Môn Hóa khó, Địa, Ngoại ngữ 'dễ thở'

Môn Hóa khó, Địa, Ngoại ngữ 'dễ thở'
TPO- Sáng 10-7, kết thúc ba môn thi cuối cùng của đợt thi thứ hai, nhiều thí sinh dự thi đại học đợt hai cho rằng, đề thi môn Hóa (khối B) hơi khó nhằn. Môn Ngoại ngữ (khối D) và Địa (khối C) vừa sức.

Bài giải đề thi môn Toán, Lịch sử, Ngữ văn, Sinh học
> Đề vừa sức, vẫn dùng điện thoại trong phòng thi

Thí sinh Nguyễn Văn Kỳ (Mê Linh- Vĩnh Phúc ) cho rằng đề thi năm nay không khó, ngang tầm mọi năm: “Có 10 câu em không chắc chắn đáp án lắm. Chỉ có phần đọc hiểu là hơi khó, còn các phần khác thì dễ thở hơn”.

Kỳ cũng tự tin cho rằng, nếu chắc chắn những câu đã làm được thì em cũng đã được 8 điểm môn Anh Văn: “Nếu năm nay lấy điểm chuẩn bằng năm ngoái là 17 điểm thì em hoàn toàn có cơ hội đỗ, chỉ sợ lấy cao hơn thôi”.

Nguyễn Thị Minh Thúy (Hà Nội) dự thi vào trường ĐH Bách Khoa Hà Nội cho biết, có 70 câu em làm khá chắc đáp án, còn 10 câu hơi khó nên tích bừa cho kịp giờ: “Đề hơi dài, dù vậy em vẫn làm được khoảng 80% đúng đáp án”.

Ra khỏi phòng thi Vũ Thu Huyền (Hà Nội) dự thi vào khoa Quản trị du lịch khách sạn của Viện ĐH Mở cho rằng môn Ngoại ngữ không phải là môn sở trường nên đề năm nay với em là dài, khó nhất là phần trọng âm và phần bài đọc. “Có hai bài em không làm được và có khoảng hơn 10 câu tích bừa, không biết kết quả thư thế nào mà thôi. Tuy nhiên, em thi vào ĐH Thái Nguyên ở khối A mới là chính còn thi vào khối B chỉ là sơ cua mà thôi”- Huyền chia sẻ.

Với đề thi Hóa năm nay thì nhiều bạn thí sinh cho biết, đề khá khó nhằn do có nhiều câu hỏi phải tính toán và tốn nhiều thời gian.

Tại điểm thi trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Khoa Học Tự Nhiên (ĐH QGHN) nhiều bạn thí sinh dự thi cho biết đề thi này đạt 5-6 điểm thì dễ nhưng để được điểm cao, nhất là điểm 10 thì khó. Bạn Nguyễn Minh cho biết: “Đề thi năm nay chủ yếu nằm trong chương trình lớp 12, đề thi không lắt léo nhưng cũng khá khó. Nhiều câu tính toán khá dài nhưng không biết đáp án có đúng không nhưng em cầm chắc được 80%”.

Còn thí sinh Duyên, thi vào ĐH Y Hà Nội cho biết: “Đề Hóa năm nay có 60 câu trắc nghiệm, nhiều câu dễ ăn điểm nhưng có nhiều câu khó hơn vì phải tính toán nhiều. Chắc em chỉ làm đúng được 70%”.

Môn Địa thi sáng nay của khối C được nhiều thí sinh đánh giá là vừa sức và dễ kiếm điểm so với hai môn Sử, Văn hôm qua.

Thí sinh Nguyễn Thu Phương (Hà Nội) cho biết đề Địa năm nay không lắt léo nhưng phải biết tổng hợp kiến thức và viết theo hiều biết của mình: “Đây là môn ổn nhất trong 3 môn thi, hy vọng môn này gỡ điểm cho môn Sử cho em”.

