Mối lo khác khi lãnh đạo Mỹ - Triều đồng ý gặp nhau

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp nhau vào tháng Năm. Ảnh: AP-Getty Images.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý gặp nhau vào tháng Năm. Ảnh: AP-Getty Images.
TP - Khi Triều Tiên thử hạt nhân, tên lửa và Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa đáp trả quân sự trong năm ngoái, Nhật Bản và Hàn Quốc lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra: một cuộc xung đột hạt nhân ngay cửa nhà mình. Nhưng nay, khi ông Trump chấp nhận đề nghị của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để gặp nhau nhằm thảo luận chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, một nỗi lo sợ khác đang hiện ra lờ mờ: Tổng thống Trump có thể đề xuất những nhượng bộ mà các nước láng giềng của Triều Tiên không thoải mái, hoặc nếu đối thoại thất bại, Mỹ sẽ sử dụng lựa chọn quân sự.

Không lâu sau khi có thông báo ông Trump và ông Kim sẽ gặp nhau vào tháng Năm, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói với các phóng viên rằng ông đánh giá cao “sự thay đổi của Triều Tiên” và cho rằng nguyên nhân dẫn đến thay đổi này là sức ép từ những biện pháp trừng phạt do Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc phối hợp thực hiện. “Chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa cho đến khi Triều Tiên có những hành động cụ thể nhằm tiến tới quá trình phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược”, ông Abe nói. Thủ tướng Nhật Bản khẳng định, nhất trí hoàn toàn với quan điểm này.

Thủ tướng Abe cũng cho biết ông sẽ tới thăm ông Trump ở Washington vào tháng tới để thảo luận vấn đề hạt nhân Triều Tiên trước khi Tổng thống Mỹ gặp ông Kim. Các nhà phân tích cho rằng, cách nói của ông Abe cho thấy Nhật Bản lo sợ Triều Tiên có thể định nghĩa phi hạt nhân hóa khác với phần còn lại của thế giới. “Tôi nghĩ mối quan ngại thực sự về vị tổng thống ưa thỏa thuận là nói chuyện theo kiểu một-một với ông Kim, chấp nhận điều gì đó không hoàn toàn là phi hạt nhân hóa”, báo New York Times dẫn lời ông Tobias Harris, nhà phân tích về Nhật Bản tại hãng tư vấn rủi ro chính trị Teneo Intelligence có trụ sở tại New York. “Chính phủ Nhật Bản rõ ràng muốn mối đe dọa Triều Tiên phải được giải quyết hoàn toàn. Nhưng tôi không nghĩ các quan chức Nhật Bản ngây thơ về những khó khăn nhằm đạt được một thỏa thuận từ bỏ vũ khí thực sự ý nghĩa trong những trường hợp như thế này”, ông Harris nói.

Trong thông báo do Nhà Trắng đưa ra, một quan chức cấp cao không nêu tên nói rằng, Tổng thống Trump nói chuyện với ông Abe tối 8/3. Quan chức này nói rằng, chính quyền Mỹ tìm kiếm một thỏa thuận có thể kiểm chứng về sự phi hạt nhân hóa vĩnh viễn của Triều Tiên. Tại Seoul, người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, lời mời đối thoại của Triều Tiên với Mỹ là “một bước đột phá khác”.

Việc Tổng thống Trump chấp nhận lời mời gặp thượng đỉnh của ông Kim đánh dấu một chiến thắng ngoại giao của ông Moon, tạo thêm động lực cho những nỗ lực của nhà lãnh đạo Hàn Quốc để chuyển cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo từ khẩu chiến đến đàm phán. Nhưng các nhà phân tích nhanh chóng chỉ ra những rủi ro với Washington và Seoul nếu ông Kim không đáp ứng được kỳ vọng của Mỹ về đàm phán, hoặc Hàn Quốc có hay không theo đuổi quan hệ tốt hơn với Triều Tiên nếu ông Kim không có bước đi nào nhằm tiến tới phi hạt nhân hóa.

“Thông báo ý định về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều với quá nhiều chi tiết chưa được xác định là việc chứa đựng rất nhiều rủi ro”, ông Leif-Eric Easley, phó giáo sư nghiên cứu quan hệ quốc tế tại ĐH Ewha ở Seoul, nói. “Nếu cuộc gặp Trump - Kim đổ bể, cả hai chiến dịch xích lại gần và gây sức ép đều bị tác động”, ông Easley nói.

