Hơn 2 tuần kể từ ngày “từ quan” về làm chuyên môn, TS Bạch Quốc Khánh đã có những chia sẻ với phóng viên Tiền Phong về quyết định và công việc hiện tại của mình.
Từ Viện trưởng, đứng đầu đơn vị, sau 2 tuần xuống làm Trưởng khoa, chịu sự chỉ đạo của biết bao người, ông cảm thấy thế nào?
Tôi thấy cũng bình thường mà (cười). Ngày đầu tiên tôi làm trưởng khoa, mọi người cười rất vui, vì thứ 2 (ngày 3/10) khi thực hiện lễ chuyển giao, kí các văn bản thì anh Nguyễn Hà Thanh (Viện trưởng) trao cho tôi quyết định bổ nhiệm làm Trưởng khoa. Đây cũng là quyết định đầu tiên mà tân Viện trưởng kí sau khi nhậm chức lãnh đạo Viện.
Khi anh Thanh trao cho tôi quyết định đó, tất cả mọi người đều rất vui, cười rất to. Với tôi đó là cái duyên, hai chúng tôi đã gắn bó và song hành với nhau suốt một chặng đường dài vì sự phát triển của ngành Huyết học và Truyền máu.
Thực ra quay trở lại làm Trưởng khoa Điều trị Hóa chất thì không có vấn đề gì vì đó là nơi tôi đã thuộc về và gắn bó từ đầu khi vào Viện. Khi quay trở lại với công việc bác sĩ điều trị, tôi sẽ phải đọc tài liệu nhiều hơn, xem bệnh nhân nhiều hơn. Tất nhiên, giờ tôi không làm trực tiếp như kê đơn thuốc hay làm bệnh án như trước nữa, vì đã một khoảng thời gian dài không trực tiếp điều trị trong bối cảnh công nghệ và kĩ thuật đã có nhiều bước tiến hiện đại.
Tuy nhiên, tôi vẫn có thể bằng kinh nghiệm của mình để xem bệnh nhân và trao đổi với anh em đồng nghiệp để điều trị. Viện trưởng có giao cho tôi một số công việc như phụ trách nghiên cứu khoa học của Viện, hướng dẫn học sinh, giảng bài… Tôi cũng đã 58 tuổi, dừng lại để quay lại cuộc sống của một bác sĩ điều trị càng sớm càng tốt vì nghề nghiệp vẫn là thứ tôi say mê, sợ để dài quá thì sau này không quay lại kịp nữa.
Ngoài xã hội, người ta vẫn râm ran nói về tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”, thế mà ông đang giữ chức Viện trưởng lại xin thôi được tái bổ nhiệm để về làm chuyên môn. Quyết định này của ông được mọi người đón nhận thế nào?
Ý định không làm Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương xuất hiện khá lâu rồi, từ thời của GS.TS Nguyễn Anh Trí, nguyên Viện trưởng Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Khi đó Đảng ủy, ban Lãnh đạo Viện đã có những quy hoạch xa đến 10 năm. Chúng tôi xác định cần xây dựng đội ngũ kế cận lâu dài. Vì thế, việc tôi xin thôi tái bổ nhiệm cũng là việc bình thường.
Chuyện tôi xin về làm chuyên môn, ngay trong Viện, Đảng ủy cũng không ai nghĩ đến. Trước đó tôi chỉ trao đổi với PGS.TS Nguyễn Hà Thanh và Trưởng phòng Tổ chức cán bộ chứ không nói rộng ra ngoài vì không cần thiết. Vì thế khi chúng tôi bắt đầu nhận được thông báo của Bộ Y tế về việc chuẩn bị cho quy trình bổ nhiệm lại của tôi thì tại cuộc họp Đảng ủy và với vai trò Bí thư Đảng ủy, tôi cũng trình bày nguyện vọng của mình. Lúc đó, mọi người đều không nhất trí. Thế nhưng khi tôi giải thích cặn kẽ thì mọi người đều đồng tính và nhất trí cao.
Tuy nhiên, với cán bộ viên chức của Viện, mọi người đều rất ngạc nhiên với quyết định này. Còn bạn bè tôi, mười người gọi điện thoại thì 9 người chung thắc mắc, đều hỏi tôi có dính “phốt” gì không mà từ chức (cười). Khi tôi trao đổi với Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, bạn ấy có vẻ không tin lắm.
