KIỂM ĐIỂM TRÁCH NHIỆM ĐỊA PHƯƠNG
Ngày 31/5, UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) tỉnh phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể và xử lý theo quy định của pháp luật liên quan các vi phạm trong việc giao đất, cho thuê đất tại 5 dự án điện mặt trời (ĐMT) ở tỉnh này.
Nhà máy ĐMT Trung Sơn xây dựng chồng lấn đất rừng sản xuất của huyện Cam Lâm Ảnh: CÔNG HOAN |
Cụ thể, Sở TN&MT Khánh Hòa phải phối hợp với các cơ quan làm rõ việc: Giao đất, cho thuê đất của các dự án ĐMT không tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Giao và cho thuê đất chồng lấn quy hoạch rừng sản xuất, vượt diện tích theo quy định.
Các nhà máy ĐMT đang không tuân thủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gồm: Nhà máy ĐMT Long Sơn, Điện lực Miền Trung, Sông Giang, Ami Khánh Hòa và Trung Sơn. UBND tỉnh Khánh Hòa cũng chỉ đạo UBND các xã nơi có 5 dự án ĐMT nói trên tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc chưa kịp thời phát hiện, xử lý đối với việc các dự án này thi công trước thời điểm nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng.
5 dự án ĐMT nói trên đều được xây dựng trên một phần diện tích đất rừng sản xuất với tổng vốn đầu tư hàng triệu USD. Trong đó, Nhà máy ĐMT Long Sơn (ở xã Ninh Sơn, thị xã Ninh Hòa) có công suất 170MWp, tổng mức đầu tư 3.400 tỷ đồng do Công ty CP Năng lượng Long Sơn làm chủ đầu tư.
Dự án này được triển khai từ đầu tháng 7/2020 và chính thức đi vào vận hành ngày 12/12/2020. Hiện Công ty CP Năng lượng Long Sơn đang xin chủ trương đầu tư thực hiện giai đoạn 2 của dự án với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng trên diện tích sử dụng đất khoảng 125ha với công suất 120MWp.
Nhà máy ĐMT Long Sơn nằm trong danh sách thi công trước thời điểm Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cấp giấy phép xây dựng. Vì thế, UBND thị xã Ninh Hòa đã chỉ đạo UBND xã Ninh Sơn kiểm điểm, rút kinh nghiệm trong việc để dự án thi công trước khi được Nhà nước giao đất và cấp phép xây dựng.
Liên quan trách nhiệm của ngành điện tại 5 dự án ĐMT nói trên, lãnh đạo Công ty CP Điện lực Khánh Hòa (PC Khánh Hòa) cho biết, việc giao, cho thuê đất, rà soát dự án trước đây do các cơ quan chuyên môn của tỉnh tham mưu, cấp giấy phép đầu tư.
Về phía ngành điện, PC Khánh Hoà chỉ thực hiện trách nhiệm trong đấu nối sau khi các dự án ĐMT này đi vào hoạt động, trách nhiệm thẩm định đưa vào quy hoạch, còn cấp phép cho dự án hoạt động thuộc về EVN và Bộ Công Thương.
Bộ Công Thương được Kiểm toán Nhà nước nhắc tên
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) đã có văn bản gửi Bộ Công Thương liên quan đến kết quả kiểm toán chuyên đề đánh giá hiệu quả của chính sách ưu đãi và hỗ trợ về thuế, đất đai, bảo vệ môi trường cho phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo. Đợt kiểm toán này được thực hiện từ ngày 8/8 đến 21/9/2022 tại các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng, Ninh Thuận và Phú Yên.
Theo KTNN, ngày 7/12/2017, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 4559 phê duyệt quy mô công suất của dự án Nhà máy ĐMT Thuận Nam 19 vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015 công suất 49 MW (thay vì 49 MWp). Điều này làm tăng quy mô công suất của dự án lên 25% so với đề xuất trước đó của UBND tỉnh Ninh Thuận. Có 4 dự án được Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch có ranh giới trùng với một số quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh. Bộ Công Thương còn phê duyệt vị trí quy hoạch thực hiện dự án Nhà máy ĐMT Long Sơn và Trung Sơn (Khánh Hòa) có một phần diện tích trùng với quy hoạch rừng sản xuất với diện tích 54,5 ha và 8,6 ha.
KTNN xác định, Bộ Công Thương còn trình Chính phủ phê duyệt bổ sung dự án nhà máy điện gió và ĐMT xanh Sông Cầu (Phú Yên) vào quy hoạch điện VII điều chỉnh, khi một phần ranh giới quy hoạch dự án trùng với dự án trồng rừng phòng hộ ven biển tỉnh Phú Yên giai đoạn 2015-2020.
4 dự án ĐMT tại tỉnh Khánh Hòa có được hoạt động, phát điện hay không thuộc thẩm quyền của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) nhưng tại thời điểm đưa vào vận hành, các dự án này chưa có văn bản chấp thuận công tác nghiệm thu của cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên, 4 dự án này vẫn được phát điện đấu nối hòa vào lưới điện quốc gia.
Vì thế, KTNN đề nghị Bộ Công Thương kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý theo quy định những việc, vụ việc như: Phê duyệt quy mô công suất của dự án Nhà máy ĐMT Thuận Nam 19; Phê duyệt quy hoạch 4 dự án ĐMT tại tỉnh Ninh Thuận; Ban hành Văn bản số 7088 không phù hợp với Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ; Phê duyệt bổ sung quy hoạch vượt 14,5 ha dự án nhà máy ĐMT Phước Ninh; Phê duyệt quy hoạch dự án Nhà máy ĐMT Long Sơn và dự án ĐMT Trung Sơn; bổ sung Nhà máy ĐMT Miền Trung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015.
Bộ Công an thu thập hồ sơ dự án ĐMT tại Ninh Thuận
Ngày 31/5, ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, cho biết: UBND tỉnh Ninh Thuận đã giao Sở Công Thương tỉnh này chủ trì, phối hợp với các sở ngành liên quan cung cấp hồ sơ tại các dự án ĐMT cho cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an xác minh, điều tra theo thẩm quyền.
“Hiện tại, tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì cung cấp hồ sơ các dự án ĐMT cho cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an theo yêu cầu của Bộ Công an. Khi nào có kết luận của các cơ quan Trung ương, chúng tôi sẽ xử lý trách nhiệm những cá nhân và tập thể liên quan nếu có vi phạm liên quan đến việc phát triển ĐMT tại địa phương”, ông Nam cho hay.