Mở rộng Thủ đô và quyền được thông tin

Mở rộng Thủ đô và quyền được thông tin
TP - Nhiều người đã kiến nghị Quốc hội ra một bộ luật về quyền được thông tin của công dân. Dư luận bàn rất sôi nổi về sự vội vã, thiếu cơ sở khoa học của đề án “mở rộng Hà Nội”.

Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt băn khoăn về việc mở rộng Thủ đô, một việc trọng đại, ảnh hưởng đến cả nước mà “sao lại đơn giản đến vậy”.

Ông thấy “đáng ngạc nhiên hơn là HĐNDTP Hà Nội đã nhanh chóng thông qua với biểu quyết đồng tình tuyệt đối. HĐND  Hà Tây, Vĩnh Phúc, Hòa Bình cũng thuận theo. Lãnh đạo 18 bộ, ngành cũng đồng thuận”.

Chưa đầy 2 tuần trước Mặt trận Tổ quốc cũng thấy “mở rộng Hà Nội quá cập rập” nhưng cuối cùng cũng miễn cưỡng thông qua cho hợp với quy trình “lấy ý kiến” của dân thông qua mặt trận, HĐND các địa phương liên quan. Quốc hội họp kỳ này sẽ xem xét thông qua quyết định mở rộng với hiệu lực từ ngày 1/7/2008. Tất cả dường như đã xong, chỉ còn thực hiện.

Thế nhưng người dân, nhiều đại biểu Quốc hội, ít nhất như ông Dương Trung Quốc chẳng hạn, đến các cựu quan chức cấp rất cao như nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng thấy bất ngờ. 

Song không phải vậy, họ không có thông tin, họ không được thông tin, thậm chí các vị “đại diện của dân” cũng chỉ mới có thông tin và phải ra quyết định dựa trên những thông tin đó, họ không có đủ thời gian để nghiên cứu, để tham khảo, để xem xét.

Ông  Bộ trưởng Bộ Nội vụ nói “nếu nói bất ngờ hay gấp quá thì không phải”, vì “chủ trương này đã có từ năm 2000”, “khi tiến hành các bước theo quy trình để chuẩn bị việc sáp nhập chưa đến giai đoạn trình Quốc hội, chưa có thông tin rộng, có thể đồng bào thấy là gấp”.

Có vấn đề lớn về cách thức ra quyết định, cách thức cung cấp thông tin. Một việc trọng đại của cả dân tộc, ảnh hưởng trực tiếp đến hàng triệu người, đến hơn 80 triệu dân Việt trong và ngoài nước, đến những người “chủ”. Thế mà các ông chủ không được “các công bộc” của mình cho biết thông tin.

Việc mở rộng Hà Nội chỉ là một việc trong trăm ngàn quyết định trọng đại khác. Đòi hỏi được thông tin, buộc các nhà chức trách phải cung cấp thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời cho dân chúng là một đòi hỏi cấp bách. Các “công bộc” của dân không được “độc quyền” thông tin cho mình.

Sự độc quyền này sai căn bản với nguyên tắc “nhân dân làm chủ”, nó có hại cho bản thân những người có quyền ra quyết định vì không tham khảo được ý kiến rộng rãi của người dân, của các giới chuyên môn, nó làm cho việc thực hiện khó khăn do dân cảm thấy mình không được tham gia, không được tôn trọng dẫn đến mất lòng tin...

Nó có thể khiến nhiều người dân nghi ngờ rằng có những động cơ nào đó ở đằng sau. Nó khiến người ta nghi hoặc và đặt ra những câu hỏi đại loại như: có phải những người biết thông tin, hay kiếm được thông tin từ mấy năm nay đã có thể có nhiều héc ta đất ở các vùng dự kiến mở rộng đó (với giá đền bù của vùng sâu vùng xa) nay bỗng dưng trở thành tỷ phú một cách hợp lệ? 

Vì thế việc ra luật về quyền được thông tin chính xác, kịp thời, buộc các cơ quan nhà nước làm việc đó một cách minh bạch là nhu cầu bức xúc và chỉ có lợi cho nhà nước và nhân dân. Thông tin là tài sản, là nguồn lực phát triển và người dân, có quyền đòi các nhà chức trách phải cung cấp.

MỚI - NÓNG