Miền Trung phải tạo ra thương hiệu

Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vĩnh
Một góc thành phố Đà Nẵng. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - “Miền Trung giàu tiềm năng có lợi thế giá trị như du lịch, lợi thế biển… nhưng trình độ khai thác chưa cao. Sau 3 năm lăn lộn ở vùng này, tôi nghĩ đã đến lúc nơi đây cần một tư duy đột phá. Cú hích đầu tiên nhà nước phải đầu tư. Trước mắt có thể tốn tiền, nhưng về lâu dài sẽ là con gà đẻ trứng vàng”.

TS Trần Du Lịch với tư cách Trưởng nhóm tư vấn hợp tác phát triển Vùng chia sẻ với Tiền Phong như vậy bên lề Hội nghị Diễn đàn kinh tế miền Trung vừa tổ chức tại Đà Nẵng.

TS Trần Du Lịch nói: Trong quá trình vừa qua, mỗi địa phương ở miền Trung đã tự chòi đạp, tự vươn lên nhưng vẫn là tư duy manh mún, làm cho đầu tư đã thiếu mà hiệu quả không cao ví như nơi nào cũng phải có khu công nghiệp. 

Câu chuyện mà doanh nghiệp (DN) ô tô Trường Hải kêu tại diễn đàn là ví dụ điển hình. Không ở đâu có chuyện DN vừa sản xuất mà vừa phải lo làm đường, làm cảng… Trong lúc đường bộ chưa tốt chúng ta phải đầu tư xây dựng vận tải ven biển, (cái này ông bà ta ngày xưa đã từng làm mà chúng ta gọi là ghe bầu nhưng chúng ta đã quên nó đi). Phát triển vận tải ven biển, nếu được đầu tư từ nhà nước thì DN ô tô Trường Hải đã không phải lo bỏ tiền ra làm cảng, mua tàu về cho mình. Những cái đó tôi cho là lợi thế, là cần đột phá của miền Trung.

Du lịch - Đừng chia mỗi năm vài tỷ 

Như vậy, có thể hiểu để phát triển kinh tế ở một “tầm” cao hơn, các lãnh đạo địa phương cũng phải tư duy có tầm?

Đúng vậy, cần ở một tầm cao chứ không nên manh mún theo kiểu kiếm được đồng nào lại đầu tư một chút vào du lịch. Một chuyên gia kinh tế tại Hội thảo đã nói rất đúng: Tiềm năng du lịch biển đảo Việt Nam còn phát triển thêm 100 lần nữa nếu ta biết khai thác lợi thế. Nhưng mỗi năm ngành du lịch chia cho mỗi tỉnh vài tỷ như thế là vô phương. Tại sao chúng ta không dồn hẳn năm nay tập trung làm mạnh cho chỗ này, sang năm hay vài năm sau lại làm chỗ khác mà cứ mỗi năm vài tỉnh? 

Tôi đồng ý là cần phát triển mạnh du lịch miền Trung nhưng ai sẽ là người “cầm càng”cho phát triển cho du lịch của toàn vùng? Đến nay có thể nói là không có. Nhiều người cứ nghĩ miền này “coi nhà nước như con bò sữa vắt được là vắt”, nhưng đã đến lúc chúng ta cần nghiêm túc đầu tư cho miền Trung theo từng giai đoạn và theo quan điểm cho tới nơi tới chốn.

Miền Trung phải tạo ra thương hiệu ảnh 1 TS Trần Du Lịch

Ông nói muốn phát triển vùng cần kinh nghiệm con sếu đầu đàn ví như sự đi đầu năng động của Đà Nẵng trong làm du lịch. Tư duy đó nên áp dụng thế nào cho phù hợp?

“Phát triển kinh tế miền Trung, Chính phủ phải bàn luận xem đây là một chương trình quốc gia xây dựng cần thiết để báo cáo Quốc hội, trên 3 trục: Ngư nghiệp, du lịch biển đảo gắn với văn hóa và cảng biển”

TS Trần Du Lịch

Vừa qua chúng ta tái cấu trúc đầu tư công, nhưng tôi cho rằng tái cấu trúc quan trọng nhất là tư duy mang tính chiến lược, chứ không phải lấy đồng nọ bỏ chỗ kia. Trở lại kinh nghiệm muốn phát triển một vùng, tôi vẫn nói cần có một con sếu đầu đàn. Ví dụ như Nha Trang hàng trăm năm vẫn thùy dương cát trắng tiềm năng là thế nhưng chưa phát triển hết, nhưng khi có Vinpearl là thay đổi hẳn. Đà Nẵng cũng vậy, việc xây một loạt khách sạn 5 sao nhiều nhất nước và Bà Nà Hills... tạo ra một chỗ cho các tỷ phú thế giới đến ngồi chơi.   

Tóm lại, phải tạo thương hiệu nhờ vào vai trò đầu tư của nhà nước cộng lực với các doanh nghiệp có tầm cỡ.

