Miền xanh thuở ấy

TP - Với cả chặng đường dài thành lập chắc không chỉ riêng tôi, Tiền Phong thật sự là một diễn đàn trẻ uy tín trong làng báo nước nhà. Bởi vậy cái miền xanh ấy là có thật trong tâm trí nhiều văn nghệ sĩ.

Không hiểu sao cứ nghĩ về báo Tiền Phong tôi đều gắn vào đó từ “xanh”. Có thể đây là tờ báo của Trung ương Đoàn. Đoàn thì đương nhiên là trẻ là xanh rồi. Cũng có thể ở giai đoạn hưng thịnh nhất của văn học, Tiền Phong có mục “Tác phẩm tuổi xanh” đăng tải những sáng tác của các tác giả trẻ. Rất nhiều nhà văn được phát hiện và trưởng thành từ cái nôi văn chương này.

Như bất kỳ tờ báo nào trong nước cũng đều dành trang cho văn nghệ nhưng ở Tiền Phong những truyện ngắn được đăng tải bao giờ cũng để lại những dấu ấn đặc biệt cho các tác giả. Tôi không được vinh dự in ấn trong “Tác phẩm tuổi xanh” bởi vấn đề tuổi tác nhưng trong nhiều năm tôi liên tục cộng tác với chuyên trang văn nghệ và sau đó là tờ “Tiền phong chủ nhật”. Lúc đó được in truyện ngắn ở báo Tiền Phong là một vinh dự không thua kém gì báo Văn Nghệ hay Văn nghệ Quân đội... Tôi không nhớ rõ mình cộng tác với Tiền Phong ở thời điểm nào nhưng từ đó đến nay dù là người ít viết báo tôi vẫn đều đặn năm đôi ba lần đăng bài. Với riêng tôi, Tiền Phong là một miền xanh yêu quý, nơi tôi có những kỷ niệm ngọt ngào với bạn bè, đồng nghiệp.

Miền xanh thuở ấy ảnh 1

Nhà văn Phạm Ngọc Tiến. Ảnh: Nguyễn Đình Toán 

Quãng đầu những năm 90, quán bia hơi ở phố Nguyễn Du là nơi tụ họp dân văn nghệ với người của Tiền Phong. Tại đây tôi gặp khá nhiều anh em bạn bè. Lúc đó không khí văn chương đang sôi động, những buổi uống bia là những tranh luận nảy lửa về sáng tác về học thuật. Những nhà báo, nhà văn nổi tiếng như Xuân Ba, Mạnh Việt, Nguyễn Hoàng Sơn, Hữu Việt, Phạm Yên... thường xuyên xuất hiện. Đến độ việc viết lách, bài vở đều giao dịch tại quán. Ngày đó chưa có mạng Internet nên nộp bản thảo viết tay hoặc đã đánh máy. Nhiều hôm biên tập viên đọc tại chỗ rồi quyết định cũng tại chỗ luôn. Truyện này được. Bài này hay. Sẽ dùng số này, số này... Lúc đó báo Tiền Phong vẫn là báo tuần chưa báo ngày như hiện nay nên việc đăng bài cũng không dễ dàng, phải xếp hàng, đợi lượt.

Trụ sở báo Tiền Phong ở 15 Hồ Xuân Hương. Khi chưa xây lại hiện đại như bây giờ đó là một trụ sở báo cửa luôn rộng mở. Có thể đến báo la cà phòng này, phòng khác một cách thoải mái. Thú thật bây giờ trụ sở hiện đại đến báo qua thường trực trình báo nên cũng có chút ngần ngại. Ngay cạnh trụ sở báo có nhà khách khá lớn. Các hội nghị của Hội Nhà văn Việt Nam đón nhà văn ở các miền về cũng hay lấy nhà khách này làm chỗ nghỉ, bởi vậy gần như những cuộc gặp gỡ bạn bè anh em hay diễn ra ở báo luôn. Tôi nhớ có những cuộc anh em ngồi rất khuya trong trụ sở báo hàn huyên bù khú.

