>Số người chết cho đến thời điểm tối qua chưa thể được kiểm chứng độc lập, dù các tin tức nói đã có tổng cộng 9 người chết trong ngày 3/3. Hãng tin Reuters dẫn lời nhân chứng và các phương tiện truyền thông địa phương nói hai người đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ tại một cuộc biểu tình ở thành phố Mandalay, và một người đã thiệt mạng khi cảnh sát nổ súng ở thành phố Yangon.
Tờ báo địa phương Monywa Gazette đưa tin 5 người đã thiệt mạng tại Yangon. Một người đã bị bắn chết ở thị trấn Myingyan, nhà hoạt động sinh viên Moe Myint Hein, 25 tuổi, nói.
“Họ đã nã đạn thật vào chúng tôi. Một người đã thiệt mạng, cậu ta còn trẻ, ở độ tuổi teen, bị bắn vào đầu”, Moe Myint Hein nói với Reuters qua điện thoại.
Bạo lực xảy ra một ngày sau khi các ngoại trưởng từ các nước láng giềng Đông Nam Á kêu gọi kiềm chế và khôi phục nền dân chủ.
Ít nhất 30 người đã thiệt mạng kể từ cuộc đảo chính ngày1/2 dẫn đến các cuộc biểu tình trên toàn quốc và sự lên án từ cộng đồng quốc tế.
Các lực lượng an ninh đã bắt giữ khoảng 300 người biểu tình ở Yangon, hãng tin Myanmar Now đưa tin.
Một đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy hàng dài nam thanh niên, tay ôm đầu, lao vào xe tải của quân đội trước mặt cảnh sát và binh lính. Reuters nói không thể xác minh đoạn phim.
Hôm 2/3 Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), trong cuộc họp ngoại trưởng được tổ chức trực tuyến, kêu gọi các bên kiềm chế. Indonesia, Malaysia, Philippines và Singapore đề nghị trả tự do cho lãnh đạo dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi và những người bị giam giữ khác.
“Chúng tôi bày tỏ sự sẵn sàng của ASEAN trong việc hỗ trợ Myanmar một cách tích cực, hòa bình và mang tính xây dựng”, chủ tịch ASEAN, Brunei, cho biết trong một tuyên bố.
Truyền thông Myanmar nói bộ trưởng ngoại giao do quân đội chỉ định đã tham dự cuộc họp ASEAN để “trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế”, nhưng không đề cập đến trọng tâm các vấn đề của Myanmar.
Lãnh đạo quân đội Myanmar, tướng Min Aung Hlaing nói cuộc đảo chính là để bảo vệ nền dân chủ non trẻ của Myanmar và đã cam kết tổ chức cuộc bầu cử mới nhưng không đưa ra khung thời gian.
Ngày 2/3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nói cuộc đảo chính là một bước lùi “bi thảm” đối với Myanmar và việc lực lượng an ninh của nước này sử dụng vũ lực sát thương là “thảm họa”.
Nỗ lực của ASEAN trong việc tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng đã vấp phải sự chỉ trích từ bên trong Myanmar, với lo ngại rằng việc này sẽ hợp pháp hóa chính quyền quân sự và không giúp ích gì cho nước này.
Bà Suu Kyi, 75 tuổi, đã bị giam giữ kể từ cuộc đảo chính nhưng đã xuất hiện tại một phiên tòa trực tuyến trong tuần này.
Tổng thống bị lật đổ Win Myint đang phải đối mặt với hai tội danh mới, luật sư của ông cho biết, trong đó có một tội danh vi phạm hiến pháp có thể bị phạt tới ba năm tù.
Cho đến nay, số người chết liên quan các cuộc biểu tình ở Myanmar chưa thể được xác định thống nhất. Văn phòng Nhân quyền LHQ nói họ tin rằng ít nhất 18 người đã thiệt mạng hôm 28/2.
Hôm qua, tại thành phố Monywa, nơi có nhiều người tập trung phản đối việc quân đội tiếp quản quyền lực, ba người đã bị bắn, AP dẫn lại tin của Tiếng nói Dân chủ Miến Điện, một dịch vụ truyền hình và tin tức trực tuyến.
Hội đồng Bảo an LHQ dự kiến tổ chức một cuộc họp kín về tình hình Myanmar vào thứ Sáu này, các nhà ngoại giao của hội đồng nói với điều kiện giấu tên trước khi có thông báo chính thức. Họ cho biết Anh đã đề nghị tiến hành cuộc họp.