Mối tình vượt thời gian
Nhắc tới nhạc sĩ Doãn Nho, ngoài sáng tác các bài hát mang đậm chất trữ tình của người chiến sĩ, còn có một Doãn Nho thủy chung son sắt với người vợ đã sát vai bên ông hơn nửa thế kỷ qua.
Nguyệt Ánh, vợ nhạc sĩ là vốn là cô gái Hà thành cùng được đào tạo với ông trong môi trường quân đội. Được nhiều chàng trai để mắt nhưng dường như vẫn chưa có ai “lọt mắt xanh” cô gái ấy… Cho đến một ngày, bà được nghe nhạc sỹ Doãn Nho trình bày tác phẩm “Sóng cửa Tùng” thì những cảm tình rất trong sáng đã nhen nhóm trong bà.
Trong khi đó, nhạc sĩ Doãn Nho lại “say nắng” Nguyệt Ánh chỉ vì những thứ rất giản đơn. “Thời thanh niên, có để ý gì đến mấy thứ giặt giũ đâu, nhưng Nguyệt Ánh lúc đó kỹ càng và cẩn thận lắm. Giặt cái khăn mặt cũng phải giặt bằng nước nóng, vò xà phòng thơm phức, mang ra nắng phơi khô đanh lại như cái bánh đa chứ không như anh em tôi để khăn mặt nhớt nhèo nhèo. Mấy cái cổ áo sơ mi Ánh giặt cũng trắng tinh”, nhạc sĩ Doãn Nho nhớ lại.
Thế là họ nên duyên vợ chồng, đơn giản thôi nhưng cho tới tận bây giờ, nhìn cách mà họ đối xử với nhau, cách mà họ vẫn xưng anh/em với nhau dù đã U80 cả rồi mới thấy được tình cảm chân thành họ dành cho nhau hơn nửa thế kỉ.
Bà Nguyệt Ánh kể, lấy nhau xong nhạc sĩ Doãn Nho đi học ở Nga 9 năm, ở nhà bà nuôi con một mình khó khăn trăm bề nhưng vẫn cố gắng hết sức. Bà kể lại câu chuyện bi hài khi nuôi con mà cho tới tận bây giờ bà vẫn phì cười khi nhớ lại.
“Một lần, con gái bị đau bụng, đi lỏng xong liền bị táo bón, chúng tôi lo quá. Có cậu bạn tới chơi, thấy vợ chồng tôi xanh xao hốc hác, anh Nho hồ hởi kể cho bạn nghe: 'Cậu biết không, mấy hôm nay dọn bữa ra mà bọn mình không nuốt nổi – con không đi ngoài thì bố mẹ không thể nào ăn! Tôi và cậu bạn kia bật cười vì câu nói rất thật nhưng đầy bi hài của anh Nho”, bà Nguyệt Ánh nhớ lại.
Rồi có thời gian bà Nguyệt Ánh bị ung thư, sau khi phẫu thuật khối u, bác sĩ rỉ tai với người nhà rằng bà chỉ sống được 5 năm nữa, gia đình chuẩn bị tinh thần. Nhạc sĩ Doãn Nho buồn lắm nhưng ông vẫn quyết tâm nắm tay bà đi khắp nơi để chạy chữa. Tìm được phương pháp chữa bệnh bằng dưỡng sinh tâm thể mà cho tới nay, không phải vài năm mà vài chục năm, bà Nguyệt Ánh vẫn sống khỏe.
Nói về điều này, bà Nguyệt Ánh bùi ngùi nhìn về phía chồng rồi nói rằng bà phải cảm ơn chồng nhiều lắm vì ông đã không quản ngại đường xá, luôn chở bà trên chiếc xe máy cũ kỹ đi khắp nơi ai mách bảo để có thể giữ lấy sự sống cho bà.
Giàu nghị lực và sống thuận hòa cho tới giờ phút này chính là nhờ tình yêu đã tiếp cho họ thêm rất rất nhiều năng lượng, để làm việc, để cống hiến và để yêu thương. Và cho tới tận bây giờ, nhạc sĩ Doãn Nho vẫn đều đặn ngày 6 tiếng làm việc, sáng tác. Tâm nguyện của ông là viết và viết, viết những điều ông ấp ủ.
Sáng tác ảnh hưởng bởi nhạc sĩ Đỗ Nhuận
Nhạc sĩ Doãn Nho tham gia quân đội năm 1950. Khi ấy ông 17 tuổi, đã từng tham gia Thiếu niên cứu quốc hồi 1945, sau đó là Đội Tuyên truyền Xung phong Vĩnh Yên ngày Toàn quốc kháng chiến. Doãn Nho vào bộ đội, học Trường Lục quân Việt Nam khóa 6.
Vào quân đội, do có năng khiếu ca hát nên Doãn Nho được phân công làm quản ca. Cho tới tận bây giờ, ông bảo vẫn thầm cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát và Đỗ Nhuận – 2 người đã phát hiện ra năng khiếu âm nhạc để từ đó bồi dưỡng ông. “Tôi phải thừa nhận rằng, phong cách sáng tác của tôi có ảnh hưởng rất lớn từ nhạc sĩ Đỗ Nhuận”, nhạc sĩ Doãn Nho tâm sự.
Những ca khúc đầu tiên ông viết “Bà mẹ nuôi”, “Tiến lên theo gương La Văn Cầu”… đã trở thành những tiết mục biểu diễn của đoàn.
Sau này, khi ông chuyển về Đoàn văn công Tổng cục Chính trị, ông có bài hát “Vui giải phóng” viết về ngày Giải phóng Thủ đô, cũng được sử dụng trong chương trình của đoàn. Nhưng có lẽ phải đến “Tiến bước dưới quân kỳ”, cái tên Doãn Nho mới được giới âm nhạc biết đến.
Đặc biệt, bài hát “Chiếc khăn Piêu” được ông phát triển từ dân ca Khơ Mú đã trở thành bài hát trong những tiệc cưới nhiều năm hòa bình ở miền Bắc và gần đây lại “nổi sóng” trong làng nhạc Việt với bản hòa âm, phối khí mới của Nguyên Lê do ca sỹ Tùng Dương thể hiện.
"Mỗi bài hát ở những thời điểm khác nhau thì đều có cách tiếp cận khác nhau, phù hợp với thời điểm đó, điều này chúng ta nên ủng hộ", vị nhạc sĩ chia sẻ.