Mẹ hiền của trẻ vùng cao

Cô giáo Lò Thị Chiển có 4 năm gắn bó các em nhỏ vùng cao Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ, Điện Biên).
Cô giáo Lò Thị Chiển có 4 năm gắn bó các em nhỏ vùng cao Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ, Điện Biên).
TP - Cô giáo Lò Thị Chiển, SN 1985, là một trong 9 cá nhân xuất sắc nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia năm 2015. Suốt 4 năm nay, cô lặng thầm gắn bó với vùng cao xã Nậm Khăn (huyện Nậm Pồ, Điện Biên) cách nhà hơn 320 km để dạy chữ cho con em đồng bào người Mông.

Trẻ khóc toàn gọi “cô giáo ơi”

Trong bộ trang phục truyền thống và mái tóc vấn tằng cẩu của người Thái, cô giáo Chiển nổi bật trên sân khấu nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2015, do T.Ư Đoàn và Chương trình Tình nguyện Liên Hiệp Quốc phối hợp tổ chức. Đây là lần thứ hai, cô giáo Chiển về Hà Nội nhận giải thưởng. Trước đó là Lễ tuyên dương Giáo viên cắm bản vùng cao trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô”.

Đến giờ, cô Chiển vẫn bâng khuâng nghĩ về ngày nhận quyết định công tác tại Trường Mầm non Nậm Khăn, huyện Nậm Pồ (trước thuộc huyện Mường Chà). “Nhà tôi tận huyện Quỳnh Nhai (Sơn La), cách nơi công tác mới hàng trăm cây số. Một phần vui sướng vì ước mơ làm giáo viên đã thành hiện thực, phần khác lại lo lắng vì chồng thường xuyên ốm đau, con còn nhỏ. Nhưng, được sự động viên, chia sẻ của gia đình, cùng tình yêu nghề, mến trẻ, tôi quyết định đến Nậm Khăn”, cô Chiển kể.

Sau khi đến nơi công tác, cô Chiển cùng một nữ đồng nghiệp được phân công giảng dạy tại một điểm trường lẻ cách xa trường chính. “Khi đó là tháng tư, trời thường có những cơn mưa bất chợt, đường đi lầy lội,  đi bộ hết 4 tiếng mới vào đến điểm trường. Vào đến nơi, lớp học là một nhà tạm, không điện, không nước, sóng điện thoại cũng không. Trời đã nhá nhem tối nên phải vào nhà dân xin ngủ nhờ”, cô kể.

Buổi lên lớp đầu tiên, đứng trong căn nhà tạm xiêu vẹo, bàn ghế ọp ẹp, cô giáo trẻ không khỏi chạnh lòng khi học sinh lưa thưa, khuôn mặt cháu nào cũng lấm lem bùn đất. Học sinh chủ yếu là người Mông ngơ ngác khi cô giáo nói tiếng Kinh. Những ngày đầu, cô giáo như diễn viên múa khi vừa giảng bài vừa dùng tay, chân và nét mặt để phụ họa diễn đạt cho trẻ hiểu. Để khắc phục khó khăn về văn hóa, ngôn ngữ, cô giáo Chiển tìm hiểu phong tục tập quán, lối sống và học tiếng nói của đồng bào vào những khoảng thời gian rảnh rỗi.

Cả điểm trường có 31 học sinh, nhưng để đảm bảo sĩ số, cô Chiển phải dậy sớm cuốc bộ đến từng nhà vận động phụ huynh và đón trẻ đến lớp. Từ lúc sương sớm còn là là mặt đất cho đến khi chiều tối đen mặt người, các cô giáo ngoài dạy chữ còn thay các phụ huynh nấu cơm cho trẻ ăn, cho trẻ ngủ. “Ở  đây đồng bào lên nương làm từ rất sớm và đến chiều muộn mới về, có khi hơn 6 giờ chiều mới đến đón trẻ. Cả ngày ở bên cô giáo, nhiều em lại đến lớp từ bé nên khi khóc toàn gọi: Cô giáo ơi!”, cô Chiển kể. Cuối tuần, các cô lại tranh thủ đến điểm trường trung tâm làm sổ sách và mua thực phẩm đủ cho cô trò trong một tuần tiếp theo.

Vì ngày mai tươi sáng

Không chỉ vượt qua những khó khăn trong công tác giảng dạy, cô Chiển và đồng nghiệp còn phải khắc phục những điều kiện sống nghèo khó, cách trở về giao thông, liên  lạc. Để có thể nghe được tiếng người thân và con nhỏ 5 tuổi, các cô phải treo điện thoại lên cây cao 3-4m hứng sóng rớt và nói chuyện bằng tai nghe. Các cô còn làm một chiếc chòi nhỏ trên cây che mưa nắng cho điện thoại khỏi hỏng. Sóng chập chờn, lúc được lúc mất. Cô Chiển cho hay, trong một năm học chỉ về thăm chồng con vào dịp tết và hè. Nhiều lúc chồng con ốm đau cũng không có thời gian để về chăm sóc, muốn gọi điện hỏi thăm cũng khó. “Nhiều khi tôi tự trách bản thân là một người mẹ, người vợ, người con nhưng chưa bao giờ làm tròn trách nhiệm của mình”, cô Chiển tâm tư.

Những tình cảm nhớ nhung được cô Lò Thị Chiển dồn lại dành cho học trò và mong chăm sóc cho các em tốt hơn, mau khôn lớn. “Đất bén duyên người”, tôi càng thấy thêm yêu thương những đứa trẻ nơi đây vì sự hồn nhiên, ngây thơ của các cháu và cả sự thiếu thốn, khốn khó của cuộc sống mà các em phải chịu”, cô chia sẻ. Hỏi về mơ ước bản thân, cô Chiển chỉ mong trường Nậm Khăn sẽ có điện, nước, sóng điện thoại và đường sá thuận tiện hơn. 

Luôn tận tụy với công việc trong 3 năm công tác, cô giáo Chiển luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ và đã đạt danh hiệu lao động tiên tiến, giáo viên dạy giỏi cấp trường.

Cả điểm trường có 31 học sinh, nhưng để đảm bảo sĩ số, cô Chiển phải dậy sớm cuốc bộ đến từng nhà vận động phụ huynh và đón trẻ đến lớp. Từ lúc sương sớm còn là là mặt đất cho đến khi chiều tối đen mặt người, các cô giáo ngoài dạy chữ còn thay các phụ huynh nấu cơm cho trẻ ăn, cho trẻ ngủ. 

MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.