Mẹ chồng đòi quản lý tiền bạc của con

Mẹ chồng đòi quản lý tiền bạc của con
Vợ chồng em đi làm về có bao nhiêu lương phải nộp cho mẹ chồng hết, thậm chí tiền ăn sáng đôi khi cũng phải xin bà.

Em 26 tuổi, chồng 27, kết hôn được 2 năm. Chồng em là người hiền lành và sống có trách nhiệm với cả hai bên gia đình. Em buồn một nỗi là mẹ chồng khá khó tính, bà muốn quản lý hết tiền bạc của vợ chồng em với lý do hai đứa còn trẻ nên chưa biết cách chi tiêu.

Nhiều khi em nói chuyện nhưng chồng lại bênh mẹ, cái gì anh cũng nghe lời mẹ, từ việc mua đồ đạc đến mọi thứ. Em nghĩ cứ thế này em sẽ không thể chịu được lâu mất vì em thấy mình chẳng có vị trí gì trong mắt anh ấy. Em nên làm gì để chồng em thay đổi? (Quỳnh)

Mẹ chồng đòi quản lý tiền bạc của con ảnh 1

Ảnh minh họa: Informationng.com.

Trả lời:

Khi bước vào cuộc hôn nhân, ai cũng có nhiều hy vọng vào một cuộc sống mới nhưng thực tế không phải lúc nào mọi thứ cũng hoàn hảo như mình mong đợi. Vì vậy, lúc này em sẽ cảm thấy mọi thứ như đang vượt quá sức chịu đựng của mình khi cuộc sống giống như đang bị kiểm soát, mong em hãy bình tĩnh để vượt qua mọi chuyện.

Về phía chồng em: Lúc này hẳn là em đang nhìn nhận rất tiêu cực về anh ấy nhưng ở góc độ khác, em có thấy chồng mình cũng là người đàn ông tốt và hiếu thảo, biết lo lắng quan tâm tới tất cả mọi người bên nội ngoại? Nếu như anh ấy là người sống có trách nhiệm thì việc anh không dám làm mất lòng mẹ mình là có thể hiểu được. Theo những gì em nói thì chồng em lại nghe lời mẹ trong tất cả mọi việc, kể cả chuyện phải nộp toàn bộ tài chính cho bà quản lý.

Để có sự nhìn nhận một cách chính xác, em cần thận trọng, không vội vàng quy chụp dẫn tới hiểu lầm và có những hành động đáng tiếc. Em hãy cố gắng tâm sự nhiều hơn, tìm hiểu thật kỹ về các mối quan hệ quanh chồng mình để hiểu anh ấy hơn. Có thể từ trước đến nay anh ấy quen có sự kiểm soát của mẹ nên không dám phản đối dù không muốn vậy, hay lúc nào anh ấy cũng coi ý kiến của mẹ là trên hết?

Lúc này đòi hỏi em sự tế nhị kín đáo. Em cần lựa chọn thời điểm để chia sẻ những lo lắng của mình với anh ấy, trao đổi cởi mở với nhau cũng là cách giúp em và anh ấy hiểu nhau hơn. Nếu trong trường hợp anh ấy quen bị mẹ áp đặt mọi thứ từ nhỏ thì việc thay đổi thói quen cần có thời gian và cần có sự tác động. Ít nhất em hãy giúp anh ấy hiểu rằng đây là thời điểm vợ chồng cần độc lập hơn. Thậm chí việc các em tự quyết định về cuộc sống cũng như tài chính của mình chính là cách để các em học được cách độc lập và trưởng thành hơn. Hơn hết, không vì điều gì mà làm cho tình cảm của cả hai bên bị sứt mẻ.

Em nên bàn bạc với anh ấy nếu trong thời điểm này cả hai vẫn chưa được giữ lương thì xem xét những khoản nào cần phải chi tiêu cố định trong tháng, ví dụ tiền cưới hỏi ăn uống hay đi gặp gỡ bạn bè… Các em sẽ trao đổi với mẹ là cho giữ lại khoản tiền đó, còn lại thì nhờ bà giữ hộ. Em cũng không nên phủ định vai trò của mẹ chồng đối với anh ấy và đối với em, bà vẫn là người quan trọng với chồng em và với cả em nữa. Con người không có ai là hoàn hảo cả, và biết chấp nhận ở điểm nào đó sẽ giúp em và anh ấy hòa hợp với nhau hơn.

Về phía mẹ chồng: Các em mới lấy nhau được 2 năm và đang ở những giai đoạn đầu của hôn nhân. Có thể chồng em không phải là người quyết đoán hoặc từ trước tới nay chưa biết cách quản lý chi tiêu trong gia đình nên mẹ anh ấy sẽ cảm thấy lo lắng và muốn giữ tiền cho các em. Nếu trong trường hợp bà chỉ giữ hộ sau này các em cần bà sẽ đưa cho thì không có vấn đề gì, tất nhiên là vẫn có những điều bất tiện khi các em có những việc lớn cần phải chi tiêu.

Em hãy cố gắng tìm hiểu những thói quen sinh hoạt giao tiếp từ các thành viên khác trong gia đình chồng, thông thường một cá nhân sẽ chịu ảnh hưởng rất nhiều từ môi trường giáo dục gia đình. Nếu hiểu được mọi người, em sẽ có câu trả lời cho những điều đang khúc mắc ở hiện tại. Đừng vì cách ứng xử của bà mà em có thái độ tiêu cực, như vậy em sẽ chỉ làm cho mọi việc trở nên trầm trọng hơn mà thôi. Bởi nhìn theo chiều hướng tích cực thì mẹ chồng em cũng là người mẹ tận tụy luôn lo lắng cho con cái mình.

Hãy thử quan tâm chia sẻ nhiều hơn với mẹ chồng, xây dựng mối quan hệ tốt với bà. Khi em có được tình cảm của mẹ chồng thì lúc đó em sẽ có cơ hội trao đổi với bà mong muốn của mình mà không bị hiểu lầm. Khi mối quan hệ mẹ chồng - nàng dâu được cải thiện hơn thì em sẽ càng được chồng yêu thương trân trọng hơn.

Chúc em sớm giải quyết được vấn đề của mình.

Chuyên viên tư vấn Vũ Ánh Tuyết
Trung tâm tư vấn tình cảm Linh Tâm

Theo VnExpress
MỚI - NÓNG