Còn với Bùi Thị Thu thi vào ĐH Văn hóa cho biết đề Địa năm nay không dài, duy nhất phần vẽ biẻu đồ hơi lắt léo, các bạn nếu không để ý thì sai dễ rơi mất 3 điểm đáng tiếc nhất: “Đề Địa dễ thở, dễ lấy điểm nhất trong ba môn, em làm tốt vì thế hy vọng năm nay sẽ đỗ”.

Đề Hóa chi tiết, Anh văn mới lạ, Địa cơ bản

Nhận xét về đề thi môn Hóa, thầy Nguyễn Tấn Trung (THPT Vĩnh Viễn, TP. HCM) cho rằng: Đề năm nay khó hơn so với năm trước. Nhiều câu hỏi đi vào các chi tiết của sách giáo khoa, chẳng hạn: câu 49, 52 (mã đề 794). Thí sinh khó nhớ để trả lời và dễ bị nhầm lẫn. Đề cũng có nhiều câu tính toán khá phức tạp như câu 58, 42, 53...

Môn Hóa khó, Địa, Ngoại ngữ 'dễ thở' ảnh 1

Ảnh: Thành Long/USSH

Kiến thức trải đều toàn bộ chương trình phổ thông môn Hóa học từ lớp 10 đến lớp 12. Để làm tốt đề, thí sinh phải nắm vững kiến thức sách giao khoa một cách kỹ càng, hiểu rõ công thức; có kinh nghiệm giải các dạng bài toán thì mới lấy được điểm.

Với đề Hóa năm nay, thí sinh có học lực khá giỏi có thể đạt điểm 7-8. Còn học lực trung bình khá thì lấy được điểm 5-6 cũng khá khó khăn.

Cũng khó hơn so với năm trước, nhưng các thí sinh vẫn khá dễ thở với đề thi môn tiếng Anh năm nay. Khác với các năm trước, đề tiếng Anh năm nay có nhiều nét mới, thú vị. Cô Lê Thị Thanh Xuân (THPT Vĩnh Viễn) nhận xét:

Khác với năm trước, đề thi năm nay, phần đọc hiểu khá trừu tượng khi nội dung thể hiện vấn đề văn hóa. Thí sinh phải có sự tư duy sâu, vốn từ vựng phong phú và khả năng đoán từ mới có thể làm tốt phần này.

Phần từ vựng cũng có nét mới. Thay dạng chọn từ thích hợp còn thiếu vào chỗ trống bằng dạng chọn từ đồng nghĩa, trái nghĩa với từ đã cho. Tuy mới, nhưng thí sinh không quá khó khăn với dạng đề này vì, đề bài có thể hiện các chọn lựa rất rõ ràng.

Ngữ pháp cấu trúc câu vẫn như mọi năm. Nhưng năm nay, đề có thêm một số mẫu câu giao tiếp và ngữ cảnh giao tiếp mới lạ, sinh động hơn. Không còn trùng lăp với các chủ đề như mọi năm.

Với đề thi tiếng Anh không quá khó, đánh đố năm nay, các thí sinh vẫn có thể đạt điểm cao với đề thi này.

Còn địa lý, cô Lương Quỳnh Hoa (PTTH Trưng Vương, Quận I, Tp, HCM) cho rằng:

Đề thi năm nay đảm bảo tính cơ bản của các nội dung trong chương trình học: địa lí tự nhiên, kinh tế dân cư, kinh tế vùng, ngành...

Câu hỏi không mang tính đánh đố, rõ ràng. Trong số các câu hỏi, chỉ có có câu II 2, đòi hỏi thí sinh phải hiểu đề và biết phân tích để làm đúng hướng. Vì thí sinh sẽ dễ đi vào trình bày tên các đảo đông dân.

Về phân kĩ năng, rõ ràng không đánh đố. Thí sinh chỉ cần đọc kỹ đề là chọn lựa được loại biểu đồ thể hiện thích hợp nhất. Với đề này, sẽ có nhiều thí sinh đạt điểm 7-8; 9-10 cũng sẽ không ít.

Theo Viết
MỚI - NÓNG