Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện đăng truyện trên Tiền Phong

Nhà văn duy nhất hai lần in một truyện ngắn trên báo Tiền Phong
Nhà văn duy nhất hai lần in một truyện ngắn trên báo Tiền Phong
TP - Tác giả “Tướng về hưu” từng có khoảng hơn 10 năm cộng tác với báo Tiền Phong. Một số truyện ngắn nổi tiếng của ông lần đầu in trên báo Tiền Phong như: Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt, Chuyện tình kể trong đêm mưa, Chuyện ông Móng, Đưa sáo sang sông... Ngoài ra, khoảng hơn 10 bài tiểu luận ký tên Dương Thị Nhã sau này cũng được trả lại chính danh và in trong các tập tiểu luận, phê bình của ông.

Vì sao là Dương Thị Nhã?

Nguyễn Huy Thiệp bắt đầu có danh trên văn đàn từ năm 1987, sau khi truyện ngắn “Tướng về hưu” in thành ba kỳ trên báo Văn Nghệ. Trước đó, ông vừa chuyển từ vùng núi Tây Bắc về Hà Nội, từ một “anh giáo làng” suốt mười năm “úp mặt vào núi” trở thành nhân viên chạy việc vặt của Bộ Giáo dục Ðào tạo.

Ông kể: Khi đó mới từ rừng ra phố, ngu ngu ngơ ngơ, không có mối quan hệ, chẳng biết đường đi lối lại như thế nào, cũng chỉ biết cộng tác với báo Văn nghệ. Ngoài báo Văn nghệ ra chả quen biết ai!

Năm 1991, ông xây tượng Phật tại nhà. Hai nhà báo của Tiền Phong đến chơi, mời ông cộng tác với báo. “Họ có thiện ý nhưng tôi cũng không viết gì. Lúc đó vừa qua một cơn tai vạ, tâm tàn ý lạnh. Sau thì bận chuyện gia đình, chuyện nhà hàng Hoa Ban. Mãi sau này gặp nhà thơ Ðồng Ðức Bốn, ông này quen biết nhiều, dắt tôi đi khắp nơi, giới thiệu người nọ người kia, báo nọ báo kia” – Nguyễn Huy Thiệp kể.

“Khoảng giữa những năm 1990, tôi lần đầu đi châu Âu và được phép xuất hiện trở lại trên văn đàn. Trước đó, tôi chưa quen Nguyễn Việt Hà, mới đọc “Cơ hội của chúa” và một tạp văn về phở của anh trên báo, khá hay. Lúc này Ðồng Ðức Bốn xui tôi nên gửi bài cho báo Tiền Phong, hắn còn bảo: Ông lấy luôn bút danh họ Dương của Tổng biên tập Dương Kỳ Anh cho khỏi bị khó dễ. Trong “Cơ hội của chúa” có một nhân vật tên là Nhã, tôi ghép tên Nhã với họ Dương thành Dương Thị Nhã, lần đầu xuất hiện trên báo Tiền Phong dưới tạp văn “Bàn về quà phở của người Hà Nội”.

Hóa ra, đằng sau một bút danh cũng có nhiều lắt léo thú vị. Ông nhớ lại: “Sau đó tôi cứ thế viết, nhưng không đều đặn. Ðại ý tôi viết được bài gì thì gửi. Quá trình cộng tác không phải liên tục, rải rác. Cách quãng kéo dài đến khoảng năm 2006 thì ngưng tạp văn. Tổng hợp lại có độ khoảng hơn chục bài. Sau này, tôi tập hợp lại, in trong tập tạp văn tiểu luận “Giăng lưới bắt chim”. Tập sách này cũng đã tái bản nhiều lần”.

Mới đây nhất, một số người viết trẻ đã lấy một trích đoạn cũ trong tạp văn “Giá phải chăng” của Nguyễn Huy Thiệp in trên Tiền Phong  tháng 6/2000 để kết thúc một tranh cãi khá gay gắt về nghề. Nói thế để thấy rằng, sau ngót 20 năm, những bài “viết chơi” của tác giả “Tướng về hưu” vẫn có giá trị thời sự.

Ðoạn trích ấy như sau: “Thường thói tị hiềm, lòng ghen ghét đố kỵ cũng là bệnh của người đời, ở văn nhân tài tử thì khéo hơn, văn hơn nên cũng hiểm hơn. Một mặt, thói xấu này làm người ta bé nhỏ đi, đê tiện đi nhưng ở mức độ nào đấy, nó cũng kích thích sự sáng tạo trong văn học. Những nhà văn trẻ nên biết điều này để lường liệu. Thói tị hiềm, lòng ghen ghét đố kỵ không làm nên giá trị của nhà văn. Giá trị nhà văn ở chỗ khác, nó nằm ở trong giá trị tác phẩm, cụ thể là giá trị nhân văn: anh (hay chị) viết có xúc động không, có chút khai sáng gì cho người đọc không, mua vui được mấy trống canh? anh (hay chị) con người đến mức nào, cái con người đó mấy phần quỷ dữ mấy phần thiên thần, lại cả mấy phần cơm độn rau quả, mấy phần dân tộc mấy phần hiện đại v.v”...

Một truyện ngắn in hai lần

Truyện ngắn đầu tiên của Nguyễn Huy Thiệp in trên báo Tiền Phong  là “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt”, truyện này ông viết năm 1997. Sau khi in, nó tạo được hiệu ứng khá tốt, Trung tâm văn hóa Pháp đã làm một tọa đàm về Nguyễn Huy Thiệp, đây cũng là lần đầu tiên ông biết đến tổ chức này. Bản thân Nguyễn Huy Thiệp đánh giá “Hạc vừa bay vừa kêu thảng thốt” là truyện hay.

