Lễ khai mạc ngày 9/2 có nguy cơ phải chứng kiến sự lúng túng và lạnh nhạt. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence sẽ đi cùng bố của Otto Warmbier, người sinh viên Mỹ từng phải ngồi tù ở Triều Tiên và qua đời chỉ vài ngày sau khi được đưa về Mỹ trong tình trạng hôn mê vào năm ngoái.
Em gái 28 tuổi của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, đang nằm trong danh sách đen bị Mỹ cấm vận. Nữ quan chức trẻ tuổi này đứng đầu cơ quan tuyên truyền của chính quyền Triều Tiên và đóng vai trò ngày càng nổi bật trong đảng Lao động cầm quyền.
Giới quan sát đoán rằng, bà có thể mang theo một thông điệp từ anh trai khi trở thành người đầu tiên trong gia đình quyền lực nhất đất nước đi qua ranh giới giữa hai nước mà về kỹ thuật vẫn ở trong tình trạng chiến tranh.
Một dấu hiệu nữa cho thấy, hai miền xích lại gần nhau là việc người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in nói rằng, nhà lãnh đạo này sẽ gặp và dùng bữa trưa với đoàn Triều Tiên vào ngày mai.
Trong khi đó, Triều Tiên vừa tổ chức một cuộc diễu binh ở Bình Nhưỡng, chỉ 1 ngày trước khi Thế vận hội khai mạc ở miền Nam. Đoạn phim được đưa lên mạng cho thấy những chiếc xe tải nối đuôi nhau chở binh lính, theo sau là các xe tăng và xe bọc thép ra khỏi trung tâm thành phố sau khi tham gia lễ duyệt binh, với những người dân cổ vũ đứng dọc đường. Hoạt động này được đánh giá là có nguy cơ gây căng thẳng trở lại với Seoul. Giới quan sát cho rằng, Bình Nhưỡng có thể đang cố gây chia rẽ giữa Hàn Quốc với đồng minh Mỹ.
Mỹ vẫn đanh giọng
Dẫn đầu đoàn Mỹ, Phó Tổng thống Pence hôm 7/2 tuyên bố sẽ ngăn bà Kim “cướp thông điệp và hình ảnh” của Olympics và dùng những từ ngữ mạnh mẽ để lên án chính quyền Bình Nhưỡng. Trước khi đến Hàn Quốc, ông Pence nói rằng, Mỹ sẽ sớm tiết lộ “những biện pháp trừng phạt cứng rắn và quyết liệt nhất đối với Triều Tiên từ trước đến nay” nhằm gây áp lực để Bình Nhưỡng từ bỏ tham vọng hạt nhân. Ông nói với các binh lính Mỹ tại Hàn Quốc rằng, Mỹ đã “sẵn sàng cho bất kỳ sự kiện nào”.
Đoàn Mỹ và đoàn Triều Tiên cho biết họ không đề nghị gặp nhau, dù có thể sẽ có tiếp xúc tại lễ đón tiếp trước khi diễn ra khai mạc. “Chúng tôi không có ý định gì về việc sẽ gặp chính quyền Mỹ trong chuyến đi đến miền Nam”, báo chí nhà nước Triều Tiên dẫn lời ông Cho Yon-sam, một quan chức của Bộ Ngoại giao Triều Tiên. Còn ông Marc Knapper, đại biện lâm thời Mỹ tại Seoul nói rằng, nỗ lực của Triều Tiên trong việc sử dụng Olympic Games như một phần của chiến lược “tấn công quyến rũ” nhằm lôi kéo láng giềng miền nam sẽ vô ích. Nhưng quan chức này không loại trừ khả năng Phó Tổng thống Pence sẽ gặp đại diện Triều Tiên.
Ủy ban Olympic quốc tế để Hàn Quốc quyết định việc sắp xếp chỗ ngồi. Chủ tịch Ủy ban Olympic, ông Thomas Bach nói rằng, ông “sẽ không phạm sai lầm bằng cách cố can thiệp” vì đó sẽ là “công thức của thảm họa”.
“Đây là một cơn nhức đầu về nghi thức… Đoàn Mỹ và Triều Tiên nên ngồi cách nhau khi Washington nói nhiều và công khai về chuyện trừng phạt và gây áp lực với Triều Tiên? Ai nên có chỗ ngồi cao hơn?” Reuters dẫn lời một quan chức Hàn Quốc.
Ông Knapper cho biết, các quan chức Mỹ đã làm việc với Hàn Quốc “về các vấn đề như sơ đồ chỗ ngồi”.
Là người luôn thúc đẩy hai miền đối thoại, Tổng thống Hàn Quốc nói rằng ông hy vọng “không khí hòa bình” sẽ tiếp tục sau kỳ Thế vận hội lần này. Các vận động viên của cả hai miền sẽ diễu hành chung dưới 1 lá cờ.
Nhật Bản, một đồng minh khác của Mỹ ở khu vực, vẫn tiếp tục khẳng định quan điểm cứng rắn. Thủ tướng Shinzo Abe nói rằng, các nước không nên siêu lòng trước chiến thuật tấn công quyến rũ.
Sự gần gũi bất ngờ giữa hai miền Triều Tiên cũng đã có một số tác dụng. Một ủy ban của Liên Hợp quốc đang cân nhắc gỡ các biện pháp trừng phạt để cho phép ông Choe Hwi, quan chức của Ủy ban thể thao quốc gia Triều Tiên, đến dự Olympic Games. Một tàu chở đoàn nghệ thuật của Triều Tiên sang Hàn Quốc yêu cầu được tiếp nhiên liệu. Seoul vẫn đang cân nhắc xem nên làm điều này như thế nào để không vi phạm các biện pháp trừng phạt của LHQ, Guardian đưa tin.