Trong rất nhiều lí do để là ngành tiên phong XHH, có điều dễ nhận rõ nhất là đối tượng mà hai ngành này hướng đến ảnh hưởng tác động từng mái nhà, vào mỗi gia đình. Nguồn lực của một nước nghèo khó cáng đáng hết cũng như khó bao trọn gói các cơ sở hạ tầng cũng như hệ thống dịch vụ đi kèm cho chăm sóc sức khỏe cộng đồng cũng như khai mở dân trí. XHH hóa cũng là cách để thay đổi lối tư duy bao cấp xin cho, ỷ lại cũ xưa.
Nhiều lĩnh vực XHH thành công. XHH khiến cho người ta năng động và tự tin hơn để chung tay góp sức đỡ đần gánh nặng ngân sách. Những lợi ích được phân chia công bằng, sòng phẳng giữa tập thể, cá nhân, xã hội đã và đang được ghi nhận.
Thế nhưng, núp dưới danh nghĩa XHH, còn đó nhiều cá nhân, tập thể cố tình bóp méo, cố tình lách, cố tình lợi dụng để trục lợi cho bản thân cũng như cho một nhóm lợi ích.
Báo cáo giám sát của HĐND thành phố Hà Nội về việc thực hiện XHH trong bệnh viện công trên địa bàn đã hé lộ nhiều sự thật đáng suy ngẫm. Người ta dùng tài sản công từ nguồn ngân sách nhà nước để biến hóa thành các phòng điều trị dịch vụ; Người ta cố tình quên tính khấu hao tài sản góp vào để cứ thế “bình thản” tính gộp vào chi phí dịch vụ; Có nhiều cơ sở, đơn vị khoán trắng cho đối tác cung ứng vật tư, thuốc men, ăn uống; Lại có nơi cho đối tác gửi nhờ trang thiết bị chụp, soi, siêu chỉ để “đếm bệnh ăn tiền”.
Cái tỷ lệ ăn chia 70 của đối tác XHH, 30 của bệnh viện công gây nên hệ lụy “sống chết mặc bay tiền thầy bỏ túi”… Và chung quy, mọi gánh nặng chi phí ấy đều trút lên lưng người bệnh.
Ông Lê Văn Hoạt, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội bức xúc thốt lên rằng: XHH phải tập trung vào nhiệm vụ chính được giao chứ không phải là muốn mở thêm nhà hàng, quán bia thì mở!
Câu cảm thán ấy phần nào cho thấy sự méo mó biến tướng của XHH trong các bệnh viện công hiện nay. Và chắc chắn không chỉ riêng ở Hà Nội.