiện nay.
Trong quá trình thắp sáng, đèn LED có ưu điểm nổi bật là không nhấp nháy và, vì thế, không gây hại cho mắt. Điều quan trọng, LED giảm thiểu các chất độc hại vốn thường có trong các loại đèn truyền thống như thủy ngân, chì, cadmium, và các bức xạ có hại nên sẽ an toàn hơn cho người sử dụng và, nhất là, trẻ nhỏ.
Christian Wetzel, Giáo sư Vật lý, Học viện Rensselaer Polytechnic, New York, Mỹ, cho biết: "Tương lai, bóng LED trắng sẽ thắp sáng cho tất cả các gia đình tại khắp nơi trên thế giới".
Năm 2015 thống trị thị trường chiếu sáng
Theo 2015 Timeline Contents, đến năm 2015, công nghệ LED sẽ thống trị thị trường chiếu sáng thương mại thế giới. Các nhà nghiên cứu dự báo thị trường đèn LED toàn cầu sẽ tăng từ 2,2 tỷ USD năm 2011 lên mức 3,7 tỷ USD năm 2016.
Tốc độ tăng trưởng doanh thu nằm trong khoảng 14%/năm tùy thuộc vào sự suy giảm giá bán trung bình trong năm.
Một dự báo khác của các nhà khoa học Mỹ công bố mới đây cho thấy, đến năm 2020, sản phẩm công nghệ LED chiếm trên 70% thị trường chiếu sáng toàn cầu nói chung. Trong số đó, Châu Á chiếm thị phần lớn nhất với 45%, Châu Âu 25%, và Bắc Mỹ 20%.
Các quốc gia và vùng lãnh thổ có vị trí gần Việt Nam như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan đều đã hình thành và phát triển mạnh công nghiệp LED.
Vẫn mới ở Việt Nam
Cùng với trào lưu trên thế giới, từ đầu những năm 2010, tại Việt Nam, đèn LED bắt đầu được ứng dụng trong các lĩnh vực xã hội và nhà ở.
Nhờ ứng dụng công nghệ LED trong chiếu sáng công cộng, 32 tỉnh thành tiết kiệm được 30% điện năng tiêu hao so với trước đó, theo công bố năm 2013 của Hội Chiếu sáng Việt Nam.
Áp dụng rộng rãi công nghệ chiếu sáng LED sẽ góp phần đáng kể cho Chương trình Mục tiêu Quốc gia về Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm & Hiệu quả (VNEEP), GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam, nhận định.
Tuy nhiên, 90% đèn LED trên thị trường hiện nay là hàng Trung Quốc với nhiều mẫu mã và giá cả khác nhau. Trước kia, sản xuất đèn LED ở Việt Nam chỉ xoay quanh nhập linh kiện và lắp ráp, sao chép giản đơn rồi đóng gói sản phẩm. Hiện mới có khoảng 20 công ty trong nước lắp ráp đèn chiếu sáng LED với công suất và thị phần chưa nhiều.
Đánh giá đèn LED sẽ phát triển nhanh hơn sự phát triển của đèn compact những năm 2000, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, doanh nghiệp với hơn 50 năm kinh nghiệm sản xuất thiết bị chiếu sáng, đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển, mời các nhà khoa học hàng đầu về công nghệ chiếu sáng về làm việc, xây dựng các dây chuyền sản xuất hiện đại, cung cấp hàng triệu sản phẩm chiếu sáng LED cho thị trường.
Kiểm tra các thông số đèn LED tại Rạng Đông – nơi thu hút nhiều nhà khoa học hàng đầu VN nghiên cứu công nghệ LED.
Vẫn mạnh ai nấy làm là chính
Dù Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển sản phẩm đèn LED nhằm đại trà hóa tới mọi đối tượng tiêu dùng, kể cả người có thu nhập thấp.
Tuy nhiên, công nghệ chiếu sáng LED vẫn quá đắt so với các công nghệ chiếu sáng truyền thống khác. Mặt khác, chất lượng sản phẩm chiếu sáng LED nhập từ Trung quốc hoặc có tổ hợp tác Việt Nam nhập linh kiện về, lắp ráp sao chép giản đơn, gây ấn tượng xấu với những quảng cáo phóng đại. Rào cản này khiến LED chưa được sử dụng rộng rãi tại Việt Nam, ông Nguyễn Đoàn Thăng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, chia sẻ.
Một mặt, theo TS Trần Đình Bắc – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Chiếu sáng Việt Nam, nước ta còn thiếu kiến thức, hiểu biết chưa đầy đủ về công nghệ chiếu sáng LED, thiếu trình độ chuyên môn trong việc xây dựng, vận hành và duy trì hệ thống công nghệ chiếu sáng LED. Thiếu cơ sở khoa học và nền tảng công nghệ khiến chất lượng sản xuất chưa đồng đều.
Mặt khác, ở Việt Nam, vẫn thiếu phối hợp đồng bộ và hiệu quả giữa các cơ quan quản lý, đánh giá chất lượng sản phẩm và các nhà sản xuất, cung cấp các sản phẩm chiếu sáng LED. Đặc biệt, chưa có chính sách cụ thể và hiệu quả cùng với các công cụ chính sách đi kèm nhằm khuyến khích phát triển và thực hiện công nghệ chiếu sáng LED, GS.TS Phan Hồng Khôi - Giám đốc Điều hành Dự án Chiếu sáng Công cộng Hiệu suất cao, nói.
Ông Nguyễn Danh Hòa, Trưởng phòng Thử nghiệm Điện - Điện tử, Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 1, Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, thừa nhận ba bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho đèn LED được xây dựng ở VN chưa đủ để đánh giá một cách toàn diện về đèn LED.
Những nước phát triển mạnh sản xuất đèn LED là nhờ được chính phủ hỗ trợ vốn dài hạn và nghiên cứu công nghệ. Con đường ngắn nhất để hấp thu công nghệ LED là đầu tư dây chuyền công nghệ song song với liên kết lắp ráp và tranh thủ đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật.
Hơn nữa, “do đi sau nên phải làm được sản phẩm tốt, giá cạnh tranh mới mong đứng vững”, Tiến sĩ Vật lý Nguyễn Văn Khải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn Tiết kiệm điện & Dung dịch Hoạt hóa Điện hóa, được biết đến là chuyên gia có nhiều sáng chế giúp tiết kiệm năng lượng cho nông dân, đề xuất.
Điện năng phục vụ chiếu sáng tại Việt Nam hiện chiếm 25,3% tổng lượng điện tiêu thụ. Trong số đó, 46% cho chiếu sáng khu vực dân cư, 35% cho khu vực thương mại, 19% cho công nghiệp và các khu vực khác. Các thiết bị chiếu sáng truyền thống như đèn sợi đốt, halogen, kể cả đèn huỳnh quang compact (CFL) mà hầu hết các dự án chiếu sáng đang sử dụng đều tiêu tốn nhiều năng lượng.
Vì thế, mặc dù diện tích không gian được chiếu sáng còn khiêm tốn so với nhu cầu, tỷ lệ điện giành cho chiếu sáng của cả nước vẫn cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác.
Sử dụng LED trong chiếu sáng có thể giảm 10-15% sản lượng tiêu thụ điện quốc gia
Nghiên cứu của Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam
Công nghệ Đèn BLUE LED – cơ hội & thách thức
Công nghệ Đèn BLUE LED – cơ hội & thách thức là chủ đề hội thảo được Diễn đàn các Nhà báo Môi trường Việt Nam (VFEJ) phối hợp cùng Hội Chiếu sáng Việt Nam, Hội Khoa học Công nghệ Sử dụng Năng lượng Tiết kiệm & Hiệu quả và Trung tâm Tiên tiến Khoa học & Công nghệ (Trường Đại học Bách khoa Hà Nội), tổ chức vào sáng Thứ Sáu, 05/12/2014 tới đây, tại Trụ sở Hội Chiếu sáng Việt Nam, 87-89 Phố Hạ Đình, Quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Hội thảo được tổ chức nhân sự kiện tại Stockholm, Thuỵ Điển. Giải Nobel Vật lý 2014 sẽ trao cho hai nhà khoa học Nhật Bản và một nhà khoa học Mỹ gốc Nhật bởi “phát minh ra các diode phát ánh sáng màu xanh (blue LED) cho phép tạo ra các nguồn sáng trắng sáng hơn và tiết kiệm năng lượng".
Các thông tin nổi bật về công trình nghiên cứu đèn Blue LEDS, về sự kiện đèn LED được dự báo sẽ chiếm lĩnh thị trường chiếu sáng thương mại năm 2015, và về thực trạng nghiên cứu và thị trường đèn LED ở Việt Nam là những nội dung chính sẽ được chia sẻ tại hội thảo.