Ngày 28/6, Sở Công Thương Hà Nội tổ chức hội nghị "Phát động chung tay hành động chống rác thải nhựa trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng".
Theo báo cáo của Sở Công Thương, rác thải nhựa phát sinh trong hoạt động sản xuất công nghiệp và phân phối tiêu dùng rất lớn, thuộc loại khó và lâu phân hủy. Tuy nhiên, với đặc điểm ưu việt trong sản xuất và tiêu dùng, túi nilon và các vật dụng có nguồn gốc từ nhựa được sử dụng rất phổ biến, mặc dù có những cảnh báo về tác hại to lớn và nhiều mặt tới môi trường, sức khỏe cộng đồng. Mỗi ngày, khối lượng rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố từ 5.500-6.000 tấn, trong đó rác thải nhựa chiếm 8-10%.
Bà Trần Thị Phương Lan – Phó Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, do túi ni lông và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa có giá thành rẻ, tiện lợi và nhiều ưu điểm khác nên được các doanh nghiệp sản xuất rất nhiều cung ứng ra thị trường. Trong khi đó, Nhà nước chưa có cơ chế chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư công nghệ, thuế, vay vốn… cho doanh nghiệp để sản xuất chuyển đổi từ sản xuất các sản phẩm nhựa sang các sản phẩm thân thiện môi trường.
Để giảm thiểu túi ni lông và các sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa trong lĩnh vực sản xuất và phân phối tiêu dùng, Hà Nội đã đưa ra nhiều giải pháp trong năm 2019 và các năm tiếp theo. Đáng chú ý là việc thực hiện các lộ trình sản xuất kinh doanh phân phối, sử dụng các sản phẩm thân thiện môi trường.
Trong đó, các doanh nghiệp sản xuất túi ni lông, sản phẩm có nguồn gốc từ nhựa xây dựng lộ trình sản xuất sản phẩm có khả năng tự phân hủy và để xuất giải pháp thực hiện. Các đơn vị phân phối tiêu dùng có giải pháp tiến tới thay thế 100% các sản phẩm thân thiện môi trường phục vụ nhu cầu người dân; đồng thời kết hợp với các nhà cung cấp dần thay thế các sản phẩm bao gói, bao gì, màng bọc thân thiện với môi trường khi cung cấp vào siêu thị, cửa hàng, tiến tới sau năm 2020 chỉ nhập vào bán các sản phẩm có bao gói thân thiện môi trường; xây dựng các chương trình khuyến mại, sự kiện thúc đẩy việc tiêu thụ túi ni lông thân thiện môi trường của người tiêu dùng.
Đại diện Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ giảm dần nguyên liệu nhựa trong sản xuất; 100% rác thải phát sinh từ nhà máy được thu gom, phân loại nguồn, phấn đấu đến năm 2025 không sản xuất các sản phẩm nhựa dùng 1 lần và túi nilon khó phân hủy.
Đến ngày 31/12/2020, 100% các trung tâm thương mại, siêu thị không dùng túi nilon khó phân hủy, giảm 50% tỷ lệ sử dụng bao bì khó phân hủy tại các chợ… Thay thế hoàn toàn túi nilon khó phân hủy, nhựa sử dụng 1 lần bằng các sản phẩm có nguyên liệu từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường.
Trước mắt, đã có hơn 200 doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố ký cam kết phòng chống rác thải nhựa trong sản xuất, phân phối tiêu dùng.