Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo cải tạo chung cư cũ (CCC) do Chủ tịch thành phố Nguyễn Đức Chung trực tiếp đứng đầu điều hành, nhưng đến nay việc thu hút vốn dành cho cải tạo CCC vẫn gặp nhiều khó khăn, số lượng CCC được cải tạo trên toàn thành phố tiếp tục dậm chân ở con số 1%, việc lập quy hoạch tổng thể từng khu tiếp lục “lỡ hẹn” vì nhiều nguyên nhân. Trong đó, hai tập lớn tư nhân lớn đã xin rút không tham gia.
Kế hoạch cải tạo “ngóng” quy hoạch
Phục vụ kế hoạch thu hút 15 tỷ USD (hơn 300.000 tỷ đồng) cải tạo 10 khu tập thể cũ giai đoạn 2016 - 2020, tháng 10/2016, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký văn bản giao 19 doanh nghiệp tự bỏ kinh phí lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đối với 26 khu CCC để trình thành phố phê duyệt, trước khi lựa chọn nhà đầu tư tham gia cải tạo đồng bộ thay vì cải tạo từng nhà riêng biệt. Cùng với đó, thành phố giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng tổ chức khảo sát, lấy ý kiến của chuyên gia, doanh nghiệp và người dân nhằm tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý đang cản trở việc cải tạo CCC ở Thủ đô nhiều năm qua.
Tháng 4/2017, Sở Xây dựng chủ trì buổi hội thảo bàn về một số cơ chế, chính sách trong cải tạo và xây dựng lại các khu CCC trên địa bàn Hà Nội. Tại Hội thảo có nhiều tham luận, ý kiến táo bạo được đưa ra bàn thảo như xác định niên hạn sử dụng nhà, cơ chế tái định cư tại chỗ, chế độ tạm cư, cơ chế bồi thường đối với phần diện tích ngoài sổ đỏ…
Tuy nhiên, theo thông tin PV có được, đến nay kế hoạch cải tạo CCC mà Sở Xây dựng được giao lập chưa được hoàn thành do thành phố muốn đẩy nhanh việc lập quy hoạch tổng thể từng khu, từ đó lấy quy hoạch được lập phê duyệt làm căn cứ để hoàn thiện kế hoạch cải tạo CCC cho sát với thực tế để dễ dàng triển khai dự án cải tạo.
Trao đổi với PV, một thành viên Ban Chỉ đạo CCC cũ cho biết, việc ưu tiên đẩy nhanh lập quy hoạch tổng thể các khu CCC là sự điều chỉnh cần thiết, bởi nó sẽ giúp thành phố thuận lợi hơn trong việc thu hút nguồn vốn. Quy hoạch được lập sẽ có đầy đủ thông số chi tiết về mật độ xây dựng, chiều cao từng toà nhà, công khai quyền lợi người dân và doanh nghiệp được hưởng từ dự án. Tất cả những ưu đãi đều được công khai để doanh nghiệp có thực lực lựa chọn tham gia, chính quyền địa phương cũng có đủ cơ sở pháp lý thực hiện GPMB.
Quy hoạch tổng thể trễ hẹn nhiều tháng
Kế hoạch cải tạo CCC của thành phố đang phụ thuộc vào tiến độ lập quy hoạch của 19 doanh nghiệp lớn được lựa chọn tháng 9/2016. Tuy nhiên, tốc độ lập quy hoạch của các doanh nghiệp trên chưa đảm bảo đúng tiến độ đề ra.
Theo nội dung Văn bản số 5621/UBND-ĐT ngày 30/9/2016 được Chủ tịch Nguyễn Đức Chung ký và ban hành, trong thời hạn 6 tháng (tính từ 1/10), các đơn vị được giao làm chủ đầu tư lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 để cải tạo, xây dựng lại tổng thể CCC trên địa bàn thành phố phải tự bỏ kinh phí hoàn thành quy hoạch trình cơ quan chức năng phê duyệt.
Sau khi đồ án tổng thể quy hoạch chi tiết các khu CCC được phê duyệt, thành phố sẽ lựa chọn các nhà đầu tư theo trình tự. Thời hạn được UBND thành phố giao đã trôi qua hơn 3 tháng, nhưng việc lập quy hoạch tổng thể cho 26 khu tập thể và CCC chưa được các doanh nghiệp hoàn thành đúng tiến độ. Tính đến tháng 6/2017, các doanh nghiệp mới gửi dự thảo quy hoạch của 11/26 khu tập thể và CCC.
Không chỉ có gặp khó về tiến độ, kế hoạch lập quy hoạch tổng thể cải tạo CCC cũ còn đối mặt khó khăn khách quan, khi một số doanh nghiệp lớn đột ngột rút lui. Hoà Phát không tham gia lập quy hoạch cải tạo khu tập thể Tân Mai, với 88 nhà CCC. Thay thế vào hai tên tuổi trên là Vinaconex và Tổng Cty Phát triển nhà Hà Nội, nhưng tiến độ lập quy hoạch chắc chắn cũng ít nhiều bị ảnh hưởng do những điều chỉnh bất đắc dĩ.
Trước việc kế hoạch cải tạo CCC cũ nhiều lần chậm tiến độ, tháng 4/2017, Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã ký quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng lại nhà CCC giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn 2025 do Chủ tịch thành phố trực tiếp làm Trưởng Ban chỉ đạo, các phó chủ tịch làm Phó Ban chỉ đạo để tháo gỡ kịp thời vướng mắc. Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch cải tạo CCC của thành phố Hà Nội chưa thể “chốt” thời gian tái khởi động do phải chờ quy hoạch tổng thể.
Cư dân quyết bám trụ nhà nguy hiểm
Tháng 4/2016, UBND TP Hà Nội đã ký quyết định di dời khẩn cấp các hộ dân nhà G6A Thành Công nằm trong danh mục nhà nguy hiểm mức độ D. Để phục vụ việc di dời, Sở Xây dựng đã chuẩn bị một toà nhà tạm cư mới gồm trên 100 căn hộ ở khu E khu đô thị Yên Hoà (Cầu Giấy). Tuy nhiên, theo thông tin PV có được, đến nay mới có 3 hộ dân nhận nhà/49 căn hộ phải di dời khỏi nhà G6A Thành Công.