Vui nhất là những cuộc lễ lạt chính thức của báo Tiền Phong. Tỷ như buổi trao giải “Tác phẩm tuổi xanh” ở mỗi kỳ tổng kết cuộc thi. Đông và tập hợp được nhiều thế hệ người viết. Xong lễ thì lại túm tụm từng tốp kéo nhau ra bia hơi Nguyễn Du. Tôi là dân la cà có số hạng nên chả mấy ngày không về báo rủ rê chèo kéo hẹn hò ăn nhậu. Thậm chí đi làm về lại tạt qua báo chơi rồi gầy sòng anh em túm tụm. Mà cũng chẳng đâu xa ngay chênh chếch trước mặt trụ sở báo có quán cà phê, có quán nhậu cực kỳ tiện lợi. Có thể nói báo Tiền Phong ngày ấy như một trung tâm giải trí thu hút được nhiều tao nhân mặc khách.

Là nói vui vui vậy, Tiền Phong là một nơi tin cậy và uy tín để những người viết gửi tác phẩm. Tôi không bao giờ quên được sự tận tụy đầy trách nhiệm và tình cảm của nhà thơ Nguyễn Hoàng Sơn. Anh Sơn là thư ký tòa soạn là người trực tiếp làm tờ Tiền Phong chủ nhật. Một số truyện ngắn của tôi được qua tay anh biên tập và đăng tải. Những ý kiến của Nguyễn Hoàng Sơn luôn là những nhận xét chính xác, chuyên môn cao bởi ngoài thơ, truyện và nghiệp vụ báo chí anh còn là một nhà phê bình văn học. Có một lần tôi viết về chân dung một người mổ lợn ở chợ Cổ Loa. Anh Sơn duyệt bài thích lắm bảo, này Tiến em có bịa không đấy? Tôi thề thốt thật không sai một chi tiết nào. Chả là anh làm nghề đồ tể kia vốn là một người lính giải ngũ, bạn cùng đơn vị với tôi. Anh đích thực là một nông dân chất phác và thật thà. Không hiểu sao anh bạn nông dân có nghề mổ lợn ấy lại đẻ được hai vận động viên thể thao. Cậu con trai đá bóng còn cô con gái là một võ sĩ Judo có chân trong đội tuyển và giành được huy chương vàng Sea Game. Có lẽ vì là thân thiết hiểu gia cảnh tính nết bạn nên bài báo của tôi sinh động đến mức gây tò mò. Một ngày đẹp trời tôi rủ Nguyễn Hoàng Sơn cùng nhà thơ Hữu Việt sang Cổ Loa chơi thăm anh bạn mổ lợn. Người nông dân thật thà tiếp đón chúng tôi một bữa lòng lợn tự chế từ buổi thịt lợn buổi sáng. Nguyễn Hoàng Sơn vốn là người kỹ tính và không mấy vồ vập các quan hệ nhưng tỏ ra đặc biệt khoái. Anh cứ tấm tắc mãi về chuyến đi đó.

Dương Kỳ Anh là nhà thơ Tổng biên tập báo một giai đoạn khá dài. Vì là nhà thơ nên anh có quan hệ gần gũi và tương đối cởi mở với anh em sáng tác. Có lần anh tặng tôi một tập thơ mới in. Bảo, ông là dân văn xuôi tặng đọc chơi chơi thôi. Dáng chừng anh có ý nói văn xuôi thì không biết đọc thơ. Tự ái, tôi bèn đọc một mạch thấy thinh thích bèn nổi hứng viết một bài đọc sách ký tên khác và in ở một báo khác. Báo ra, Dương Kỳ Anh cứ nắc nỏm mãi về bài đọc sách đó bảo tay nào viết phê bình mà mả thế. Đây là bài hay nhất bình về thơ tôi xưa nay. Lúc đó tôi mới nhận là bài của mình. Anh đừng coi thường dân văn xuôi không biết thẩm thơ nhé.

Dương Kỳ Anh tại vị chức Tổng biên tập khá dài chỉ nghỉ khi đã hết tuổi. Kế tiếp anh là nhà báo Đoàn Công Huynh và sau đó là nhà báo Lê Xuân Sơn. Tôi biết Lê Xuân Sơn từ dạo anh còn công tác tại nhà xuất bản QĐND rồi chuyển về làm báo Người Hà Nội. Từ dạo đó Sơn đã biên tập không ít truyện ngắn của tôi ở báo này. Kể về các Tổng biên tập là tôi muốn nói đến sự thân tình của các anh với cộng tác viên nhất là mảng văn học. Nên nhớ báo Tiền Phong là cơ quan duy nhất đảm trách thi Hoa hậu Việt Nam và các Tổng biên tập là Trưởng ban tổ chức cuộc thi. Họ có quan hệ rộng với chính khách, doanh nhân, người đẹp vẫn quan tâm đến cánh văn veo chúng tôi là một điều rất đáng ghi nhận và để nhớ như những gì tốt đẹp nhất của tờ báo Tiền Phong.