Cuốn báo Tết dày nặng và nhu cầu đọc của độc giả đông, có người đã photo riêng truyện này ra bán như bán kết quả sổ xố cuối giờ chiều

Các truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp gửi cho Tiền Phong  thường là vào dịp Tết, theo như ông giải thích thì đó là dịp mà các báo lùng truyện ngắn rất ghê và các nhà văn có hứng viết hơn vì nhuận bút trả hơn hẳn báo thường.

“Chuyện tình kể trong đêm mưa” cũng ra mắt trong một số Tiền Phong  Tết, họa sĩ Lương Xuân Ðoàn vẽ minh họa. Các bạn của Nguyễn Huy Thiệp kể lại, có người mua cả chục tờ Tiền Phong  đem phân phát. Người bán báo ở phố Hàng Trống cũng mang tên nhà văn ra để chào hàng: Báo Tiền Phong  có truyện Nguyễn Huy Thiệp, ông (bà) lấy thêm đi!

Quãng đó, chưa có mạng internet nên tất cả những truyện ngắn, tiểu luận được đánh giá là hay hoặc hot đều được truyền bá theo cách này. Bởi vì cuốn báo Tết dày nặng và nhu cầu đọc của độc giả đông, có người đã photo riêng truyện này ra bán như bán kết quả sổ xố cuối giờ chiều. Sau này, đạo diễn Ngô Quang Hải đã chuyển thể “Chuyện tình kể trong đêm mưa” thành kịch bản phim điện ảnh. Nhưng dự án bị đổ, sau đó Hải làm “Chuyện của Pao”.

Năm 2001, Nguyễn Huy Thiệp in “Chuyện ông Móng” trên Tiền Phong. Ông kể: hồi ấy đang làm nhà hàng Hoa Ban. Ðộc giả sang ăn khen “truyện hay quá ông ạ, tôi đọc mà ngửi thấy mùi thối”!

Một điều hi hữu nữa, Nguyễn Huy Thiệp cho đến nay là tác giả duy nhất in một truyện ngắn hai lần trên báo Tiền Phong. Năm 1999, báo in “Ðưa sáo sang sông” của ông lấy nguyên mẫu là nhà thơ Ðồng Ðức Bốn. Năm 2000, ông chỉnh sửa bổ sung truyện này, lần nữa công bố trên Tiền Phong Tết. Nhà văn cho biết: bản đầu tiên viết bình thường. Bản sau có thêm đoạn thi sĩ cứu trẻ con, ra tính cách Ðồng Ðức Bốn hơn, làm cho tay thi sĩ trong truyện anh hùng hơn. Trước đó hắn chỉ là một tay làm thơ vớ vẩn!

Ðồng Ðức Bốn là người có nhiều duyên nợ với Nguyễn Huy Thiệp. Sau này khi ông viết tiểu thuyết đầu tay “Tuổi 20 yêu dấu” cũng có công lớn của Ðồng Ðức Bốn.

“Con út dính vào ma túy, tôi lưỡng lự không biết làm cách nào cho ổn thỏa. Ðồng Ðức Bốn đến nhà lôi tôi lên ô tô bảo vừa đi vừa nghĩ. Tôi cầm theo bọc tiền, cũng chẳng biết Bốn đưa đi đâu. Cuối cùng đến nhà hắn một đêm. Bốn dẫn tôi đi gặp các quan chức Hải Phòng. Ðầu tiên chúng tôi định ra Bạch Long Vỹ nhưng sau mới biết đây là khu quân sự, dân thường muốn lên đảo phải có giấy phép. Vậy là quyết định hai bố con cùng ra đảo Cát Bà. Ở đây một tháng tôi viết xong “Tuổi 20 yêu dấu”. Nhà văn kể.

“Những tiếng lòng líu la líu lo” là truyện ngắn cuối cùng Nguyễn Huy Thiệp gửi cho Tiền Phong trước khi ông tuyên bố “rửa tay gác kiếm”. Truyện này được in trên tờ Tiền Phong Chủ nhật số 22 ra ngày 29/5/2005.

Một trong những lý do Nguyễn Huy Thiệp thích cộng tác với Tiền Phong  là bản thảo hầu như không bị cắt, sửa. Ông đánh giá cao sự tôn trọng bản thảo của Tiền Phong. “Biết đánh giá tác giả hay dở, trong khi một số báo khác coi người viết là một mớ như nhau”.       

 
Nguyễn Huy Thiệp kể chuyện đăng truyện trên Tiền Phong ảnh 1 Nguyễn Huy Thiệp trong buổi tái bản “Giăng lưới bắt chim” – tập tiểu luận có nhiều bài viết lần đầu công bố trên Tiền Phong. Ảnh: Văn Tân
MỚI - NÓNG
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
Địa ốc 24H: Chủ dự án sân golf bị phạt; vì sao hàng nghìn căn hộ chưa được cấp sổ?
TPO - Hà Nội lên tiếng hàng nghìn căn hộ sai phạm của 'đại gia điếu cày' chưa được cấp sổ; Bình Thuận chấp thuận đầu tư dự án bất động sản hơn 12.000 tỷ; Cưỡng chế thu hồi đất thực hiện dự án Công viên Phùng Khoang; Chủ dự án sân golf Việt Yên bị phạt;… là những thông tin nổi bật của Bản tin Địa ốc 24H ngày 13/12.