Nếu nhà nước bỏ ra đúng chỗ, đồng tiền sẽ phát triển   

Đông Nam bộ hay thành phố Hồ Chí Minh chỉ cần cơ chế để tự phát triển còn miền Trung với những hạn chế giai đoạn đầu rất cần cơ chế đột phá, cú hích của Nhà nước. Vậy theo ông, làm thế nào để quan tâm đúng mức và đúng cách với miền Trung. Nên đầu tư từ đâu và làm thế nào để tránh tình trạng manh mún? 

Phải xác định trọng điểm. Tôi lấy ví dụ cái nên đột phá ở đây là đường cao tốc, nối Đà Nẵng thành hậu cần cho cả khu vực này. Đường cao tốc làm nổi ở trên cao mới tránh được lũ chứ còn đường quốc lộ 1 có mở rộng cỡ nào đến mùa lũ cũng chịu. Đường ven biển các địa phương vẫn làm phục vụ du lịch nhưng không phải là ưu tiên số một. Ưu tiên số một phải là đường cao tốc. Hiện đường nối Đà Nẵng, Quảng Ngãi vẫn ì ạch thế này không ổn (130 km mất hơn 3h xe chạy- PV). Ví như khu CN Chu Lai với Dung Quất, nếu có đường cao tốc họ vào làm khu công nghiệp xong ra nghỉ ở Đà Nẵng, sẽ thu hút hơn nhiều.

Nói thì là vậy nhưng trong quá trình làm liệu có gặp những khó khăn như tư duy địa phương hay yếu tố thiên nhiên sẽ cản trở hay làm chậm lại? 

Tư duy địa phương chắc vẫn còn. Địa phương thì không trách họ được, địa phương nào cũng có trách nhiệm với dân, nhưng tôi tin là nếu Chính phủ, Nhà nước quan tâm làm theo một tư duy lớn như vậy các địa phương cũng chịu luôn. Điều này, Ban điều phối vùng phải nhìn ra. Mùa xuân năm ngoái, chúng tôi tổ chức để các doanh nghiệp vào đây xem xét, thu hút hơn 600 DN dự trong đó hơn 200 DN nước ngoài quan tâm. Tôi gọi đó là DN phát triển vùng. Mỗi tỉnh chỉ cần làm 2 dự án khả quan và khả thi là đã tốt rồi. Còn yếu tố thiên nhiên dĩ nhiên đó là nhược điểm của miền Trung nhưng thiên nhiên đang tác động chủ yếu tới nông nghiệp, nếu làm theo hướng 3 mũi nhọn trên sẽ khắc phục hạn chế thiên nhiên đe dọa. Đáng lý ra nơi đây phải làm đường cao tốc, đường nổi, cầu cảng từ lâu .

Bài toán đầu tư cho miền Trung nếu theo tính toán của Nhóm phát triển kinh tế Vùng mà ông là Trưởng nhóm, sẽ chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm GDP của nền kinh tế, thưa ông? 

Thực sự tôi không nghĩ là quá lớn, chúng ta có thể làm từng đoạn, phân kỳ, hoặc từng phần. Hiện có chương trình PPP (Nhà nước và tư nhân cùng bỏ tiền làm một dự án phát triển), nếu nhà nước bỏ ra đúng chỗ thì đồng tiền của nhà nước sau đó sẽ phát triển và thu hút tốt. Tôi ví dụ Đà Nẵng từng bị cho là làm hạ tầng thừa, và bị phản đối cách đây vài năm. Nhưng trên tổng thể, nó thấm thía gì so với tư nhân đã đổ vào.

Theo ông có thể mời gọi các ngân hàng cho vay đầu tư, vào các dự án miền Trung hay có cách rót vốn nào khác?

Có nhiều ý kiến cho rằng nên hình thành Quỹ phát triển miền Trung nhưng hiện nay các dự án đã tự kết nối với ngân hàng tương đối lớn. Để đưa vốn vào nền kinh tế, tôi cho rằng vấn đề của các ngân hàng làm phải giảm được lãi suất trung hạn xuống vì hiện vẫn còn cao quá. Ý tưởng phát hành trái phiếu miền Trung mà có ngân hàng đề xuất tôi thấy không được, phải có dự án cụ thể. 

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
Người dân Đà Nẵng lo sợ sạt lở dưới chân núi Sọ
TPO - Nhiều năm nay, hơn 40 hộ dân sống dưới chân núi Sọ thuộc thôn An Ngãi Tây 1 (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP. Đà Nẵng) phải thấp thỏm, lo sợ khi sống cạnh chân núi bị sạt lở. Hiện nhiều điểm đã có dấu hiệu sạt lở nghiêm trọng khiến người dân càng lo lắng khi mưa bão đã về.
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
Triển khai quyết định của Giám đốc Công an tỉnh Bình Thuận về công tác cán bộ
TPO - Công an tỉnh Bình Thuận điều động và bổ nhiệm thượng tá Nguyễn Đăng Khoa, Phó Trưởng phòng Kỹ thuật hình sự đến nhận công tác, giữ chức vụ Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam; điều động thượng tá Trần Văn Tươi, Trưởng Công an huyện Hàm Thuận Nam đến nhận công tác và giữ chức vụ Giám thị Trại Tạm giam.