Phạt 15 triệu đồng/người vì vu khống
C14 Bắc Hà (đường Tố Hữu, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là tòa nhà duy nhất ở Hà Nội mà cư dân nợ chủ đầu tư (CĐT) số tiền phí dịch vụ lên đến gần 2 tỷ đồng. Còn CĐT cũng bị đòi lên đòi xuống 2% phí bảo trì dù Ban quản trị (BQT) chưa đáp ứng đủ điều kiện bàn giao.
Cách đây chưa lâu, Công an quận Nam Từ Liêm ra thông báo xử phạt vi phạm hành chính đối với ông V.Đ.H.D và bà N.T.H ở cụm chung cư C14 về hành vi “cung cấp trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Mức phạt 15 triệu đồng/người (tại thông báo số 930 ký ngày 7/4/2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra - Công an quận Nam Từ Liêm về thông báo kết quả giải quyết tố giác tin báo về tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố). Bà H. từng là Phó Ban quản trị (BQT) toà nhà C14 còn ông D là tiến sĩ ngành dầu khí, hiện vẫn giữ chức Phó BQT tòa nhà này.
Nguyên do: Trưởng Ban quản lý (BQL) tòa nhà gửi đơn lên công an tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của bà H. và ông D. đối với ông (nhục mạ trên mạng xã hội). Căn cứ xử phạt theo điểm g, khoản 3, điều 66 Nghị định số 174 ngày 13/11/2013 của Chính phủ, quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực Bưu chính viễn thông, Công nghệ thông tin và Tần số vô tuyến điện.
Đó chỉ là một phần mâu thuẫn bột phát ở tòa nhà này nhiều tháng nay. Hôm 5/7/2017, cũng BQL tòa nhà đã ra công văn gửi cư dân và các cấp chính quyền thông báo sự việc Trưởng BQT Đặng Kim Ngân tự ý thuê người phá khóa, thay ổ khóa và giữ chìa khóa phòng điều khiển thang máy của hai tòa nhà CT1 và CT2 đều thuộc cụm chung cư C14.
Đến tối 7/7, thang máy tầng 30 tòa CT2 bị kẹt, khiến nhiều cư dân hoảng loạn. BQL thông báo: Không có chìa khóa phòng điều khiển để tắt nguồn chính (do chìa khóa thang máy đã bị trưởng BQT chiếm giữ). Rất may, ca bin bị kẹt cách sàn tầng 30 khoảng 20 cm nên bộ phận kỹ thuật kịp thời mở cửa cứu hộ nạn nhân.
Không dễ giải quyết
Có mặt tại hiện trường tòa nhà CT2 của C14 Bắc Hà, đại diện UBND phường Trung Văn yêu cầu BQT trao trả chìa khóa phòng điều khiển thang máy cho BQL. Đứng ra phân giải, ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch phường Trung Văn phát biểu: Tranh chấp giữa BQT và CĐT là tranh chấp dân sự, không thể giải quyết bằng phương pháp cực đoan. UBND phường sẵn sàng ngồi lại cùng hai phía để đưa ra giải pháp dựa trên cơ sở pháp luật.
Tối 26/7, BQT tổ chức hội nghị dân cư, mục đích đòi quyền lợi. CĐT bày tỏ quan điểm với báo giới: “Không thừa nhận hội nghị này vì không đúng luật”. Ngay trước hội nghị, BQT ra thông cáo vận động cư dân toàn bộ tòa nhà dừng đóng phí dịch vụ.
Tại tòa nhà Mipec Riverside (Long Biên, Hà Nội) cũng đang nổi lên như một điểm nóng mâu thuẫn, tranh chấp. Một số cư dân cho rằng, CĐT đã sai luật khi ngăn cản chủ hộ tiếp cận và sử dụng các dịch vụ, tiện ích bên ngoài như khu vườn treo và bể bơi ngoài trời ở tầng 6. Hoặc chậm đưa tầng hầm B3 vào vận hành.
Tại tòa 102 Trường Chinh (Đống Đa, Hà Nội), một số người cho rằng, CĐT trong quá trình bàn giao nhà chưa làm hết cam kết trong hợp đồng (từ chất lượng công trình, thái độ phục vụ, an ninh, thang máy, PCCC, khu sinh hoạt cộng đồng...). Một nhóm đã tổ chức biểu tình lúc nửa đêm để đòi quyền lợi khi có 5 hộ bị cắt điện, nước.
Theo ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, tranh chấp giữa cư dân, BQT, CĐT hầu hết là tranh chấp dân sự. “CĐT có trách nhiệm làm đúng giấy phép xây dựng, hợp đồng mua bán. Nếu họ làm sai, cư dân có thể gửi đơn đến các cơ quan chức năng như thanh tra sở, bộ để buộc CĐT làm đúng. Còn cư dân không có quyền gây rối trật tự hay đòi hỏi những điều vô lý”, ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Đức Cảnh, Giám đốc Đầu tư Công ty Hóa dầu Quân đội (Mipec), chủ đầu tư Dự án Mipec Riverside Long Biên lý giải Mipec Riverside Long Biên không cho phép cư dân sử dụng dịch vụ bên ngoài là bởi quyết định giao đất thành phố ghi rõ rằng, phần diện tích sử dụng của cư dân chỉ thuộc diện tích 2 tòa tháp, còn khuôn viên xung quanh, khối đế và sân thượng ở trên là thuộc quyền sử dụng của Mipec.