Ghi tại sở chỉ huy tiền phương Phú Quốc
Sáng 10/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông - vận tải Phạm Quý Tiêu dẫn đầu đoàn công tác của Bộ Giao thông - vận tải đã tới sân bay quốc tế Phú Quốc nhằm chỉ đạo thành lập Sở chỉ huy tiền phương tại đây và chuẩn bị các phương án phục vụ điều tra. Theo đó Sở chỉ huy tiền phương sẽ đóng tại Đài kiểm soát không lưu của sân bay Phú Quốc.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu đã yêu cầu các lực lượng phải đáp ứng tốt nhất tàu thuyền và máy bay phục vụ cho công tác tìm kiếm, cứu nạn. Chuẩn bị phương án từ tìm kiếm qua cứu hộ, cứu nạn. Nhiên liệu cho các máy bay, kể cả máy bay của nước ngoài nếu có, phải sẵn sàng. Giám đốc sân bay Phú Quốc có quyền chi xuất sau đó tính toán sau. Vấn đề an ninh sân bay cũng phải được tăng cường. Hiện sân bay Phú Quốc đã tăng mức báo động một.
UBND huyện Phú Quốc phải lo tất cả các khâu tổ chức khi quan khách quốc tế, thân nhân gia đình những người bị nạn, báo chí… đổ dồn về Phú Quốc. Ngay từ bây giờ phải tính toán cả phương án nơi để và bảo quản thi thể nạn nhân nếu trường hợp xấu nhất xảy ra. Phải thành lập ngay một tổ công tác y tế đặc biệt. Tóm lại, mọi tình huống phải được đặt ra để ứng cứu khi tình huống xấu nhất xảy ra. Các mảnh vỡ máy bay khi vớt được sẽ giao cho sân bay Phú Quốc quản lý nghiêm ngặt nhằm phục vụ công tác điều tra. Lực lượng của sân bay cũng phải được điều động tăng cường, trong đó ưu tiên những người thông thạo tiếng Anh.
Chiều cùng ngày, Thứ trưởng Bộ GT-VT Phạm Quý Tiêu cùng lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã trực tiếp thị sát vùng biển nghi vấn chiếc máy bay bị nạn trên chiếc Thủy phi cơ DH-C6, do cơ trưởng Steve Staclchouse điều khiển.
Máy bay tuần thám CASA 212 vào cuộc
4 giờ chiều ngày 10/3 hai chiếc máy bay tuần thám CASA 212 mà nhiều người trông đợi, trong đó có đông đảo nhà báo Việt Nam và quốc tế đã hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất sau hành trình dài từ sân bay Gia Lâm, Hà Nội, hạ cánh tiếp dầu tại sân bay Đà Nẵng trước khi hạ cánh tại Sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM.
Theo đại tá phi công Lê Khiêm Toàn, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn không quân 918 đồng thời là cơ trưởng chiếc CASA 212 số hiệu 8981 đây là “hàng hiếm của Bộ quốc phòng”, vì nhiệm vụ đặc biệt quan trọng mới “xuất hiện” tại phía Nam lần đầu tiên.
CASA 212 là loại máy bay chuyên dụng hiện đại được dùng vào các nhiệm vụ quan sát, tuần thám biển, tìm kiếm vật nổi trên biển, chìm dưới đáy biển và phát hiện vết dầu loang. Máy bay có thể bay là là sát mặt biển ở độ cao 50m, dò được vật chìm dưới đáy biển ở nhiều mức độ nông sâu khác nhau thùy thuộc vào mức độ phản hồi của vật cần dò tìm. Nếu là kim loại thì độ phản hồi sóng radar tốt thì CASA có thể phát hiện ở độ sâu hơn nhiều so với vật phi kim loại.
Theo số liệu đánh giá của chuyên gia, thì độ sâu của biển khu vực máy bay nghi mất tích khoảng 50m, máy bay vốn là phương tiện chứa nhiều kim loại nên cũng là một thuận lợi đáng kể đối với khả năng của CASA 212.
Đại tá Toàn cũng cho biết, ngay sáng ngày mai cả hai chiếc máy bay CASA 212 sẽ “xông trận” phối hợp tìm kiếm máy bay Boeing của Malaysia mất tích.
Trong ngày, Lữ đoàn không quân 918 đã cử hai lượt AN 26 với 5 chiếc máy bay tiếp tục ra tọa độ nghi máy bay Malaysia mất tích để tìm kiếm. Điểm đáng chú ý là lần này Bộ quốc phòng, Quân chủng phòng không không quân quyết định “mở cửa” cho đông đảo phóng viên tham gia chuyến bay tìm kiếm cứu hộ, trong đó có nhiều phóng viên các hãng thông tấn, báo chí, truyền hình nổi tiếng khu vực và thế giới.
Có mặt tại sân bay từ 5h30 sáng ngày 10/3, chúng tôi nhận thấy có mặt của phóng viên hãng tin Reuters, AP (Hoa Kỳ), đài truyền hình NHK (Nhật Bản), đài truyền hình CCTV (Trung Quốc), báo EPA (Đức)… Tổng cộng có 36 phóng viên trong nước, quốc tế đã lên hai chiếc AN 26 xuất phát buổi sáng cùng ngày. Một số phóng viên báo đài truyền hình nước ngoài đến trễ đành phải ngồi đợi ở phòng khách Sở chỉ huy Lữ đoàn, trong đó có Đài truyền hình Singapore Chanel News Asia International, đài truyền hình Nhật Bản NHK.
Đại tá phi công Ngô Trọng Tạo, Phó chủ nhiệm chính trị Quân chủng vào tăng cường công tác chỉ đạo, giám sát, cho biết: Có hai phóng viên đài truyền hình Hồng Kông cũng xin phép theo máy bay tìm kiếm nhưng họ không đến khi chuyến bay sáng đã cất cánh nên họ không thể chờ đến chiều để chờ chuyến bay tiếp theo.
Một số phóng viên nước ngoài đến trễ như chị Anasuya Sanyal, phóng viên đài truyền hình Singapore Chanel NewsAsia và anh Kazuomi Shimizu, phóng viên đài truyền hình NHK, Nhật Bản đã kiên nhẫn chờ tới chuyến bay chiều.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, cả hai cho biết họ làm việc ở văn phòng Bangkok, Thái Lan, mới bay qua Việt Nam chỉ để đưa tin về sự kiện này. Tuy nhiên một nửa số nhà báo bay chuyến chiều phải ra về do chỉ một chiếc AN 26 được lệnh cất cánh.
Ngày mai dự kiến sẽ có hàng chục chiếc máy bay của không quân, hải quân, cảnh sát biển Việt Nam xuất kích.
Sau chuyến đi thị sát thực tế trên biển chiều nay tại vùng ngoài khơi quần đảo Thổ Chu, Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu đã có cuộc họp báo với sự tham dự của khoảng 50 phóng viên báo chí trong và ngoài nước tại Sở chỉ huy Tiền phương thuộc Đài kiểm soát không lưu sân bay Phú Quốc. Trả lời câu hỏi của phóng viên nươc ngoài về việc hiện nay Việt Nam đã cấp phép cho nhưng nước nào vào tham gia tìm kiếm cứu nạn, ông Tiêu cho biết đã cấp phép cho 4 nước bao gồm: Malaysia, Singapore, Mỹ và Trung Quốc. Tổng cộng có 34 máy bay và 40 tàu biển các loại tham gia tìm kiếm trong mấy ngày qua.
Hồng Lĩnh