Ông có nghĩ việc mình làm có thể khiến nhiều người thay đổi suy nghĩ về quan điểm “chức tước” không?
Tôi nghĩ việc đó cũng cần một số điều kiện cụ thể, nhất định. Ví dụ như phải đào tạo, xây dựng đội ngũ thế hệ kế cận một cách xứng đáng, có tài, có đức. Đó là điều không đơn giản chút nào. Vì để đào tạo được người kế cận, có đủ năng lực, tài đức có khi phải mất 10 năm, 2 thế hệ Viện trưởng mới có thể có được người như mong muốn. Đây là vấn đề được Đảng ủy, Ban lãnh đạo Viện rất quan tâm. Viện đã có những quy hoạch xa đến 10 năm. Nên từ lúc anh Nguyễn Anh Trí làm Viện trưởng đã tính toán đến việc xây dựng đội ngũ kế cận lâu dài. Đó cũng là truyền thống của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Nếu mình chuẩn bị trước vài năm đội ngũ kế cận thì hoàn toàn có thể lựa chọn được. Nhưng đồng thời với đó mình phải chứng minh qua năm tháng rằng sự lựa chọn đó là đúng, bản thân người được lựa chọn đó cũng phải cố gắng rất nhiều.
Điều ông muốn nhắn nhủ thế hệ lãnh đạo tiếp nối mình là gì?
Khi mình ở vị trí lãnh đạo không chỉ là nghĩ về câu chuyện của những năm mình làm, mà cần nghĩ đến những năm sau khi nghỉ hưu để chuẩn bị cho sự ổn định, tiếp tục phát triển của đơn vị.
Ông nghĩ thế nào về văn hóa từ chức và có nên khuyến khích điều đó không?
Thực ra điều này nó liên quan đến cụ thể một đơn vị và những con người trong đó. Tôi nghĩ rằng nó tùy theo từng hoàn cảnh để quyết định và mỗi cá nhân luôn phải đặt lợi ích tập thể lên trên hết mới làm được. Chứ không đặt lợi ích tập thể lên trên và không hướng về tương lai thì sẽ không bao giờ làm được. Tôi thì nghĩ rằng kể cả có làm trọn vẹn cả nhiệm kì thì mình cũng phải tính toán câu chuyện xây dựng đội ngũ để kế cận.
Mọi người đặt câu hỏi với tôi là đang là Viện trưởng giờ xuống làm Trưởng khoa thì có thể chịu đựng được không? Với tôi không có sự chịu đựng nào ở đây cả. Thật ra mọi người mới nhìn duy nhất ở khía cạnh chức vụ, nhưng con người còn nhiều thứ khác, chứ đâu hẳn ở chức tước.
Trở thành “người bình thường” theo đúng nguyện vọng rồi, giờ đây ông có mong ước gì?
Một trong những sở thích tôi muốn làm đó là trở về nhà sau khi làm việc, có thể là sớm, có thể là muộn nhưng kiểu gì tôi cũng phải trở về nhà. Về nhà có một không gian rất khác, nó đem lại cho mình sự thư giãn tuyệt vời, ví dụ như nghe nhạc hay xem phim hoặc có thể đọc sách hay vào mạng đọc tài liệu chẳng hạn. Thế nhưng, trong những năm ở vai trò quản lí, cuộc sống của người làm nghề y rất bận rộn, đi trực, đi làm, thời gian dành cho gia đình cứ thế bị cuốn đi. Việc tôi xuống làm chuyên môn cũng chính là bước đệm ấy giúp mình cân bằng cuộc sống và làm việc với nghề của mình, rèn giũa chuyên môn và dành thời gian cho gia đình.
Chuyến đi nghỉ đầu tiên sau khi rời vị trí lãnh đạo Viện cũng rất ấn tượng vì không bị ai làm phiền, không bị ai gọi điện thoại. Do trước đây vì công việc nên không thể không nghe điện thoại, mình đi nghỉ cũng không thoải mái lắm. Bây giờ đi cùng gia đình rất thoải mái. Ngay tuần đầu tiên ở vị trí mới, đi làm ở Viện tôi cũng thấy thoải mái lắm, có cảm giác rất tự do (cười to - PV).
Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện!