Mở đường văn hóa từ chức: Năng lực hạn chế, uy tín thấp cũng nên rời 'ghế'

Mở đường văn hóa từ chức: Năng lực hạn chế, uy tín thấp cũng nên rời 'ghế'

TPO - Từ việc 3 trường hợp thôi giam gia Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XIII, các chuyên gia cho rằng, muốn hình thành văn hóa từ chức, cần phải kiên trì trong thực hiện, từ Trung ương cho đến địa phương. Còn về lâu dài, không chỉ những người bị kỷ luật, mà ngay cả người sợ sai, năng lực hạn chế, không dám quyết, dám làm cũng tự giác “rời ghế” cho người xứng đáng hơn thay thế.
Mở đường văn hóa từ chức: Năng lực hạn chế, uy tín thấp cũng nên rời 'ghế' ảnh 1
Mở đường văn hóa từ chức: Năng lực hạn chế, uy tín thấp cũng nên rời 'ghế' ảnh 2

Theo ông Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội, việc 3 Ủy viên Trung ương Đảng, gồm các ông: Huỳnh Tấn Việt, Nguyễn Thành Phong, Bùi Nhật Quang thôi tham gia Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là thực hiện theo Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật.

Còn, để hình thành văn hóa từ chức cần có thời gian rất dài với sự kiên trì, kiên định trong việc thực hiện. Bởi trong hệ thống hiện nay, với nhiều người, từ chức vẫn còn là điều gì đó rất nặng nề, chưa kể xung quanh cái “chức tước” đó còn có biết bao nhiêu “quyền lợi” đi kèm theo. “Phấn đấu bao năm mới vào được Ủy viên Trung ương nên về mặt con người, không ai muốn từ chức cả”, ông Chức nói.

Mở đường văn hóa từ chức: Năng lực hạn chế, uy tín thấp cũng nên rời 'ghế' ảnh 3

Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, với tâm lý của người Á Đông, đang làm vị trí đó, giờ từ chức thì lại mất hết mọi thứ, lo lắng dư luận cười chê. Thậm chí có người bị kỷ luật rồi nhưng vẫn cố “bấu víu” chức vụ, chờ được “trợ giúp”. Chưa kể còn có suy nghĩ rằng, “tổ chức có nói gì đâu mà mình lại xin từ chức, mình từ chức là mình dại”.

Tuy nhiên, theo ông Dĩnh, sau khi Bộ Chính trị ban hành Thông báo Kết luận 20 và Ban Tổ chức Trung ương có hướng dẫn cụ thể thì không còn lý do gì để những người bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp “bấu víu” giữ “ghế” nữa. Nếu không tự giác xin nghỉ thì tổ chức sẽ vận động, khuyến khích để cán bộ từ chức, không từ chức thì sẽ không còn danh dự và uy tín.

Mở đường văn hóa từ chức: Năng lực hạn chế, uy tín thấp cũng nên rời 'ghế' ảnh 4

Khẳng định việc Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức là quyết định đúng đắn, tuy nhiên các chuyên gia lưu ý, việc thực hiện phải công tâm, khách quan, kiên trì, không nể nang, né tránh; không để xảy ra tình trạng, cùng hành vi vi phạm, mức kỷ luật mà người này từ chức, còn người kia thì không, gây nảy sinh tâm tư.

Mở đường văn hóa từ chức: Năng lực hạn chế, uy tín thấp cũng nên rời 'ghế' ảnh 5

Đặc biệt, trong khi chưa thành được tiền lệ, chưa hình thành được văn hóa từ chức thì không nên chỉ dựa vào ý thức tự giác, của cán bộ mà phải có sự vào cuộc của cấp ủy, của cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ.

“Đã là con người thì thường tham, sân, si, trong khi quyền lực luôn có sự sức hút, cám dỗ lớn nên nếu chỉ chờ đợi vào sự tự giác của cán bộ thì khó tạo được tính hiệu quả cao. Nói thẳng chẳng mấy ai chịu tự giác đâu. Cho nên bắt buộc các cơ quan làm công tác cán bộ phải chủ động vào cuộc để vận động, giải thích, khuyến khích những người bị kỷ luật từ chức để giữ danh dự cho chính bản thân, cũng như cơ quan, đơn vị nơi mình đang công tác”, ông Chức góp ý.

Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Dĩnh khẳng định, cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ có vai trò hết sức quan trọng trong việc hình thành tiền lệ từ chức. Theo ông, trong Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương thực hiện Thông báo Kết luận 20 đã nêu rõ: Đối với cán bộ là Ủy viên Trung ương Đảng, Ban Tổ chức Trung ương trao đổi với cán bộ bị kỷ luật; trao đổi với người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về việc thực hiện chủ trương của Đảng, gồm cả trường hợp cán bộ bị kỷ luật là người đứng đầu.

“Như vậy, trong trường hợp cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút, không tự giác rời ghế, thì Ban Tổ chức Trung ương cần chủ động, tích cực trao đổi, vận động đối với cán bộ đó”, ông Dĩnh lưu ý.

Mở đường văn hóa từ chức: Năng lực hạn chế, uy tín thấp cũng nên rời 'ghế' ảnh 6

Trước mắt để tạo thành tiền lệ từ chức theo Thông báo Kết luận số 20 của Bộ Chính trị, một chuyên gia từng có nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực tổ chức, cán bộ cho rằng cần lan tỏa việc thực hiện này từ Trung ương xuống xuống địa phương. “Giống như trong công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, với sự quyết liệt của Trung ương tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã dần được hạn chế. Nay việc khuyến khích cán bộ bị kỷ luật từ chức cũng phải như thế. Không thể để tình trạng trên thì từ chức, còn cán bộ cấp dưới bị kỷ luật cứ ngồi đó”, vị chuyên gia nói.

Mở đường văn hóa từ chức: Năng lực hạn chế, uy tín thấp cũng nên rời 'ghế' ảnh 7

Về lâu dài, các chuyên gia cho rằng, cần hướng đến mục tiêu, không chỉ cán bộ bị kỷ luật, mà cán bộ sợ sai, không dám quyết, dám làm, hoặc làm việc không hiệu quả cũng nên rời ghế để những người xứng đáng hơn đảm nhận.

“Ở nhiều nước trên thế giới, quan chức vi phạm nhỏ, gây bức xúc cho người dân thôi là đã có thể xin từ chức. Một vụ tai nạn giao thông lớn xảy ra, Bộ trưởng Bộ GTVT cũng có thể xin thôi chức vụ. Đấy chính là văn hóa từ chức mà chúng ta cần hướng đến”, ông Nguyễn Viết Chức nói.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thừa nhận, để xây dựng được văn hóa từ chức là rất khó, cần rất nhiều thời gian. “Khó không có nghĩa là không làm được, càng khó càng phải làm, càng khó càng phải kiên trì thực hiện, có thể thì mới hình thành nên văn hóa từ chức”, nguyên Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hóa – Giáo dục Nguyễn Viết Chức nói. Ông đồng thời cho rằng, về lâu dài, việc từ chức không chỉ áp dụng đối với những người bị kỷ luật, mà ngay cả những người sợ sai, không dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung cũng nên dũng cảm rời “ghế” để những người xứng đáng hơn.

“Một công trình hàng nghìn tỷ đồng, giao cho anh thực hiện mà không hiệu quả, chậm trễ, đội vốn thì cũng nên được thay thế để người khác làm. Anh là người đứng đầu địa phương, đứng đầu ngành, nhưng năng lực hạn chế khiến cho kinh tế địa phương không phát triển thì cũng nên xin thôi chức để nhường ghế cho người khác làm”, ông Chức nói.

Tin liên quan