Quy hoạch báo chí đến năm 2025:

Mỗi tỉnh, thành chỉ có 1 báo in, 1 tạp chí

Mỗi tỉnh, thành chỉ có 1 báo in, 1 tạp chí
TP - Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2015 sắp xếp theo hướng, mỗi bộ, cơ quan ngang bộ, cũng như tỉnh, thành chỉ có  1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí; các hội nghề nghiệp không có báo điện tử… Đại diện một số cơ quan chủ quản báo chí bày tỏ băn khoăn về điều này ngày 25/9 khi tham dự Hội nghị phổ biến Đề án.

Cấp sở không được ra báo

Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn, việc sắp xếp hệ thống các cơ quan báo in gắn với các giải pháp đổi mới mô hình tổ chức, quản lý theo hướng giảm số lượng cơ quan báo in. Các cơ quan báo in sau khi được sắp xếp đều có cơ quan chủ quản trực tiếp là tỉnh ủy, thành ủy… tạo điều kiện thuận lợi hơn cho công tác chỉ đạo, quản lý.

Về phương án sắp xếp, theo Đề án, Ban Chấp hành Trung ương có Báo Nhân dân, Tạp chí Cộng sản. Văn phòng Quốc hội có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Bộ, cơ quan ngang bộ có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí in. Mỗi tổ chức chính trị - xã hội - Trung ương có 1 cơ quan báo in và 1 cơ quan tạp chí. Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước có thể có 1 cơ quan tạp chí in.

Riêng ở các tỉnh, thành phố, mỗi địa phương có 1 cơ quan báo in thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 1 cơ quan tạp chí in thuộc hội văn học - nghệ thuật tỉnh. Các sở, ngành không có cơ quan báo in. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Quân đội Nhân dân, Báo Công an Nhân dân thực hiện theo mô hình cơ quan truyền thông đa phương tiện.

Lộ trình thực hiện việc sắp xếp là trước năm 2017 sẽ tiến hành thí điểm tại một số cơ quan, địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong cả hệ thống. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.

Đối với hệ thống báo điện tử, định hướng sắp xếp cơ bản tương tự như báo in. Cơ quan, tổ chức có báo in thì được xuất bản báo điện tử. Tuy nhiên, Đề án nêu rõ, các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp nhà nước chỉ có tạp chí điện tử, không có báo điện tử. Tạp chí điện tử chỉ được thể hiện đúng tính chất tạp chí, tránh tình trạng sử dụng giấy phép xuất bản. Do đó, các báo điện tử hiện có thuộc các tổ chức trên thì sắp xếp lại theo hướng thay đổi cơ quan chủ quản cho phù hơp với quy định.

Bộ TT&TT khẳng định, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh các sai phạm của cơ quan, ấn phẩm báo chí. Kiên quyết xử lý kỷ luật người có trách nhiệm và xử phạt, đình bản, rút giấy phép hoạt động đối với các cơ quan báo chí, ấn phẩm báo chí có sai phạm nghiêm trọng nhiều lần.

Sẽ xem xét yếu tố đặc thù

Đề cập Đề án ông Nguyễn Như Phong, Tổng Biên tập báo Năng lượng mới (thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) cho rằng, sẽ có nhiều tờ báo của các hội đoàn thể phải chuyển đổi từ báo xuống tạp chí, thậm chí có thể giải tán. Điều đó sẽ khiến một số lượng lớn phóng viên phải thay đổi công việc hoặc thất nghiệp.

GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cơ quan chủ quản báo điện tử Dân trí cũng tỏ ra khá tâm tư và buồn khi hội của mình không được ra báo điện tử. Theo GS Dong, báo điện tử Dân trí hiện nay có rất nhiều người đọc, có nhiều đóng góp vào các hoạt động xã hội như quỹ tấm lòng nhân ái… “Nói thật nếu chỉ có tạp chí thì chúng tôi hơi buồn. Vì rõ ràng báo điện tử có mức tác động luôn cao hơn so với tạp chí. Tôi nghĩ việc sắp xếp này cần phải tính đến yếu tố đặc thù và nên cho chúng tôi một đặc ân nào đó”, GS.Dong noi. Đại diện Thành đoàn TPHCM cũng đề nghị Bộ TT&TT “lắng nghe đầy đủ ý kiến của các cơ quan báo chí”. Đặc biệt cần quan tâm đến tính đặc thù của từng cơ quan báo chí.

Mỗi tỉnh, thành chỉ có 1 báo in, 1 tạp chí ảnh 1

Theo Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Sơn, sẽ có những cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai thực hiện Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí. Ảnh: Văn Kiên

Trả lời những thắc mắc trên, Thứ trưởng Trương Minh Tuấn cho biết, ngày 1/10 tới đây sẽ làm việc với TPHCM về vấn đề triển khai quy hoạch báo chí đối với thành phố và sẽ xem xét đến “số phận” của các tờ báo thuộc thành phố hiện nay. Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son thừa nhận, trong quá trình triển khai Quy hoạch báo chí toàn quốc, có thể sẽ xảy ra những mâu thuẫn, vướng mắc. Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng thẳng thắn chỉ rõ một số mâu thuẫn có thể xảy ra trong quá trình triển khai quy hoạch báo chí. Chẳng hạn, có những cơ quan báo chí vào diện đối tượng điều chỉnh nhưng lại đang có tia - ra (số lượng phát hành) tầm ảnh hưởng xã hội lớn, trong khi đó, lại có những báo không bị điều chỉnh (được tồn tại), lại có tia-ra nhỏ, Nhà nước phải trợ cấp, thậm chí phải bỏ tiền ra mua báo đó.

“Chẳng hạn, báo Tuổi Trẻ TPHCM trực thuộc thành Đoàn, có sức ảnh hưởng đến cả nước, song đây lại là báo của cấp sở, mà theo Đề án thì cấp sở không có báo chí. Hoặc báo điện tử Dân trí có nhiều độc giả, thuộc top 5 của làng báo điện tử, nhưng lại là báo của Hội Khuyến học Việt Nam, trong khi theo Đề án Quy hoạch báo chí thì hội nghề nghiệp không có báo điện tử, chỉ có tạp chí”, ông Son nói. Nhưng theo Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, những mâu thuẫn, vướng mắc như vừa nêu sẽ được xem xét giải quyết và sẽ có những cơ chế đặc thù trong quá trình triển khai.

Lộ trình thực hiện việc sắp xếp là trước năm 2017 sẽ tiến hành thí điểm tại một số cơ quan, địa bàn để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trong cả hệ thống. Đến năm 2020, cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.

MỚI - NÓNG