Trung Quốc sẽ cảnh giác?

Chưa có phản ứng nào từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc về việc lãnh đạo Mỹ - Triều đồng ý gặp nhau, nhưng một số nhà phân tích Trung Quốc tỏ ra hài lòng với thông tin này. “Mỹ không thể cưỡng lại đề xuất của Triều Tiên, và ông Trump đang nắm lấy cơ hội. Điều đó rất tốt”, GS Cheng Xiaohe, chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Nhân dân, đánh giá. Trong khi đó, bà Wendy R. Sherman, trưởng đoàn đàm phán của chính quyền Barack Obama trong thỏa thuận hạt nhân Iran, nói rằng Trung Quốc sẽ cảnh giác trước cuộc gặp của ông Trump và ông Kim cho dù Bắc Kinh muốn hai bên đối thoại.

“Triều Tiên không thể nhanh chóng phi hạt nhân. Họ quan tâm đến sự thống trị, tôn trọng và thống nhất bán đảo theo cách định nghĩa của họ”, bà Sherman nói. “Liệu Trung Quốc có muốn ông Kim xác định tương lai của Đông Bắc Á? Trung Quốc muốn xác định tương lai của châu Á. Mỹ là một cường quốc Thái Bình Dương và muốn bảo vệ vị trí của họ ở châu Á. Nhưng Trung Quốc không muốn Triều Tiên trở thành một nước hạt nhân. Mỹ cũng vậy. Hai cường quốc vẫn có điểm chung”, bà nhận định.

Giới phân tích cho rằng, bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng có thể kết thúc bằng khả năng Mỹ sử dụng biện pháp quân sự. “Điều đáng phải chú ý là liệu Triều Tiên có tuyên bố rõ ràng rằng họ sẵn sàng từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không. Nếu Triều Tiên lần này vẫn tiếp tục vòng vo tam quốc, tôi nghĩ Mỹ sẽ sẵn sàng giải quyết bằng vũ lực”, ông Zhang Liangui, giáo sư ngành nghiên cứu quốc tế tại Trường Đảng Trung Quốc,
nhận định.

Tại Nhật Bản, nơi Thủ tướng Abe đang tiếp tục nỗ lực duy trì quan hệ thân thiết với Mỹ, các nhà phân tích nói rằng, giới chức Nhật đang cố gắng kiềm chế xu hướng bốc đồng của ông Trump.

Trong cùng ngày chấp nhận lời mời của ông Kim, Tổng thống Mỹ cũng tuyên bố áp thuế cao lên thép và nhôm nhập khẩu, bước đi mà Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono gọi là “đáng tiếc”. Trong một phiên điều trần về ngân sách trước quốc hội, ông Kono bày tỏ hoài nghi về ý định của Triều Tiên. “Ai cũng có thể nói rằng họ có ý định phi hạt nhân. Cho đến nay Triều Tiên đã làm điều đó hai lần, để có thêm thời gian phát triển vũ khí hạt nhân. Vì thế, quan điểm của Nhật Bản không thay đổi. Họ cần thể hiện hành động thực chất”, ông Kono nói.

Theo ông Euan Graham, giám đốc chương trình an ninh quốc tế tại Viện Lowy ở Úc, cho rằng, điều đáng lo là Triều Tiên đang điều khiển tốc độ các sự kiện. “Ông Kim Jong-un đang làm điều này rất tốt. Ông ấy biến Hàn Quốc thành sứ giả, giờ là một cuộc gặp thượng đỉnh chưa từng có tiền lệ với tổng thống Mỹ, tất cả đều diễn ra trên một cam kết mơ hồ và chưa được kiểm định về phi hạt nhân. Mối lo ngại của tôi là Mỹ đang bị kéo vào đàm phán sớm mà chưa có sự thống nhất nội bộ cần thiết để trói Triều Tiên vào một cuộc mặc cả ý nghĩa mà không ảnh hưởng đến quyền lợi của Mỹ và các đồng minh”, ông Graham nói.

Theo Theo New York Times, Straits Times
MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
Người Hà Nội chen chúc đi mua vàng
TPO - Sáng 8/11, giá vàng trong nước đảo chiều tăng từ 1-1,8 triệu đồng/lượng. Trái ngược với hôm qua khi người dân ồ ạt bán ra, hôm nay nhiều người lại xếp hàng để mua, một số tiệm vàng phải treo biển thông báo hết hàng hoặc tạm ngừng bán.