Trụ sở báo Tiền Phong ở 15 Hồ Xuân Hương. Khi chưa xây lại hiện đại như bây giờ đó là một trụ sở báo cửa luôn rộng mở. Có thể đến báo la cà phòng này, phòng khác một cách thoải mái.

Tôi chơi với không ít người ở báo. Dương Phương Vinh khi đoạt giải nhất “Tác phẩm tuổi xanh” với truyện ngắn độc đáo “Ngày thường” xuất hiện một cách lộng lẫy trong giới văn chương. Sức hút từ tác giả trẻ xinh đẹp này kéo theo một lô lốc các trang nam nhi trong giới về tụ họp ở báo. Dương Phương Vinh sau giải thưởng không đi theo nghề văn mà trở thành một nhà báo chuyên nghiệp là một trưởng ban của báo. Những bài viết về văn nghệ của Vinh cực kỳ sắc bén thật sự là một giọng điệu riêng biệt không lẫn với ai.

Một người kỳ cựu của Tiền Phong không thể không nhắc là nhà văn Xuân Ba. Xuân Ba nổi tiếng là một nhà báo kiểu cung đình với những phóng sự đặc biệt ít người viết được. Tôi chơi với Xuân Ba khá thân cũng bởi nết trà rượu hợp nhau. Bây giờ già, tuổi tác cao, sức khỏe kém đi nên có ít gặp nhau chứ dạo ấy chả mấy ngày chúng tôi không có mặt cùng nhau. Cũng không hiểu vì sao dạo ấy lại vui thú hăng hái đến thế. Tôi chỉ kém Xuân Ba vài tuổi nhưng đi theo anh cứ như một thằng học trò lũn cũn. Là đang nói về trà rượu ăn nhậu. Say có lần phải ngủ lại ở nhà anh ở ngôi nhà cũ mạn hồ Hoàn Kiếm. Sáng dắt xe về đi mấy ngày mới phát hiện ra không phải xe máy của mình. Hỏi thì ra nhầm với xe Xuân Ba. Tôi đổi lại xe, anh cứ một mực bảo đấy là xe của anh. Thì ra ông nhà báo kiêm nhà văn chuyên viết phóng sự cung đình nhầm và cũng không hề nhận ra xe của mình. Chỉ nhờ vào cái kim xăng vàng và trắng của đời xe Honda 81 mới phân biệt được đâu là xe của ai. Sau này Xuân Ba chuyển nhà về gần bệnh viện Đống Đa. Hãn hữu lắm tôi và anh mới lại gặp nhau nhưng vẫn thâm tình háo hức và lôi cuốn vui vẻ như thuở nào.

Báo Tiền Phong có văn phòng đại diện ở nhiều địa phương. Đi Tây Nguyên gặp nhà báo Hoàng Thiên Nga mà chị là Trưởng văn phòng đại diện. Lần đã lâu tôi gặp ở nhà chị chiếc xe ô tô bị đốt vì một bài báo đụng chạm. Hoàng Thiên Nga là tác giả của nhiều bài báo đấu tranh chống tiêu cực hiệu quả trong khu vực. Đến Quảng Bình dạo tôi đạp xe xuyên Việt năm 2016 được gặp phóng viên Hoàng Nam, người có nhiều đóng góp vào việc vạch trần sự xả thải của Formosa. Sự dũng cảm và trách nhiệm nhà báo mới giúp được những phóng viên này bất chấp nguy hiểm để tác nghiệp để viết ra những bài báo đầy thuyết phục chống lại cái ác, cái xấu để bảo vệ chân lý bảo vệ sự thật.

Nhiều lắm, khó kể hết những kỷ niệm với những người bạn báo Tiền Phong. Chỉ biết với riêng tôi đó là những tháng ngày sôi động, quý giá. Bây giờ có Internet, mạng xã hội thịnh hành, báo online lên ngôi đẩy báo giấy giảm thị phần, lượng phát hành ít đi nhưng những bản in sực mùi giấy mực mới vẫn gây cho người viết chúng tôi chộn rộn niềm vui khó tả. Và cái miền xanh từ thuở nào kia vẫn đang hiện hữu cùng tôi với tờ báo mà tôi yêu quý, gắn bó. Chẳng bao giờ quên được miền xanh thuở ấy...

Hà Nội 20/10/2018

P.N.T

MỚI - NÓNG