Mẹo bảo quản thực phẩm Tết tươi ngon mà không hại sức khỏe

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày Tết nhà nào cũng dự trữ rất nhiều thực phẩm, từ đồ sống đến đồ nấu chín và thường để chung trong tủ lạnh rất dễ gây hại cho người dùng. Tham khảo những mẹo bảo quản dưới đây để giúp gia đình bạn có những bữa ăn ngon miệng, đảm bảo sức khỏe.

Tết đến, nhà nào cũng sắm và dự trữ khá nhiều thức ăn. Vậy nên một trong những quan tâm hàng đầu của các gia đình đó là việc bảo quản thực phẩm sao cho thật tốt, không dễ bị hỏng, thiu.

Cùng tham khảo mẹo vặt để bảo quản thực phẩm lâu hơn, không bị mất chất, không bị ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tránh lãng phí.

Bánh chưng

Bánh chưng cần để nơi khô thoáng, không bụi bặm, ẩm thấp là có thể giữ và dùng trong thời gian lâu hơn.

Nhiều người cho rằng, bánh chưng không nên bảo quản trong tủ lạnh vì dễ bị lại gạo (cứng). Nhưng nếu thời tiết nóng thì có thể bảo quản vào ngăn mát tủ lạnh, ăn đến đâu cắt đến đó, phần còn lại thì dùng màng bọc thực phẩm bọc kín lại.

Lưu ý khi lấy bánh trong tủ lạnh ra cần luộc, hấp lại hoặc rán trước khi ăn. Nên hạn chế rán bánh vì như vậy đã làm tăng thêm lượng chất béo (dầu/mỡ) vào trong khẩu phần ăn hàng ngày không có lợi cho sức khỏe.

Để bánh chưng không bị mốc, bạn có thể gói bánh chưng trong giấy báo rồi để nơi khô mát. Khi bánh hơi có dấu hiệu mốc vỏ ngoài, bạn hơ ngay lên bếp gas nóng.

Giò/chả

Giò, chả là thực phẩm dễ ôi thiu nhất, bạn có thể bảo quản được 5 - 7 ngày trong ngăn mát, ngăn cấp đông mềm của tủ lạnh, khi dùng chỉ cần cắt ra ăn trực tiếp.

Ngoài ra, bạn cũng cho được chả vào ngăn đông sẽ bảo quản được lâu hơn (nửa tháng đến 1 tháng), tuy nhiên sau khi rã đông nên luộc, hấp, chiên, rán lại trước khi ăn để giò chả đảm bảo được độ dai, giòn như ban đầu.

Nếu không bạn có thể bảo quản nơi khô thoáng, bạn bỏ lớp vỏ ngoài và đậy bằng rổ thoáng, tránh gió. Cách này chỉ nên sử dụng trong vòng 1-2 ngày (tùy vào thời tiết nắng nóng hay lạnh).

Cách bảo quản nem rán, chả giò

Ngày Tết thường bận rộn, bạn có thể gói trước nem rán (chả giò) trước tết rồi trữ đông trong ngăn đá tủ lạnh và lấy ra dùng dần.

Khi gói xong, bạn lấy nem xếp vào một cái khay rộng, nhớ giữ khoảng cách để nem không dính vào nhau. Sau đó, cho khay vào ngăn đá tủ lạnh và cấp đông khoảng 40 phút đến khi nem cứng rồi lấy ra xếp nem vào hộp đậy kín, bỏ lại vào ngăn đông của tủ.

Với cách này, việc lấy nem ra chiên rất dễ dàng, nem không dính vào nhau, khi chiên sẽ đẹp hơn. Có thể bảo quản nem đến 2 tuần liền.

Lạp xưởng

Lạp xưởng khô không nên bảo quản trong tủ lạnh vì mỡ trong lạp xưởng sẽ dễ đông lại và ăn không ngon. Bạn nên bảo quản lạp xưởng trong thùng gạo hoặc bỏ trong hộp, rổ... và đặt một chén rượu vào giữa, mùi rượu sẽ đuổi ruồi kiến mà vẫn giữ được lạp xưởng tươi ngon.

Lạp xưởng tươi thì nên bỏ ngăn mát tủ lạnh, còn nếu muốn để lâu bạn có thể để ngăn đông dùng được tới 1 tháng đấy nhé!

Mỗi lần ăn bạn chỉ nên lấy ra 1 lượng vừa đủ rồi đem chế biến trong ngày, không nên bỏ lại tủ lạnh sau khi đã chế biến sẽ làm lạp xưởng bị khô, mất mùi thơm.

Dưa hành, củ kiệu

Khi cắt gốc, nhớ không cắt vào phần củ. Sau khi rửa để củ thật ráo nước, nếu không sẽ dễ bị hỏng. Đun sôi thật kỹ nước ngâm. Lượng muối vừa đủ, không quá nhạt thì sẽ để được lâu và không nổi váng trên bề mặt. Có thể mang cả vại dưa hành ra phơi nắng, dưa sẽ giòn và bảo quản được lâu hơn.

Các loại mứt

Các loại mứt thường chứa nhiều đường nên rất dễ bị chảy nước và nấm mốc. Muốn bảo quản mứt lâu hơn, chúng ta nên cho vào lọ hoặc túi nilon, phủ một lớp đường trắng lên trên (để hút ẩm bên trong) và gói kín lại.

Khi ăn, các bạn chỉ nên lấy ra một lượng nhỏ, tránh dồn những phần mứt còn thừa trở lại túi hay lọ. Đối với loại thực phẩm này, bạn không nên cho vào tủ lạnh vì khi bỏ ra ngoài sẽ hút ẩm, tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Rau, củ

Khi mua các loại rau, củ, chúng ta nên chọn những sản phẩm còn tươi, có màu sắc tự nhiên, không dập nát, héo úa hay có mùi lạ...

Rau, củ sau khi mua về, các bạn nhặt bỏ những phần bị héo úa, rửa sạch, để ráo nước và cho vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Chúng ta có thể bọc lại bằng giấy báo hoặc túi nilon để giữ cho thực phẩm không bị mất nước và tươi lâu hơn.

Đối với các loại rau, củ như bắp cải, cải thảo, cà chua, cà rốt, khoai tây… sau khi mua về, các bạn có thể để ở nơi thoáng mát là có thể bảo quản chứ không nhất thiết phải cho vào tủ lạnh. Đối với cách này, các bạn không cần phải rửa trước mà chỉ khi nào chế biến mới cần rửa.

Trái cây

Trái cây là thực phẩm giúp cân bằng lượng chất đạm và chất béo trong ngày tết nên sẽ được dự trữ nhiều trong tủ lạnh. Tuy nhiên bạn nên biết cách lựa chọn hoa quả và bảo quản chúng trong những ngày Tết.

Ưu tiên chọn những quả còn cuống, tươi, màu tự nhiên, không bị dập nát..

Khi bảo quản trong tủ lạnh, bạn nên để riêng rau củ và hoa quả, nếu bị hư sẽ không lây qua loại kia. Chỉ nên cắt, gọt vỏ trái cây vừa đủ dùng trong 1 bữa, không nên gọt quá nhiều sẽ làm quả bị thâm đen, héo, mất chất.

Thực phẩm tươi sống

Thịt, cá tươi sống khi mua về cần được bảo quản ở ngăn đá để có thể giữ được lâu ngày. Cần làm sạch trước khi cho những thực phẩm này vào hộp, bịch nilông, sau đó buộc kín và cất vào ngăn đá.

Khi cần chế biến món ăn nào thì lấy ra rã đông và sử dụng. Sau khi rã đông, thức ăn cần nấu hết.

Lưu ý: Bạn nên để riêng thức ăn sống và thức ăn nấu chín trong những hộp riêng biệt. Bảo quản kín như vậy giúp thức ăn không bị khô, không bị bốc mùi, không lây nhiễm vi khuẩn sang các món ăn khác.

MỚI - NÓNG
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
Chủ tịch Hà Nội Trần Sỹ Thanh chỉ đạo giải quyết kiến nghị về sổ đỏ của 500 hộ dân Sóc Sơn
TPO - Về việc 500 hộ gia đình có nhu cầu cấp chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng nhiều năm chưa thể thực hiện do vướng điều chỉnh quy hoạch Sân bay Nội Bài, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các cơ quan liên quan rà soát lại các quy định, sớm giải quyết theo hướng đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.