Hãng hàng không giá rẻ AirAsia thông báo, QZ8501 mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu lúc 7h24 giờ sáng 28/12, tức 42 phút sau khi cất cánh, trên đường từ thành phố Surabaya của Indonesia đến Singapore, Reuters đưa tin. Indonesia cuối ngày 28/12 tạm dừng tìm kiếm chiếc Airbus A320-200 loại 180 chỗ ngồi do trời tối, thời tiết xấu, đồng thời kêu gọi quốc tế trợ giúp. AirAsia cho biết, hành khách gồm 1 người Anh, 1 người Singapore, 1 người Malaysia, 3 người Hàn Quốc và 149 người Indonesia. Trong số hành khách có 138 người lớn, 17 trẻ em, trong đó có 1 trẻ sơ sinh. Thành viên tổ bay gồm 1 người Pháp và 6 người Indonesia.
Hàng trăm người thân, bạn bè của hành khách trên chuyến bay QZ8501 đã đổ về Trung tâm kiểm soát khủng hoảng đặt ở sân bay quốc tế Juanda tại Surabaya. Một phụ nữ 45 tuổi người Indonesia cho biết, 6 người trong gia đình bà có mặt trên máy bay đi du lịch sang Singapore. “Họ vẫn thường bay với hãng AirAsia và không có vấn đề gì. Tôi đã bị sốc khi nghe tin dữ và tôi rất lo máy bay có thể đã bị rơi”, bà nói.
Không phát tín hiệu cấp cứu
Ông Djoko Murjatmodjo, quan chức Bộ GTVT Indonesia, nói rằng, phi công có thể đã gặp điều kiện thời tiết xấu vì có bão xuất hiện trên hành lang bay, AP đưa tin. Chuyến bay QZ8501 biến mất khỏi màn hình radar sau khi yêu cầu chuyển hướng và nâng độ cao để tránh mây dày. Ông Murjatmodjo cho biết, các đơn vị liên quan không nhận được tín hiệu cấp cứu nào trước khi máy bay mất tích.
Singapore, Malaysia, Úc… đã đề nghị được tham gia tìm kiếm, cứu hộ. Singapore cho biết đã điều động 2 chiếc máy bay C-130 làm nhiệm vụ. Báo Jakarta Post (Indonesia) dẫn lời một quan chức thuộc Cơ quan Tìm kiếm - Cứu nạn Quốc gia Indonesia cho biết, đã cử các đội tìm kiếm tới khu vực lân cận đảo Belitung và tỉnh Tây Kalimantan, nơi được cho là máy bay rơi. Qua Facebook và Twitter, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long động viên gia đình các hành khách và khẳng định nội các của ông theo dõi sát sao sự việc. Thủ tướng Malaysia Najib Razak nói sẵn sàng trợ giúp AirAsia. Theo New York Times, Tổng thống Mỹ Barack Obama đang đi nghỉ ở Haiwai đã được thông báo về sự kiện này và “Nhà Trắng sẽ tiếp tục giám sát tình hình”.
Chiều 28/12, Tư lệnh quân đội Indonesia, tướng Moeldoko, cho biết đã triển khai nhiều tàu và máy bay tìm kiếm QZ8501. Tướng Moeldoko nói không quân Indonesia đã huy động các máy bay Boeing, Hercules, CN335 và một trực thăng, trong khi lực lượng hải quân điều 4 tàu chiến tham gia. Theo Cơ quan Tìm kiếm - Cứu nạn Quốc gia Indonesia, lúc 17h30 chiều 28/12, nước này tạm dừng chiến dịch tìm kiếm chiếc Airbus A320 do trời tối và thời tiết xấu. Cuộc tìm kiếm sẽ tiếp tục kể từ 7h sáng 29/12, hoặc sớm hơn nếu thời tiết thuận lợi.
Tỷ phú Tony Fernandes thành lập AirAsia năm 2002 tại Malaysia, sau đó lập các công ty con ở Indonesia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ. AirAsia Indonesia do phía Malaysia nắm giữ 49% cổ phần, hiện vận hành 30 máy bay Airbus A320. Chiếc máy bay mất tích có tuổi đời hơn 6 năm. Trong khi hãng đối thủ cạnh tranh là Malaysia Airlines đứng trước nguy cơ phá sản sau hai thảm họa trong năm nay, AirAsia đang trên đà phát triển. Hãng này xác nhận vừa đặt mua 55 máy bay A330-900 mới trị giá 15 tỷ USD.
Nguyên nhân: Thời tiết hay phi công?
