Phát biểu ngay trước khi hạ cánh tối muộn ngày 23/4 theo giờ địa phương, phi công kiêm nhà du lịch mạo hiểm Bertrand Piccard tuyên bố: “Thái Bình Dương đã ở phía sau, các bạn của tôi. Tôi thích hành trình này, nhưng nó đã hoàn tất”. Trước đó, ông Piccard đã có 3 ngày bay từ Hawaii tới lục địa Mỹ.
“Thật tuyệt khi tới California, mảnh đất của những người tiên phong”, ông Piccard nói sau khi hạ cánh, với sự chào đón của nhà đồng sáng lập tập đoàn Google Sergey Brin – một người cũng rất quan tâm đến các nguồn năng lượng thay thế. “Sự cách mạng và tiên phong sẽ phải tiếp tục. Cuộc cách mạng công nghệ sạch phải không ngừng hướng về phía trước”.
Piccard, 58 tuổi, xuất thân là một bác sỹ. Ông cho biết việc trải qua 62 giờ bay từ Hawaii tới thị trấn Mountain View tại Thung lũng Sicilon, California là một trong những trải nghiệm “thú vị nhất” trong đời mình.
“Tôi dám đánh cược rằng trong vòng 10 năm nữa, các máy bay chạy điện có thể chở được tới 50 người. Điều này sẽ xảy ra. Đây hoàn toàn không phải chuyện khoa học viễn tưởng. Nó là sự thật”, Piccard hồ hởi nói.
Việc hạ cánh thành công tại sân bay Moffett, San Francisco đánh dấu sự hoàn tất chặng thứ 9 trong tổng số 13 chặng bay, bắt đầu hồi năm ngoái tại Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất.
Sau chặng này, ông Piccard sẽ “đổi ca” cho người đồng nghiệp Andre Borschberg, người sẽ lái máy bay đi xuyên nước Mỹ tới New York.
Thử thách trên Thái Bình Dương
Mục đích bay vòng quanh thế giới của Solar Impulse 2 là nhằm quảng bá cho các nguồn năng lượng tái tạo. Chiếc máy bay được cấp năng lượng từ 17.000 pin năng lượng mặt trời.
Solar Impulse 2 có sải cánh rộng hơn một máy bay phản lực truyền thống, nhưng trọng lượng chỉ tương đương một ô tô. Tháng 7 năm ngoái, máy bay từng phải được sửa chữa, khi hệ thống pin nhiên liệu gặp trục trặc, khiến nhiện độ tăng cao.
Phi công Bertrand Piccard tươi cười khi hạ cánh tại San Francisco trong sự chào đón của các đồng nghiệp, báo giới. (Ảnh: AFP)
Chặng bay vượt Thái Bình Dương là nhiệm vụ nguy hiểm nhất trong toàn bộ hành trình bay vòng quanh thế giới, do không có địa điểm hạ cánh nếu máy bay gặp sự cố.
Ngoài ra, trong chặng bay từ Nhật Bản tới Hawaii, phi công Borschberg, người cầm lái khi đó, đã phải dùng bình dưỡng khí để thở do máy bay di chuyển ở độ cao 9000m. Ông còn phải chịu những biến động lớn về nhiệt độ khi đi qua các vùng khác nhau. Mỗi ngày phi công chỉ được chợp mắt những quãng ngắn chừng 20 phút.
Piccard hôm 23/4 cho biết ông không thể ngủ nhiều hơn 20 phút mỗi lần “bởi sau 20 phút bạn phải thức dậy và kiểm soát mọi thứ. Nếu không có gì bất thường bạn có thể quay lại ngủ tiếp”.
Sau khi tới New York, Solar Impulse 2 sẽ vượt Đại Tây Dương sang châu Âu, trước khi trở về vạch đích là nơi đã xuất phát ở Abu Dhabi.