Hạn, mặn thành thiên tai
Các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng… lần lượt công bố thiên tai cấp độ 1 về hạn, mặn khi mùa khô vào đầu mùa và dự đoán còn kéo dài, khốc liệt.
Năm qua, mùa mưa đến muộn, dứt mưa sớm, lượng mưa thấp 20-40%. Nắng nóng đến sớm, nhiệt độ tăng 0,5- 1,50C. Các con kênh trục, kênh thủy lợi vùng ngọt hóa của Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cạn kiệt. Nguồn nước bổ sung cho ruộng lúa, cây trồng, vật nuôi chỉ trông vào nguồn nước mặt.
Ông Dương Hoài Nam, GĐ Sở GTVT Cà Mau nói: “Sông rạch trong vùng ngọt tại huyện Trần Văn Thời, Thới Bình chỉ còn 0,7- 1,0 m, nhiều nơi cạn kiệt, giao thông đường thủy gần như bị tê liệt. Nhiều nơi, sẽ còn gặp khó khăn hơn trong vận chuyển lương thực, thực phẩm, nước uống thời gian tới”.
May mắn hơn Cà Mau, gần sông Hậu, dù nước đổ về ít nhưng nước ngọt quí giá này đã giúp “giải khát” cho ruộng lúa, vườn cây của các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Ông Lương Ngọc Lân, GĐ Sở NN- PTNT Bạc Liêu nói: “Cán bộ khuyến nông, thủy lợi đã xuống địa bàn để cùng với chính quyền hướng dẫn bà con nông dân sử dụng nước ngọt tiết kiệm, nạo vét kênh mương, ao đìa để trữ nước ngọt phục vụ trồng trọt, cứu các trà lúa”.
Sở NN- PTNT Bạc Liêu thống kê, nắng hạn làm cho hơn 11.300 ha lúa, trong đó có hơn 8.000 ha diện tích lúa-tôm bị thiệt hại. Tại Cà Mau, hạn hán, xâm nhập mặn làm 49.343 ha lúa bị thiệt hại.
Nắng nóng làm ảnh hưởng tới sinh trưởng, năng suất cây trồng với diện tích 15.000 ha. Khu vực rừng tràm U Minh hạ đứng trước nguy cơ cháy rừng vào mùa khô. Chi cục kiểm lâm Cà Mau cập nhật, 42.000 ha rừng tràm bị khô hạn, trong đó có 2.500 ha nguy cơ cháy cấp IV và 4.000 ha cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm).
Nước biển tấn công
Với chế độ thủy lợi mặn - ngọt đan xen nhau, mực nước vùng ngọt nhiều tỉnh miền Tây cạn kiệt, chênh lệch với mực nước bên ngoài cống, đập, đê sông hơn 2,5 m. Nhiều vùng ngọt hóa bị nhiễm mặn, thiếu nước sản xuất và sinh hoạt.
Trong khi ở sâu trong đất liền đối mặt khô, hạn những tháng đầu năm nay, người dân ven biển gánh chịu đợt triều cường chưa từng thấy. Ông Nguyễn Văn Bé, ở ấp 1, thị trấn Gành Hào (Đông Hải, Bạc Liêu) nói: “Sóng biển dâng cao hơn 3 m, làm sập tường chắn sóng, sạt lở kè biển, làm cho hơn 1.000 hộ dân “ăn tết” trong nước mặn tràn vô gần cả thước”.
Ông Lương Ngọc Lân, GĐ Sở NN- PTNT Bạc Liêu nói: “Triều cường dâng cao, gặp gió mạnh, sóng to đã làm vỡ kè biển tại thị trấn Gành Hào (Đông Hải) khoảng 70 m, sạt lở cầu Chiên Túp 1, ấp Biển Đông B, xã Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu). Chúng tôi huy động lực lượng thi công để khắc phục và mời Viện Khoa học Thủy lợi Miền Nam nghiên cứu dòng chảy. Có thể do lượng phù sa thiếu hụt gây sạt lở”.
