Méo mó 'sức mạnh' của phong bì

Giá trị bất di bất dịch của quà tặng phải là sự chân thành, trân trọng giữa người tặng và người nhận. (Ảnh minh họa: Học trò ở TPHCM tri ân thầy cô).
Giá trị bất di bất dịch của quà tặng phải là sự chân thành, trân trọng giữa người tặng và người nhận. (Ảnh minh họa: Học trò ở TPHCM tri ân thầy cô).
Nhiều phụ huynh có suy nghĩ đi quà 20/11 thầy cô bằng phong bì thì con mình sẽ được quan tâm, ưu ái hơn. Ít ai nhìn trực diện rằng - nếu điều đó có thật - cũng không hề tốt cho trẻ.

Khi tặng quà cho giáo viên của con ngày 20/11, không ít phụ huynh có mục đích rất rõ ràng: để con được thầy cô quan tâm, ưu ái. Việc phụ huynh đi quà thầy cô bằng “phong bì” phần lớn cũng xuất phát từ mong muốn này của phụ huynh.

Ít nhiều có hiện tượng giáo viên (GV) gợi ý, gây áp lực “quà cáp” cho phụ huynh nhưng chắc chắn đó là con số rất nhỏ so với việc phụ huynh chủ động, mong muốn tặng quà cho thầy cô giáo. Mà trong đó có rất nhiều người tặng quà thầy cô vì sợ con mình thua thiệt, tặng để con mình được ưu ái.

Vậy nhưng, “đi phong bì để con được quan tâm” có phải là một điều tốt cho con như phụ huynh vẫn tưởng?

Một GV ở dạy học ở quận 1, TPHCM chia sẻ, một nhà giáo tâm huyết, nhà giáo thật sự và xác định chọn nghề giáo - nghề không phải để kiếm tiền - họ sẽ chẳng bận tâm đến chuyện quà cáp, chẳng vì quà cáp mà đối xử thiếu bình đẳng với học sinh. Không thầy cô nào hạnh phúc khi nhận quà của phụ huynh đi kèm với thái độ “mua chuộc” hoặc xuất phát từ việc “phải tặng”.

Tặng quà xuất phát từ suy nghĩ sợ con không được quan tâm vì không tặng quà lại càng không nên. Vì nếu việc tặng quà tạo nên sự bất bình đẳng giữa các học trò với nhau thì chắc chắn việc con mình được quan tâm hơn không phải là cách giáo dục tốt và vô tình chúng ta giáo dục các em sống xem nặng và phụ thuộc vào vật chất.

GV nào có suy nghĩ vun vén tiền bạc từ phụ huynh trong những ngày lễ, xem đó như thước đo “đong đếm” tình cảm với học trò thì không đáng để phụ huynh phải cảm ơn, tri ân. Sự quan tâm đặc biệt từ một người thầy đối với học trò chỉ vì quà cáp của bố mẹ - liệu có phải là điều cần thiết cho đứa trẻ?

Hay nói một cách thẳng thừng, một người thầy chưa hoàn thiện về nhân cách mà quan tâm, ưu ai con bạn thì rằng, chỉ có hại cho đứa trẻ.

Nếu không xuất phát từ sự chân thành, tri ân thật sự, phụ huynh đừng tặng quà GV.

Khi đi phong bì cho GV với mục đích “mua chuộc”, phụ huynh cũng thường có tâm lý suy diễn, dán nhãn tiêu cực cho nhiều thầy cô giáo như: do thầy cô gợi ý, thầy cô nào chả thích phong bì… Đáng sợ nhất nhiều phụ huynh còn truyền suy nghĩ đó sang con trẻ có hại vô cùng.

Nhiều phụ huynh đang ảo tưởng về “sức mạnh” của tiền bạc, vật chất. Đâu chỉ chuyện quà cáp thầy cô, xin thưa nhiều vấn đề khác trong nuôi dạy con, hiện nay nhiều phụ huynh cũng dùng tiền, quà cáp để giải quyết như dùng tiền để “mua chuộc” con học, con làm việc nhà, mua quà để trẻ hết mè nheo, khóc nhè…

Ban giám hiệu nhiều trường học đã từng “tiếp” những phụ huynh lên phàn nàn GV nhận quà cáp nhưng… không quan tâm đến con mình.

Trong mắt một số phụ huynh, dường như lúc nào con mình cũng bị thua thiệt .Nhưng thay vì khích lệ sự nỗ lực, cố gắng của chính đứa trẻ, nhiều ông bố bà mẹ lại có xu hướng lấp đầy điều đó bằng sự bao bọc, bằng vật chất hay mong muốn trẻ được “ưu ái” từ người khác…

Chắc chắn đó không phải là điều một đứa trẻ cần cho cuộc sống của mình. Trẻ cần có một môi trường tình cảm chân thành, trân trọng chứ không phải môi trường “phong bì” đặt nặng quyền lực của đồng tiền lên trên hết!

Theo Hoài Nam

Theo Dân Trí
MỚI - NÓNG
Chưa có tiền lệ
Chưa có tiền lệ
TP - Chưa từng có nguyên thủ quốc gia nước ngoài nào tham dự lễ nhậm chức của tổng thống Mỹ, khiến lời mời của ông Donald Trump dành cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành chưa từng có tiền lệ. Lời mời này nhấn mạnh khuynh hướng của ông Trump về những cử chỉ gây ấn tượng mạnh nhằm tái định hình mối quan hệ hoặc thu hút sự chú ý toàn cầu.