Theo Flightglobal, Northrop Grumman đã phải mất gần bốn năm để tiến hành sửa chữa do thiếu các phụ kiện của dòng máy bay ném bom vốn đã ngừng sản xuất từ năm 2000.
Chi phí phục hồi B-2 Spirit không được tiết lộ. Trong khi đó, tại thời điểm năm 1997, chi phí sản xuất một chiếc máy bay ném bom B-2 lên tới 2,1 tỷ USD.
Việc tiến hành các cuộc kiểm tra lần cuối B-2 dự kiến được thực hiện tại căn cứ quân sự Mỹ tại Missouri.
Theo nguồn tin từ lực lượng Không quân Mỹ, sau khi được sửa chữa và bổ sung một công nghệ mới có tính năng kỹ thuật vượt trội so với khi sản xuất, B-2 Spirit, được mệnh danh là “Linh hồn Washington”, đã có thể cất cánh và thực hiện các nhiệm vụ chiến đấu mà không có bất kỳ hạn chế nào.
Không quân Mỹ hiện đang sở hữu 20 chiếc máy bay ném bom B-2 và chủ yếu tập trung tại căn cứ Missouri.
Máy bay ném bom tàng hình B-2 được đánh giá là những oanh tạc cơ tầm xa duy nhất của Không quân Mỹ có khả năng tiêu diệt các đối thủ hạng nặng.
Sự thật về vụ cháy máy bay ném bom B-2 Spirit tại đảo Guam hồi tháng 2/2010 chỉ được tiết lộ sau 4 năm.
Ngày 26/2/2010, máy bay ném bom tàng hình B-2 của Không quân Mỹ đã được điều động tham gia bài bay huấn luyện tại căn cứ Không quân đảo Guam trên Thái Bình Dương. Tuy nhiên, một trong bốn động cơ phản lực của chiếc máy bay này đã bốc cháy.
Lực lượng cứu hỏa được huy động tới làm nhiệm vụ và phi công đã may mắn thoát chết. Một tờ báo trên đảo Guam đã gọi điện phỏng vấn phát ngôn viên Không quân Mỹ - Trung tá Kenneth Hoffman và ông này khẳng định vụ cháy “không đáng kể”.
Tuy nhiên, sự thật về vụ cháy máy bay ném bom tàng hình B-2 được đánh giá là một trong những chuỗi lo lắng của quân đội Mỹ về các vụ tai nạn nghiêm trọng và gây chết người liên quan tới những thế hệ chiến đấu cơ tối tân nhất và đắt tiền nhất này.
Khác xa với nhận định của Trung tá Hoffman khi cho rằng vụ cháy máy bay ném bom B-2 không hề nghiêm trọng, mồi lửa lan từ dưới lớp vỏ hấp thu sóng radar đã khiến chiếc máy bay không thể tham gia bài huấn luyện.