Tại Cà Mau, triều cường làm ngập nhiều công trình, một số đoạn đường Hồ Chí Minh đi về Đất Mũi bị ngập, cống bọng bị sạt, đạt mức kỷ lục tại Năm Căn 1,66 m, tràn ngập 94 km, làm vỡ 400 m đê bao, hư hại 2 cống, thiệt hại gần 200 ha nuôi tôm của bà con ở huyện Ngọc Hiển, Năm Căn, Phú Tân và Trần Văn Thời.
Ông Lê Hà Triều, Phó trưởng ấp 6, xã Khánh Hội (U Minh, Cà Mau) nói: “Hơn 100 hộ dân nhận khoán đất ven biển để trồng rừng phòng hộ, khai thác thủy sản dưới tán rừng, bình quân 2- 4 ha/hộ nhưng sạt lở mất rừng, bà con phải đi làm mướn kiếm sống”.
Nắng nóng, độ mặn tăng cao khiến người nuôi tôm lao đao. Thống kê hiện có gần 2.700 ha tôm quảng canh, quảng canh cải tiến bị dịch bệnh, tăng hơn 300% so với cùng kỳ. Ông Nguyễn Văn Quân, Phó văn phòng UBND tỉnh Cà Mau nhận định: “Mức độ thiệt hại do thiên tai sẽ tăng nhanh trên các lĩnh vực sản xuất nên cần theo dõi sát, dự báo chính xác để có giải pháp cụ thể”.
Cần thích ứng với biến đổi khí hậu
Ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau cho biết: “Đặc điểm thủy lợi ở Cà Mau nói riêng, bán đảo Cà Mau nói chung rất khác. Vùng ngọt thiếu nước ngọt vào mùa khô, nước mặn mấp mé, xâm nhập mặn thường xuyên. Những công trình vùng ngọt hóa cần phải khép kín, chống xâm nhập mặn, tạo nước ngọt bổ sung. Vùng ven biển cần có giải pháp nâng cấp đê biển Tây, triển khai đê biển Đông, nạo vét kinh mương do bồi lắng gây ách tắc giao thông”.
Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tỉnh đã đề xuất giải pháp trước mắt, cấp bách chống hạn, mặn, biến đổi khí hậu. Về lâu dài, giải pháp phi công trình, chuyển đổi qui hoạch sản xuất, đời sống thích ứng với biến đổi khí hậu. Không thể để cho người dân đói, khát, nên có biện pháp hỗ trợ kịp thời, phát triển sản xuất, chống hạn, ngăn mặn.
Theo ông Tô Quốc Nam, Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau, Sở đã huy động các nguồn vốn để nạo vét kênh mương, gia cố đê, cống đập để chống hạn, mặn. Chính quyền địa phương, cán bộ nông nghiệp cũng đã khuyến cáo bà con chuyển đổi giống cây trồng, phương thức canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu.
Ông Nguyễn Tiến Hải đề nghị các cơ quan chức năng liệt kê các công trình bức xúc, xem xét khả năng tự lực cao nhất và đề xuất xin T.Ư hỗ trợ nâng cấp đê biển Tây, triển khai đê biển Đông, xây dựng hồ trữ nước ngọt tại chỗ hoặc dẫn nước ngọt từ sông Hậu về…
Nhà đầu tư lo ngại hậu quả của biến đổi khí hậu
Giám đốc Sở KH&ĐT thành phố Cần Thơ, ông Nguyễn Văn Hồng cho biết, các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng lo ngại về tác động của biến đổi khí hậu khi được mời gọi vào ĐBSCL. “Họ tìm hiểu thông tin về tác động của biến đổi khí hậu rất kỹ và thực sự đắn đo khi quyết định đầu tư”, ông Hồng nói. Cũng vì thế, giai đoạn 2011-2015, các khu công nghiệp ở Cần Thơ chỉ thu hút được 6 dự án FDI với vốn đăng ký vỏn vẻn 9,26 triệu USD. Các dự án FDI đa phần quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu. Số liệu của Sở KH&ĐT Cần Thơ, hiện thành phố có 68 dự án FDI, trong đó vốn đầu tư từ các nước tiên tiến như Hoa Kỳ, Đức, Pháp chiếm dưới 5% tổng vốn đầu tư.
Thanh Thúy - Phương Dung