Miền nắng gió ứng phó biến đổi khí hậu, Kỳ 1: Ám ảnh cơn đại hạn chưa từng có

0:00 / 0:00
0:00
TP - Tháng 12 gõ cửa cũng là lúc thời tiết Tây Nguyên giao mùa. Mưa ngừng rơi, khí hậu ẩm ương cũng dần lùi xa, nhường chỗ cho một mùa khô mới lại bắt đầu. Nông dân Tây Nguyên lại đối mặt với nỗi lo khô hạn. Nơi đây từng là “chảo lửa” với những đợt hạn hán khốc liệt nhất trong lịch sử.

Tây Nguyên có 2 mùa mưa nắng rõ rệt, thế nhưng những năm gần đây chu kỳ thời tiết đã “chệch đường ray”, biến đổi khó lường, mùa khô kéo dài gây nên hạn hán khốc liệt. Nông dân từng ám ảnh với cơn đại hạn chưa từng thấy khi nắng nóng như ngọn đuốc hừng hực, sẵn sàng thiêu đốt vạn vật trên vùng đất đầy nắng gió.

Ký ức những đợt hạn hán khốc liệt

Chưa thu hoạch xong 1 héc-ta cà phê song bà H’Ai Mlô (buôn Tlan, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, Đắk Lắk) đã tính tới chuyện tưới nước vì thời tiết hanh khô, kèm gió thốc khiến vườn cây khô khốc. Trong ký ức của người đàn bà đi qua hơn 50 mùa rẫy vẫn không quên những đợt hạn hán khốc liệt ập đến khiến “nồi cơm” của gia đình suýt trở thành đống củi khô. Đó là những năm 2016, 2019, trời tắt mưa sớm khiến ao hồ trơ đáy, cây trồng “khát” nước. Cả gia đình bà phải trắng đêm, vét từng giọt nước rỉ cứu cây. Vườn cà phê nhà bà nằm sát hồ Dhung Tiên- một trong những hồ chứa nước lớn của huyện Krông Búk. Trước đây, hồ luôn ăm ắp nước, cung cấp đủ nước cho nhiều vườn cây đi qua bao mùa khô. Thế nhưng những năm đại hạn, hồ Dhung Tiên như biến thành sa mạc, lòng hồ nứt toác trơ đáy. Bà H’Ai và những hộ xung quanh phải thuê máy múc khoét sâu lòng hồ thêm 5-6m, phải mót từng giọt nước ngầm.

Miền nắng gió ứng phó biến đổi khí hậu, Kỳ 1: Ám ảnh cơn đại hạn chưa từng có ảnh 1

Người dân Đắk Lắk bỏ ruộng lúa cho bò ăn

Không may mắn như bà H’Ai, nhiều gia đình ở huyện biên giới Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã ngậm ngùi chặt bỏ vườn cây vì không trụ nổi cơn đại hạn. Trong những ngày khô hạn nhất lịch sử, chúng tôi không khỏi xót xa khi tận thấy người nông dân phải tự tay chặt bỏ vườn cây sinh kế của mình vì không có nước tới. “Phải tự tay chặt đi vườn cây mình đã dồn bao công sức, vốn liếng đầu tư trong nhiều năm trời tiếc lắm. Chẳng khác nào đang cắt từng khúc ruột. Sống đến tuổi này, tôi chưa thấy năm nào bước sang tháng 5 vẫn không có mưa. Suối đã khô từ lâu, giếng cũng trơ đáy nên đành thôi…”, lão nông Nguyễn Xuân Lập (xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn) xót xa khi phải tự tay chặt bỏ gần 1 héc-ta cây ăn trái vào mùa nắng hạn 2019.

Tháng 10/2021, tại Hà Nội, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng 5 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận tổ chức Lễ khởi động dự án 30 triệu USD về thích ứng với biến đổi khí hậu do Quỹ Khí hậu Xanh tài trợ, nhằm tăng cường khả năng chống chịu của nông nghiệp quy mô nhỏ đối với an ninh nguồn nước trong giai đoạn từ năm 2021-2026, hơn 500.000 người sẽ được hưởng lợi, trong đó phụ nữ chiếm trên 50%.

Vườn cây của bà H’Ai, ông Xuân Lập chỉ là vệt nhỏ trong bức tranh toàn cảnh khô hạn Tây Nguyên. Nơi ấy, con người điêu đứng oằn mình giữa đất trời vét từng giọt nước phục vụ sinh hoạt và cứu cây trồng, gia súc gia cầm đang chết khô vì hạn. Con số thiệt hại do những đợt hạn hán ở mỗi địa phương tính bằng tiền trăm tỷ. Mỗi mùa khô đến nông dân Tây Nguyên lại ám ảnh khôn nguôi.

