Đó là ý kiến của PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tại Hội thảo “Tác động của chính sách miễn học phí cho sinh viên sư phạm đến chất lượng tuyển sinh và đào tạo giáo viên”, diễn ra ngày 13/12 tại TPHCM.
Theo ông Dũng, hiện nay, việc cấp bù kinh phí quá ít khiến các trường đào tạo sư phạm rất khó khăn, không đủ nguồn lực để đào tạo “ra ngô, ra khoai”. “Không những thế, chính sách này còn tạo bất công ngay trong trường học khi trường phải lấy học phí của những sinh viên không học sư phạm để "nuôi" những sinh viên theo học sư phạm, trong khi đó, có khoảng 90% sinh viên khối sư phạm tốt nghiệp giỏi giang đều đi làm công ty, xí nghiệp.”, ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam đã khá hơn. Với các gia đình ở nông thôn, vấn đề họ lo lắng là việc làm sau khi ra trường chứ không phải học phí.
Ông Dũng lấy ví dụ, “Trường chúng tôi 13 ngành sư phạm kỹ thuật. Trong 10 năm nay, sinh viên đăng ký vào 13 ngành sư phạm này đều được miễn học phí hoàn toàn. Đó là sự bất công rất lớn, vì mỗi năm chúng tôi chỉ được nhận từ 5 - 8 tỷ đồng tiền cấp bù sư phạm. Trong khi đó, 10 năm qua chúng tôi phải bù lỗ khoảng 30 tỷ đồng để đào tạo cho số sinh viên này”.
Ông Dũng đề xuất các trường sư phạm chỉ nên lập tức xét cấp học bổng cho các học sinh cực kỳ khó khăn. “Đối với các học sinh khác, trường vẫn thu học phí bình thường, sau đó nếu ra trường em nào theo nghề, nhà nước sẽ chuyển tiền về cho nhà trường nơi các em công tác, tạo điều kiện giáo viên trẻ cống hiến tốt hơn”, ông Dũng nói.
ThS Huỳnh Cát Dung, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Thể dục Thể thao TP HCM cũng ủng hộ quan điểm nên xóa bỏ chế độ cấp bù học phí vì cho rằng "gây ảnh hưởng tiêu cực đến động cơ học tập của sinh viên", gây giảm cảm xúc của người học, mất, giảm sút niềm tin vào ngành học, dựa trên việc phân tích thuyết hoạt động và thuyết công bằng.
PGS-TS Lê Văn Tiến – Hiệu trưởng Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP HCM đồng tình với ý kiến nên bỏ chế độ miễn học phí sư phạm nhưng với 2 điều kiện là có lộ trình và các điều kiện cần thiết đi kèm.
Trong khi đó, PGS-TS Nguyễn Thám - Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, ĐH Huế - cho rằng chính sách miễn học phí (cấp bù sư phạm) trong thời gian dài đã có tác động tích cực, là một trong những động lực thu hút học sinh giỏi vào trường sư phạm. “Tuy nhiên, nhìn vào thực tế sinh viên sư phạm tốt nghiệp thất nghiệp tràn lan và nguồn ngân sách đầu tư cho chính sách cấp bù, chúng ta không khỏi băn khoăn về sự lãng phí.
Còn nếu lập tức bỏ, các trường sư phạm sẽ hết sức khó khăn, chỉ tuyển được 40-50% chỉ tiêu là cùng”, ông Thám nói và đề xuất cần cần quy hoạch lại mạng lưới các trường sư phạm, khống chế chỉ tiêu rồi dần dần tiến đến việc bỏ cấp bù, tự chủ toàn diện.