Chiều 5/6 vừa qua, đông đảo nhà báo quốc tế có mặt tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức đã không nén được thảng thốt, bàng hoàng khi xem những đoạn clip chiếu cảnh các tàu “khủng” của Trung Quốc hung hãn bao vây đâm thủng đến mức gần chìm tàu cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ chấp pháp ôn hòa tại khu vực Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.
Đỉnh điểm là cảnh những tàu cá vỏ sắt khổng lồ của Trung Quốc gắn lê thép phá băng trước mũi truy sát đến cùng và đâm chìm tại chỗ tàu cá bằng gỗ nhỏ bé ĐNa 90152 TS của ngư dân Đà Nẵng. Mười ngư dân trên tàu cá may mắn thoát chết trong gang tấc, giữa vòng vây hãm của các tàu Trung Quốc cố tình ngăn cản các ngư dân cứu nhau giữa biển. Những hình ảnh ấy lập tức lan truyền khắp thế giới, như những quả bom kích hoạt vào lương tri nhân loại, bằng chứng thép tố cáo tội ác chống lại con người.
Biển miền Trung những ngày này, không thể đếm hết, kể hết chuyện về những ngư dân trở về trên những con thuyền cá tả tơi do bị Trung Quốc tấn công, cướp phá. Ít ngày trên bờ sửa chữa, vay mượn sắm mới ngư cụ, họ lại lặng lẽ ra khơi dọc ngang đánh bắt giữa Hoàng Sa.
Họ chỉ là những ngư phủ vô danh, làm cái nghề cha ông truyền lại, đó là bám biển mưu sinh. Như thuyền trưởng 24 tuổi Bùi Văn Phải, cháy tàu, mất tàu, nhưng những ngày này vẫn có mặt ở Hoàng Sa trên con tàu nghĩa tình người dân cả nước đóng góp. Như nữ chủ nhân của chiếc tàu cá vừa bị đâm chìm, sau khi hiến tặng xác tàu cho bảo tàng, lại đang bắt tay đóng mới chiếc khác để tiếp tục ra khơi...
Bảo tàng bình thường là nơi con người đến ngắm lại lịch sử, quá khứ, cả hồi quang văn minh lẫn chứng tích tội ác chống lại loài người. Để tự rút ra những giá trị và bài học cho mình. Nhưng những ngày tháng nước sôi lửa bỏng này, trên biển Đông, Trung Quốc không ngừng leo thang gây hấn, bất chấp luật pháp quốc tế cũng như lương tri tối thiểu của con người.
Rồi đến lượt những gì nữa đây sẽ được đưa vào các bảo tàng ? Thêm những chứng tích nào nữa về sự ngang ngược, hung hãn của tàu Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam hành nghề bình thường trên vùng biển của mình?
Chắc chắn, trong lòng mỗi người dân, ngư dân Việt Nam đang xây riêng mình một bảo tàng. Về tình yêu, sự đoàn kết, lòng quả cảm, ý chí kiên cường sống chết với biển đảo quê hương. Âm thầm lưu giữ trong đó cả những mất mát, hy sinh, phút giây nguy nan trên biển dữ mà họ luôn biết vượt lên, như một lẽ bình thường.
Bảo tàng lòng dân chất chứa sức mạnh không thế lực nào có thể khuất phục.