Jakarta Post đưa tin, trong buổi họp báo tối 28/12 tại sân bay quốc tế Juanda ở thành phố Surabaya, Tổng giám đốc điều hành, người sáng lập AirAsia, ông Tony Fernandes, nói rằng, máy bay mất tích “chưa từng có bất kỳ vấn đề gì”, ở trong “tình trạng tốt”, đã qua bảo dưỡng định kỳ hồi giữa tháng 11. Ông nói rằng, cơ trưởng chuyến bay đã có tổng cộng hơn 20.500 giờ bay với các hãng hàng không, trong đó có gần 7.000 giờ bay với AirAsia. Trước đó, AirAsia thông báo, cơ trưởng chuyến bay đã có 6.100 giờ bay và cơ phó Remi Emmanual Plesel (công dân Pháp) có 2.275 giờ bay. Theo báo chí địa phương, cơ trưởng Iriyanto (người Indonesia) có 2 con trong độ tuổi đi học, còn vợ ông không có việc làm.
Dịch vụ theo dõi thời tiết WeatherBug của hãng Earth Networks (Mỹ) nói rằng, dữ liệu thời tiết cho thấy có một số vụ sét đánh gần đường đi của chuyến bay QZ8501. Tuy nhiên, một phi công đã nghỉ hưu khẳng định: “Sét không thể đánh gục máy bay”. Wall Street Journal dẫn lời một nữ quan chức của cơ quan khí tượng Indonesia nói rằng, sáng và trưa 28/12 ở khu vực giữa đảo Belitung và thành phố Pontianak thuộc tỉnh Tây Kalimantan có mưa nhẹ. Máy bay được cho là bay qua các đám mây vũ tích và mất tích ở khu vực này. “Nói chung, mây vũ tích rất nguy hiểm đối với hoạt động hàng không vì nó có thể gây ra bão với sấm sét và mưa to. Chúng tôi đã ra thông báo rằng, đường bay đó có mây phủ”, bà nói.
The Telegraph dẫn lời chuyên gia hàng không Anh Richard Quest nói rằng, chỉ thời tiết không thôi thì không đủ để dẫn tới tai nạn máy bay. “Việc một chiếc máy bay bay qua vùng thời tiết xấu không phải là vấn đề. Trong trường hợp này (chuyến bay QZ8501), cách thức phi công đối phó thời tiết xấu có thể là một vấn đề”, ông Quest nói. Theo ông, với tổng cộng khoảng 8.000 giờ bay, lái chính và lái phụ của QZ8501 có thể được coi là “có kinh nghiệm bay ở mức độ vừa phải”. Trong khi đó, chuyên gia người Anh David Gleave, cựu điều tra viên tai nạn hàng không, nói rằng, khả năng lớn nhất là chuyến bay QZ8501 gặp trục trặc về máy móc. Nếu máy bay rơi thì đây không phải là lần đầu tiên Indonesia không thể tìm thấy xác máy bay, ông nói.
CNN dẫn lời ông David Learmount, biên tập viên về vấn đề vận hành và an toàn hàng không của Flightglobal, cổng thông tin hàng đầu thế giới về hàng không, nhận định, chuyến bay QZ8501 mất tích dường như giống vụ máy bay MD-83 của hãng hàng không Algeria, Air Algerie, rơi ở Mali hôm 24/7 (khiến 110 hành khách và 6 thành viên phi hành đoàn người Tây Ban Nha thiệt mạng).
Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm
Được tin chiếc máy bay mang số hiệu QZ 8501 của AirAsia Indonesia mất liên lạc sáng ngày 28/12, chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh điện thoại cho Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno L.P.
Marsudi để thăm hỏi và chia sẻ sâu sắc sự lo lắng với gia đình và người thân của hành khách trên chuyến bay. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định, Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ trong nỗ lực tìm kiếm chiếc máy bay nếu có yêu cầu. Bộ trưởng Ngoại giao Marsudi thông báo tình hình mới nhất về sự việc và bày tỏ cảm ơn Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã gọi điện thăm hỏi. Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, tính đến tối 28/12, Việt Nam chưa nhận được yêu cầu hỗ trợ nào từ phía Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Indonesia và Singapore. Tuy nhiên, phía Hàng không Việt Nam sẽ sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm máy bay mất tích bất cứ khi nào có yêu cầu.
Bình Giang
Hãng hàng không quốc gia Malaysia Airlines mất hai máy bay trong năm nay. Chuyến bay MH370 mất tích ngày 8/3 khi trên đường từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh cùng với 239 hành khách và thành viên tổ bay. Ngày 17/7, chuyến bay MH17 bị bắn hạ ở đông Ukraine, toàn bộ 298 người trên khoang thiệt mạng.