Bài 1: Dự án “đổ bộ” đất rừng
Hàng chục héc-ta đất của tỉnh Khánh Hòa được quy hoạch là đất rừng sản xuất vẫn được các cơ quan chức năng địa phương cho doanh nghiệp làm dự án điện mặt trời. Vì thế, chủ đầu tư hàng loạt dự án điện mặt trời đua nhau thi công chui trước khi được giao đất, cho thuê đất.
Nhà máy điện mặt trời AMI Khánh Hòa xây dựng vượt diện tích Ảnh: CÔNG HOAN |
Đi khắp các huyện Cam Lâm, Diên Khánh, Vạn Ninh, thị xã Ninh Hòa và thành phố Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa, ở rất nhiều nơi, PV nhìn thấy các dự án nhà máy điện mặt trời (ĐMT) xây dựng tại đất rừng sản xuất. Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trong giai đoạn 2015 - 2021, tỉnh Khánh Hòa có 10 dự án năng lượng tái tạo được bổ sung, điều chỉnh quy hoạch với tổng công suất 605 MW. Trong số đó có 9 dự án ĐMT nối lưới được cấp giấy phép hoạt động điện lực, vận hành thương mại. Tuy nhiên, UBND tỉnh Khánh Hòa không tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch phát triển các nguồn điện năng lượng tái tạo cấp tỉnh, trình Bộ Công Thương phê duyệt. Những dự án đưa vào vận hành trong giai đoạn 2015- 2021 đều là dự án do nhà đầu tư đề xuất, được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và quy hoạch phát triển điện lực tỉnh.
Dự án Nhà máy ĐMT Long Sơn (thị xã Ninh Hòa) và Nhà máy ĐMT Trung Sơn (huyện Cam Lâm) là điển hình cho việc xây dựng chồng lấn lên đất rừng sản xuất. Tại Nhà máy ĐMT Long Sơn có 54,5 ha và Nhà máy ĐMT Trung Sơn có 8,6 ha trùng với quy hoạch rừng sản xuất. Theo kết luận số 640 vào tháng 12/2022 của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình Bộ Công Thương phê duyệt vị trí quy hoạch thực hiện dự án Nhà máy ĐMT Long Sơn và Trung Sơn có một phần diện tích trùng với quy hoạch 3 loại rừng được duyệt. Dù chưa được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và cấp phép xây dựng, nhưng chủ đầu tư 5 dự án (Nhà máy ĐMT Sông Giang, Long Sơn, Trung Sơn và Điện lực Miền Trung) đã cho thi công chui từ trước và UBND xã nơi có dự án chưa kịp thời phát hiện, xử lý.
Bất thường hơn, 4 dự án nhà máy ĐMT gồm: Nhà máy ĐMT Long Sơn, Nhà máy DDMT Điện lực Miền Trung, Nhà máy DMT AMI Khánh Hòa và Sông Giang thuộc thẩm quyền của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), nhưng tại thời điểm đưa vào vận hành thương mại, dự án chưa có văn bản chấp thuận nghiệm thu của cấp có thẩm quyền (quy định tại khoản 4, Điều 123, Luật Xây dựng 2014). Tuy nhiên, các dự án này vẫn được cho đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Bằng cách lạ lùng nào đó, đến thời điểm KTNN vào cuộc kiểm toán (từ ngày 8/8 đến ngày 17/9/2022), các dự án này đã được cấp có thẩm quyền ban hành thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dự án. Riêng dự án Nhà máy ĐMT Trung Sơn (thuộc phân cấp kiểm tra công tác nghiệm thu của Sở Công Thương Khánh Hòa) đã đi vào vận hành, hòa lưới điện từ ngày 24/12/2020. Thế nhưng hồ sơ cho thấy, đến tháng 8/2022 dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền kiểm tra, ban hành thông báo kết quả kiểm tra công tác nghiệm thu dự án. Trong khi đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt bổ sung dự án Nhà máy ĐMT Điện lực Miền Trung vào quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015. Tại thời điểm Bộ Công Thương phê duyệt (năm 2017) thì Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011 - 2015 đã hết chu kỳ thực hiện.
Giao đất, cho thuê đất vượt quy định
Không những cho xây dựng nhà máy ĐMT trên đất rừng, UBND tỉnh Khánh Hòa còn giao đất và cho thuê đất nhiều dự án điện mặt trời vượt quy hoạch sử dụng đất. Theo tài liệu của PV, Nhà máy ĐMT Điện lực Miền Trung (ở huyện Cam Lâm, do Tổng Công ty Điện lực miền Trung làm chủ đầu tư) đã lắp các tấm pin năng lượng ngoài ranh giới được Nhà nước giao đất, cho thuê đất ban đầu khoảng 2,75 ha. Đến thời điểm KTNN thực hiện kiểm toán, vị trí đất được tỉnh Khánh Hòa đồng ý hoán đổi vẫn chưa hoàn thành các thủ tục về đất đai theo quy định. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa còn cho thuê đất dự án Nhà máy ĐMT AMI Khánh Hòa (ở huyện Cam Lâm) vượt diện tích sử dụng đất 3.515,2 m2 (vượt quy định hay quy chuẩn, hay quy hoạch nào?). Sau khi các dự án năng lượng tái tạo được bổ sung quy hoạch, địa phương này mới điều chỉnh, bổ sung quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất.
Kết luận số 640 của KTNN nhận định, việc UBND tỉnh Khánh Hòa giao đất, cho thuê đất thực hiện các dự án điện năng lượng tái tạo chưa tuân thủ đầy đủ các quy định. Cụ thể, giao đất, cho thuê đất đối với 3 dự án (Nhà máy ĐMT Long Sơn, Trung Sơn và Điện lực Miền Trung) không có trong danh mục dự án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Vậy nhưng, các dự án này lại có trong quyết định điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, được UBND tỉnh phê duyệt. Việc giao đất, cho thuê đất không có trong danh mục dự án quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh còn xảy ra đối với dự án Nhà máy ĐMT AMI Khánh Hòa. Dự án Nhà máy ĐMT AMI Khánh Hòa và Sông Giang còn được giao đất, cho thuê đất chưa phù hợp với mục đích sử dụng đất tại quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng giao đất, cho thuê đất đối với các dự án năng lượng tái tạo ở huyện Cam Lâm vượt hạn mức theo quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh. Cụ thể, diện tích đất công trình năng lượng của huyện Cam Lâm trong quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh được phê duyệt theo Nghị quyết số 40/NQ-CP ngày 9/5/2018 của Chính phủ về điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (năm 2016 - 2020) của tỉnh Khánh Hòa là 48,5 ha. Trên thực tế, UBND tỉnh Khánh Hòa đã giao đất, cho thuê đất đối với các dự án điện mặt trời trên địa bàn huyện Cam Lâm lên đến 141 ha.
Chia nhỏ dự án để miễn giấy phép
Kết luận 640 của KTNN cũng phát hiện việc nhiều dự án điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) ở Khánh Hòa được xây dựng trên cùng một mảnh đất, địa điểm được chia nhỏ công suất dưới 1 MW để tránh làm thủ tục phê duyệt quy hoạch và miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực… Chẳng hạn, hai dự án trang trại điện mặt trời (công suất 993,6 và 999,8 KWp) của Công ty TNHH Năng lượng sạch và Công ty TNHH Năng lượng xanh Ninh Hoà cùng triển khai tại thôn Phước Lâm, xã Ninh Xuân, thị xã Ninh Hoà. Quyết định số 13/2020 của Thủ tướng Chính phủ không quy định trường hợp nhiều hệ thống ĐMTMN triển khai lắp đặt trên cùng một địa điểm. Vì thế, các nhà đầu tư đã lợi dụng nhằm chia nhỏ ĐMTMN thành nhiều hệ thống có công suất dưới 1 MW, tránh phải làm thủ tục phê duyệt quy hoạch và giấy phép hoạt động điện lực.