Mốc son!

Mốc son!
TP - Bản Tuyên ngôn độc lập Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc ngày 2/9/1945 có nhiều giá trị mà lịch sử Việt Nam và thế giới đã ghi nhận những trang chói lọi nhất. Có “chi tiết ngoài lề” của Tuyên ngôn độc lập trở thành biểu tượng vì dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh, là câu nói: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”.

> Ngoại trưởng Mỹ chúc mừng Quốc khánh Việt Nam
> Lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sử sách Việt Nam ghi lại giây phút hàng triệu trái tim con dân Việt hòa cùng nhịp, khoảng cách lãnh tụ và người dân gần gũi hơn bao giờ hết trước câu nói đó, thời khắc thiêng liêng đó. “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?”. Quảng trường Ba Đình rầm vang: “Có! Có ạ!...”. Nhiều người vừa hô vừa khóc vì sự trân trọng mà Hồ Chủ tịch dành cho mình trong niềm vui chung của dân tộc.

Các lãnh tụ trên thế giới khi trình bày diễn văn quan trọng, thường là tạo ra không khí trang nghiêm, không để những chi tiết ngoài lề chen vào, ngắt mạch. Chủ tịch Hồ Chí Minh làm một việc mà ít lãnh tụ làm (có thể là chưa có tiền lệ trên thế giới) đó là xóa bỏ bức tường ngăn để lời của mình dân nghe được rõ, hiểu được sâu, thấm nhuần trọn vẹn. Tư tưởng ấy, tình cảm ấy của vị lãnh tụ kính yêu là khởi nguồn của mọi chủ trương, chính sách vì dân. Cũng như cách sống của Bác: “Nâng niu tất cả chỉ quên mình” (thơ Tố Hữu).

Trong các cuộc kháng chiến vệ quốc, Bác luôn coi việc gần dân, hiểu dân, qua đó tuyên truyền để dân hiểu, dân đi theo cách mạng, cả dân tộc chung ý chí. Đơn giản dễ hiểu là cách của Bác khi tiếp xúc, truyền đạt, hiệu triệu người dân. Những lý luận cao siêu được Bác xử lý đưa về những khái niệm đơn giản, để nhiều người tiếp cận và hiểu dễ dàng nhất.

Thành công có được khi biết lấy dân làm gốc được chứng minh qua lửa đấu tranh và các cuộc kiến thiết đất nước, phát triển kinh tế - xã hội những năm đổi mới. Ý Đảng, lòng dân quện làm một là chìa khóa của mọi chiến thắng và thành công.

Hiện nay, còn đó những mối lo. Lo cán bộ, đảng viên xa dân. Lo sự sa sút niềm tin của dân đối với một số cán bộ, đảng viên. Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI về: Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay, nhận định: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc...”.

Toàn Đảng từ Trung ương đến cơ sở đang thực hiện phê và tự phê, tìm nguyên nhân của hạn chế, yếu kém, đưa ra những biện pháp, giải pháp khắc phục. Cuộc vận động Học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác cũng đang lan tỏa trên mọi mặt đời sống xã hội. Từ việc học chuyển sang làm theo Bác đang diễn ra một cách tự thân vì sự tiến bộ của mỗi người dân, cán bộ, đảng viên và vì sự phồn vinh của đất nước.

Chúng ta đã nhận ra những vấn đề cấp bách và đang có những giải pháp quyết liệt. Việc phê và tự phê trong Đảng, cùng với cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đang lan tỏa, hy vọng những mối nguy mà Đảng đã nhận ra sẽ sớm được loại bỏ.

Ngày 2/9/1945, mốc son chói lọi, in sâu tâm trí người Việt với nhiều cung bậc cảm xúc của nhiều thế hệ, luôn nhắc mỗi người nhớ về máu xương của cha ông đã đổ xuống cho bình yên hôm nay, từ đó răn mình có trách nhiệm để cùng đưa đất nước đi lên, vì ấm no của người dân. Trong Di chúc để lại trước lúc đi xa, Bác vẫn trăn trở: “Đảng ta là một đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.

Lấy lại niềm tin của dân, bất kể lúc nào cũng là cấp bách!

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG