Giúp việc ăn cắp vặt, cư xử như "bà chủ"
Trong một tháng, Nguyễn Việt Mỹ (29 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã thay liên tiếp 4 người giúp việc. Chị thừa nhận gặp khó khăn khi tìm người thích hợp chăm sóc cặp sinh đôi hơn 2 tuổi.
"Thời đại này, chủ nhà phải nhịn và chiều người giúp việc, vì họ không hề sợ thất nghiệp", chị nói.
Người đầu tiên đồng hành với gia đình Việt Mỹ từ ngày hai em bé chào đời, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Khi trẻ được 21 tháng tuổi, người này xin nghỉ, nói chuyển về sống hẳn ở quê.
Do hai đứa trẻ đã đi học, chị Mỹ thử tìm giúp việc theo giờ, từ chiều đến sáng hôm sau. Hai người lần lượt đến ứng tuyển, nhưng chỉ được một tuần và một tháng, hoặc không đáp ứng công việc, hoặc không có kinh nghiệm, nên nghỉ việc.
Nhiều chủ nhà than nhịn giúp việc như "nhịn cơm sống" (Ảnh: Thế Hưng). |
Hết cách, chị tìm đến một trung tâm môi giới giúp việc với mức phí 1,5 - 2 triệu đồng. Đơn vị này cho phép khách hàng "đổi - trả" 4 nhân viên/tháng nếu không ưng ý.
"Cô giúp việc nấu ăn ngon, chăm chỉ, cẩn thận, biết việc, nhưng… ghê gớm, có cá tính", Mỹ kể.
Mỗi lần chủ nhà đưa ra yêu cầu, nếu không thích, cô giúp việc sẽ từ chối làm. Kết thúc công việc buổi tối, cô này ngồi bấm điện thoại với lý do "làm đến 21h là nghỉ", để hai vợ chồng Việt Mỹ tự chăm con ngủ.
Người phụ nữ còn yêu cầu lương tháng 13, có 24 ngày phép/năm, gấp đôi so với người lao động. Biết là những điều khoản vô lý, nhưng Việt Mỹ nói phải nhịn người giúp việc như "nhịn cơm sống".
"Sau 2 tuần, cô này xin nghỉ, nói vào miền Nam chăm con, hứa hẹn sẽ quay lại, nhưng mất hút", chị ngán ngẩm. Trung tâm tiếp tục gửi đến giúp việc mới, nhưng được 3 ngày, người này cũng "bỏ của chạy lấy người", không nhận tiền công.
Nhiều gia đình gặp khó khăn tìm người giúp việc chăm trẻ (Ảnh: Hồng Thanh). |
Từ 10 năm nay, gia đình chị Hồng Thanh (40 tuổi, quận 3, TPHCM) đã thuê người giúp việc. Ban đầu, chị thuê cô hàng xóm làm một số việc vặt và nấu ăn 3 tiếng/ngày. Về sau, do bận việc riêng, cô xin nghỉ, chị Thanh phải đổi người.
Người mới nhiệt tình và cẩn thận, nhưng khoảng 2 năm sau, tính cách như khác hẳn: qua loa, thậm chí cãi lời chủ. Người thứ 3 tuy nhanh nhẹn, sạch sẽ, nhưng mắc thói… ăn cắp vặt.
"Phát hiện nhà thường xuyên mất tiền và vàng, ước tính 40 - 50 triệu đồng, tôi lắp camera thì phát hiện thủ phạm là người giúp việc", chị Thanh kể.
Trước đó, chị từng chứng kiến người giúp việc nhà hàng xóm cũng ăn trộm vàng của chủ nhà, rồi dựng hiện trường giả. Công an đến nơi liền nhận ra ngay thủ đoạn, người đó bị bắt và chịu phạt tù.
Không còn tin tưởng thuê giúp việc qua người quen, chị tìm đến ứng dụng môi giới trực tuyến. Trong số 5 - 6 người thử việc, chủ nhà chọn được một người thích hợp làm định kỳ lâu dài với mức giá 85.000 đồng/giờ.
Người này chỉ cần lau dọn nhà cửa 2 - 3 tiếng/ngày trong 2-3 ngày/tuần, không nấu ăn, không chăm bé. Tật xấu duy nhất là… thích "tám chuyện".
"Khi tôi sinh con, hành trình thuê bảo mẫu chăm trẻ còn gian nan hơn gấp trăm lần", người phụ nữ than thở.
Để tìm người chăm con gái đầu lòng, chị Thanh đưa ra một số tiêu chí khắt khe: sạch sẽ, tận tâm, có kinh nghiệm, kiên nhẫn và yêu thương trẻ.
Thời gian đầu, chị thuê bảo mẫu theo giờ, từ 8h - 17h, với mức lương 7 triệu đồng/tháng. Nhiều người đến ứng tuyển, nhưng không ai trụ được quá một tháng.
"Người thì than mệt, người thì đưa võng cho trẻ, cháu chưa ngủ mà bà đã ngủ", chị Thanh tâm sự.
Về sau, chị chuyển sang tìm bảo mẫu ở lại nhà, tăng lương lên 9 triệu đồng/tháng. Đỉnh điểm bức xúc là khi nhiều người đòi hỏi: "có phòng riêng ngủ lại", "không làm cho gia đình có ông bà ngoại, đông người", "một tháng phải nghỉ 1 - 2 ngày về quê".
"Do không tìm được người phù hợp, tôi nhờ mẹ của bạn thân chăm con hộ. Khi cô ấy đồng ý, tôi như trút được gánh nặng. Tôi giao con cho cô hoàn toàn, yên tâm đi làm", chị Thanh chia sẻ.
Nhiều giúp việc cư xử như "bà chủ" (Ảnh minh họa: Pexels). |
Trong khi đó, Việt Mỹ nói không phó mặc con hoàn toàn cho người giúp việc. Ngày trước, chị hài lòng khi cô giúp việc nấu ăn chuyên nghiệp, hai con ăn ngon miệng. Một lần, người mẹ nếm thử suất ăn của con, phát hiện bên trong có nhiều hạt nêm, không tốt cho sức khỏe của trẻ.
"Từ hôm đó, tôi là người nấu chính, còn người giúp việc chỉ sơ chế thực phẩm", chị cho hay.
"Thuê giúp việc thì nhàn chân tay, nhưng mệt cái đầu"
Trao đổi với phóng viên Dân trí, đại diện một công ty chuyên cung cấp dịch vụ giúp việc cao cấp ở TPHCM cho biết các trung tâm, ứng dụng trực tuyến cho thuê giúp việc "nở rộ" những năm gần đây.
Những người giúp việc được tuyển chọn kỹ càng, có kinh nghiệm, được đào tạo bài bản, nhân thân lý lịch rõ ràng. Các trung tâm sẽ niêm yết thông tin, hình ảnh của người lao động lên website để khách hàng lựa chọn.
Thông thường, người giúp việc làm việc theo giờ hoặc ở lại, với các nhiệm vụ: dọn dẹp nhà cửa, đi chợ, nấu ăn, giặt quần áo, chăm bé, người già hoặc người ốm.
"Tìm người giúp việc không phải chuyện dễ dàng. Có gia đình sẽ tìm được ngay trong lần đầu nhưng cũng có gia đình tìm 3 - 4 người mới chọn được một người thực sự phù hợp", vị đại diện nói.
Chủ nhà than vãn thuê giúp việc thì nhàn chân tay, nhưng mệt cái đầu (Ảnh minh họa: Pexels). |
Việt Mỹ nhận ra các trung tâm môi giới đều có "mánh khóe" riêng. Họ thường gửi đến nhà khách hàng người giúp việc đầu tiên rất tốt, giỏi nghiệp vụ. Nhưng đến ngày thứ 7, người này đưa ra lý do "bất khả kháng" để xin nghỉ mà chủ nhà không thể từ chối. Trong khi đó, chất lượng của những người đến sau không thể bằng người đầu tiên.
May mắn hơn Việt Mỹ, ngay lần đầu tìm đến trung tâm môi giới giúp việc, chị Hoa (37 tuổi, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đã tìm được người thích hợp chỉ sau 1 - 2 tiếng.
Người này đáp ứng hai tiêu chí chị đặt ra: cùng quê và không ràng buộc gia đình. Mức lương khởi điểm là 5 triệu đồng/tháng, nhiệm vụ là chăm sóc và nấu ăn hàng ngày cho cụ bà hơn 80 tuổi.
"Tinh thần mẹ tôi không tốt, đôi khi như một đứa trẻ và hờn dỗi, nên thực sự cần một người giúp việc biết quan tâm", chị Hoa nói.
Tuy nhiên, từ ngày người giúp việc sống trong nhà, chị thấy chân, tay mẹ thâm tím nhiều chỗ. Khi được hỏi, người này thản nhiên nói: "Không biết". Do không có camera, lại không có người nhà giám sát, chị ấm ức không thể trách tội người giúp việc.
Có lần, chị chứng kiến người làm ăn vụng, nhưng phải cố nhịn để tránh mâu thuẫn, "sợ bà ấy đối xử không tốt với mẹ". Để "trị" giúp việc đòi về quê nhiều lần, chị đưa ra quy định mỗi năm chỉ nghỉ phép 12 ngày, nếu vượt quá sẽ bị trừ lương.
"Đúng là thuê giúp việc thì nhàn chân tay, nhưng mệt cái đầu", chị Hoa chia sẻ.
Còn Việt Mỹ hay Hồng Thanh cũng nhiều lần "quay cuồng" trong những chiêu trò "tai quái" của người giúp việc. Họ nói không còn cách giải quyết nào khác ngoài chịu đựng và nhẫn nhịn, nếu muốn người giúp việc làm việc lâu dài, gia đình không bị xáo trộn.
Link gốc: https://dantri.com.vn/doi-song/me-tre-ha-noi-than-troi-giup-viec-tai-quai-nhung-phai-nhin-nhu-com-song-20230606201624647.htm