Mối họa “cát tặc”

TP - Không còn nhỏ lẻ, manh mún, tình trạng khai thác cát diễn ra rầm rộ khắp nơi và hình thành nên các băng nhóm “cát tặc”. Vì lợi ích, các băng nhóm này đang hút đi hàng tỷ tấn cát mỗi năm, gây nên nỗi lo lắng cho sinh kế của hàng tỷ người dân không chỉ ở Việt Nam mà khắp thế giới.

Liên Hiệp Quốc trong một báo cáo đánh giá tác động về môi trường mới đây đã chỉ ra có hơn 50 tỷ tấn cát được sử dụng trong xây dựng trên toàn cầu và cát ngày càng bị khai thác vô tội vạ. “Số lượng cát sử dụng chỉ riêng trong năm 2017 đủ để xây dựng một bức tường cao 27m và rộng 27m bao quanh xích đạo”- báo cáo này ví von lượng cát được sử dụng khổng lồ hiện nay. Dù cát là nguồn tài nguyên thiên nhiên hữu hạn, nhưng nhu cầu dùng cát trong xây dựng và san lấp khiến chúng cạn kiệt trong tốc độ khai thác chóng mặt thời gian qua. Giá cát vì vậy cũng tăng với tốc độ chóng mặt, để những nhóm “mafia cát” hốt bạc.

Thứ tài nguyên này không chỉ phục vụ cho nhu cầu trong nước, các báo cáo từ The Freedonia Group, một công ty nghiên cứu thị trường tại Mỹ cho thấy cát đang trở thành mặt hàng “quý như vàng” được khai thác ở châu Phi và đích đến là các quốc gia Ảrập giàu có. Hầu hết lượng cát để làm nên diện tích 40 dặm vuông lấn biển trong vòng 20 năm qua ở  Singapore đều đến từ Indonesia, biến quốc đảo này trở thành nơi nhập khẩu cát lớn nhất thế giới.

Trong khi ở Ấn Ðộ, sự lên giá của cát đã hình thành nên các băng nhóm “mafia cát” từ hơn chục năm nay, gây ra vô số cuộc chiến tranh giành lãnh địa ở đất nước này. Người ta ước tính có ít nhất 75 nghìn người ở đất nước này tham gia khai thác cát trái phép trên các con sông. Họ làm việc 12 tiếng mỗi ngày trong khi bù lại chỉ kiếm được khoảng 15 USD cho mỗi tàu cát.

Không chỉ dân mất đất, rừng bị xé nát, con người phải sống bên bờ vực sạt lở từ hậu quả của khai thác cát, nhiều người còn bỏ mạng vì cuộc chiến cát. Poyang Lake tại tỉnh Giang Tây của Trung Quốc- nơi có hồ nước ngọt khổng được cho là “mỏ” cát lớn nhất hành tinh nhưng mấy năm trở lại đây đang dần khô cạn vì nạn cát tặc. Cơ quan chức năng nước này cho hay có khoảng 236 triệu m3 cát được lấy từ trong lòng sông này mỗi năm và họ buộc phải ra lệnh cấm khai thác. Thế nhưng vì tiền các băng nhóm “mafia cát” không dễ gì đứng nhìn nguồn siêu lợi nhuận bỏ rơi trước mắt. 

Khu vực châu Á - nơi mỗi năm tiêu thụ hơn 14 tỷ tấn cát xây dựng và mang lại lợi nhuận hơn 5,5 tỷ đô la, được điểm tên là nơi bị tác động khủng khiếp nhất của nạn khai thác cát. Ðó là những cánh rừng tan nát, sông hồ trơ đáy và đẩy sinh kế hàng trăm triệu dân vào cảnh khốn cùng…

Câu chuyện khai thác cát lậu ở Việt Nam cũng bức xúc không kém và để lại những hậu quả nhãn tiền. Thế nhưng, với sự phát triển nhanh chóng của các đại đô thị, nhu cầu xây dựng tăng vọt và lợi nhuận cao ngất từ nguồn tài nguyên sẵn có này khiến các băng nhóm cát tặc lộng hành khắp các lòng sông. Tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc Công an TPHCM thừa nhận cát tặc đang dùng nhiều thủ đoạn để lách khỏi phạm tội trong khi cơ quan chức năng “chưa làm đến nơi đến chốn”, thậm chí có sự tiêu cực từ lực lượng công an, trong một hội thảo bàn giải pháp chống khai thác cát trái phép mới đây.

Liệu có hay không những cái “bắt tay” giữa người chống cát tặc với các băng nhóm “mafia cát” khi mà những hoạt động khai thác cát trái phép ở sông, biển từ Nam ra Bắc cứ rầm rộ và công khai như vậy? 

MỚI - NÓNG
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
Becamex IDC thế chấp 19 lô đất
TPO - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC - mã chứng khoán: BCM) vừa duyệt phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ năm nay với tổng giá trị tối đa theo mệnh giá là 1.080 tỷ đồng nhằm cơ cấu lại nợ, tài sản bảo đảm cho lô trái phiếu là 19 thửa đất tại Bình Dương.