Thời tiết dị thường

Theo quy luật thông thường, Tây Nguyên có 2 mùa mưa nắng, mùa khô bắt đầu từ tháng 12 năm trước và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Tuy nhiên, quy luật này nhiều lúc “trật đường ray”, mùa mưa kết thúc sớm, mùa khô kéo dài đã gây ra những đợt hạn hán khốc liệt. Câu chuyện này vừa xảy ra tại huyện Krông Bông- một trong những địa phương của Đắk Lắk bị thiệt hại nặng nề mỗi khi thời tiết đỏng đảnh. Ông Nguyễn Minh Nghiệp- Chủ tịch UBND xã Cư Pui cho biết, rút kinh nghiệm từ những mùa khô trước, vụ lúa đông xuân 2020 - 2021 ông đã chủ động cho nông dân xuống giống trước 1 tháng để tránh hạn. Tuy nhiên, “tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa”. Từ lúc xuống giống, cây lúa phát triển bình thường nhưng khi làm đòng, trổ bông lại gặp mưa lạnh kéo dài nên không thể thụ phấn, kết hạt dẫn đến mất mùa.

Miền nắng gió ứng phó biến đổi khí hậu, Kỳ 1: Ám ảnh cơn đại hạn chưa từng có ảnh 2

Nông dân huyện Krông Bông (Đắk Lắk) thất thu vụ lúa vì thời tiết

Bên ruộng lúa chín vàng rất đẹp nhưng lại bị lép hạt, anh Y Tin Byă (ở buôn Phung, xã Cư Pui) buồn bã cho biết, 2 sào ruộng, cùng lắm chỉ được 4 bao lúa nhưng cũng chỉ để cho gà lợn ăn vì hạt lép. Năm trước, gia đình anh mất mùa vì hạn, năm nay lại thất thu vì trời lạnh, cuộc sống đã nghèo lại thêm khổ. Người vợ phải sang Đắk Nông làm thuê cải thiện thu nhập, còn Y Tin ở nhà làm rẫy và chăm sóc 3 đứa con đang tuổi ăn học.

Không chỉ mùa khô mới xảy ra hạn hán, những năm gần đây, nhiều khu vực ở Tây Nguyên xuất hiện tình trạng hạn giữa mùa mưa (hạn bà chằn) khiến nhà nông “ngóc đầu không nổi”. Mùa mưa 2021, hàng nghìn héc-ta cây trồng ở huyện Kbang, Đắk Pơ, thị xã An Khê (Gia Lai) bị thiêu đốt. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Kbang, từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 8 trên địa bàn xuất hiện 3 đợt mưa nhưng cách xa nhau đã gây nên hạn hán cục bộ. Với tỉnh Đắk Lắk, hạn bà chằn còn xuất hiện cả nơi ít xảy ra hạn hán. Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch UBND xã Ea Siên (thị xã Buôn Hồ), hiếm khi địa phương xảy ra hạn hán cục bộ giữa mùa mưa. Năm nay, hạn bà chằn xảy ra làm gần 2.000 héc-ta cây trồng, chủ yếu là cà phê, hồ tiêu, mắc ca… bị khô héo; trên 7.500 nhân khẩu bị thiếu nước sinh hoạt.

GS-TS Bảo Huy- chuyên gia tư vấn độc lập về quản lý tài nguyên rừng và môi trường cho biết, mưa nhiều tập trung, hạn hán kéo dài là biểu hiện của biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, biến đổi khí hậu thể hiện rõ nét với các hình thái khí tượng thất thường, không theo quy luật. Tại Tây Nguyên, biến đổi khí hậu thể hiện ở việc mưa nhiều gây ngập úng, lũ lụt hoặc nắng hạn kéo dài (ít bị bão như vùng đồng bằng).

Để giảm bớt tác động của biến đổi khí hậu lên các tỉnh Tây Nguyên, những năm qua, các bộ ngành trung ương đã ưu tiên nguồn lực đầu tư hệ thống thủy lợi. Đặc biệt, Gia Lai, Đắk Lắk đang được hưởng lợi trực tiếp từ 2 dự án thủy lợi lớn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn phê duyệt đầu tư gồm: Hồ thủy lợi Ia Mơr (Gia Lai) với tổng mức đầu tư trên 3.000 tỷ đồng, dự kiến cuối năm 2021 xong toàn bộ công trình; dự án hồ thủy lợi Krông Pắc Thượng (Đắk Lắk) có tổng mức đầu tư trên 4.400 tỷ đồng, đang trong giai đoạn hoàn thành, nhằm cấp nước tưới cho 15.000 héc-ta đất nông nghiệp, tạo nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 73.000 người…

(Còn nữa)

MỚI - NÓNG