Mỏi mắt chờ phương án xét tuyển đại học

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
TPO - Dù Bộ GD&ĐT đã công bố phương án thi, xét tốt nghiệp, tuyển sinh đại học, cao đẳng 2017 nhưng thí sinh vẫn chưa yên tâm ôn tập. Vì trong phương án của Bộ, các trường được tổ chức đánh giá năng lực của thí sinh nếu thấy cần.

Em N.V.Đ học sinh trường THPT Tống Văn Trân, Ý Yên, Nam Định cho biết, năm tới, em muốn học tại Khoa công nghệ thông tin của Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội. Năm 2016, ĐH Bách khoa Hà Nội nằm trong nhóm GX để xét tuyển, năm 2017, không biết phương án tuyển sinh của trường thế nào. “Em nghe nói, có thể một số trường sẽ có bài thi đánh giá năng lực thêm để sơ tuyển. Không biết ĐH Bách khoa Hà Nội có bài thi đó không? Nếu có, em cũng rất muốn biết sớm để có thời gian ôn tập phù hợp” – học sinh Đ chia sẻ.

Không chỉ riêng gì thí sinh, các giáo viên cũng đang lo lắng vì không biết các trường có thêm bài thi đánh giá năng lực không để còn ôn tập cho học sinh của mình. Một cô giáo dạy Toán tại trường THPT của Hà Nội cho rằng các trường nếu có bài thi đánh giá năng lực thì cần công bố sớm. “Thứ nhất để học sinh yên tâm. Thứ hai để các em có kế hoạch cho mình.  Đứng ở khía cạnh giáo viên, chúng tôi cũng rất thương học sinh của mình. Vì với những học sinh đang học lớp 12, đây là giai đoạn quan trọng của các em, quyết định tương lai của các em sẽ như thế nào. Chính vì vậy, các em lo lắng, trông ngóng động thái của các trường mình muốn học” – cô giáo cho hay.

Trong khi đó, một giáo viên của trường THPT Lê Hồng Phong (Nam Định) lại rất lạc quan. Vì theo thầy, với những học sinh học tốt, kiến thức nền tảng vững chắc thì không lo thi theo hình thức nào hay có thêm bài thi nào. “Nhưng nếu các trường tin tưởng vào kết quả thi THPT quốc gia thì thiết nghĩ không cần thiết phải tổ chức thi thêm một bài thi đánh giá năng lực nữa. Như thế sẽ gây tốn kém cho xã hội” – thầy giáo này khẳng định.

Có thể lấy kết quả môn Toán để sơ tuyển

Ông Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng đào tạo ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: môn Vật lý, môn Hóa học truyền thống đã thi trắc nghiệm. Các trường top trên thường quan tâm đến môn Toán để “lọc” thí sinh. Môn Vật lý, môn Hóa học dù thời gian có rút ngắn, số lượng câu hỏi có giảm thì cũng không thay đổi ma trận đề, có thể “tạm” chấp nhận được.

Trước câu hỏi của Tiền Phong nếu với đề thi như minh họa, trường có yên tâm để tuyển sinh bằng kết quả kỳ thi THPT quốc gia như hai năm vừa qua không? Ông Điền cho rằng nếu đề thi như thế này có thể yên tâm để xét tốt nghiệp. Trường cũng có thể tuyển sinh được với điều kiện điểm thi hoàn toàn trung thực, không có sự can thiệp. Điểm bài thi cũng mang tính chất tương đối. 

“Với đề thi Toán như minh họa, điểm 6, 7 sẽ cực nhiều. Như vậy, có thể nói, điểm trên 20 sẽ rất nhiều. Tuy nhiên, các trường vẫn được phép thi chuyên biệt. Có thể chúng tôi sẽ chỉ thi riêng môn Toán bằng tự luận trong thời gian 180 phút để sơ tuyển. Tuy nhiên trường chưa bàn cụ thể” – ông Điền nêu ý kiến.

Trong khi đó, GS. Nguyễn Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết chưa có nhận định về mẫu đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Trường sẽ xin ý kiến của các thầy cô chuyên môn. Tuy nhiên, với khối các trường khoa học xã hội, các trường cũng có băn khoăn vì đề trắc nghiệm hai môn Sử và Địa tương đối dễ.

Thầy Đặng Ngọc Tú, Tổ trưởng tổ KHXH, Trường THPT Kim Liên, Hà Nội cho biết: Những câu cơ bản trong đề minh họa môn lịch sử là những câu dễ và tương đối dễ, đánh giá khả năng nhận biết và thông hiểu, chỉ yêu cầu nhớ/thuộc bài, phân biệt, giải thích, lí giải  được các nội dung và sự kiện lịch sử.  

Học sinh trả lời được những câu hỏi/bài tập tự luận bắt đầu bằng những từ để hỏi thông thường như trình bày, nêu, tóm tắt, như thế nào (?), là gì (?), vì sao (?)… thì đều làm tốt các câu cơ bản của đề thi trắc nghiệm minh họa. Hoàn thành được những câu này, bài làm của thí sinh sẽ đạt 6,0 điểm. Một học sinh có học lực trung bình hoàn toàn đảm bảo tốt nghiệp THPT và vẫn có thể trúng tuyển vào một số trường ĐH, hoặc CĐ.

MỚI - NÓNG