Mất niềm tin, dân Thủ Thiêm muốn Trung ương vào cuộc

Người dân tiếp tục cung cấp bản đồ về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước để chỉ ra phần đất bị thu hồi nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Thủ Thiêm. Ảnh: H.T.
Người dân tiếp tục cung cấp bản đồ về bán nhà thuộc sở hữu nhà nước để chỉ ra phần đất bị thu hồi nằm ngoài ranh quy hoạch dự án Thủ Thiêm. Ảnh: H.T.
TP - Chiều 9/5, Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm và Tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 7 tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 của Quốc hội. Nhiều cử tri có nhà bị giải tỏa trong dự án khu đô thị Thủ Thiêm đã rơi nước mắt khi trình bày bức xúc của mình.

Buổi tiếp xúc kéo dài đến gần 21 giờ tối vì có nhiều cử tri bức xúc đề cập đến những khuất tất trong công tác bồi thường giải tỏa tái định cư và cách hành xử của chính quyền địa phương.

Chết vẫn chưa thấy nhà

Cử tri Ngô Hùng Phong (Khu phố 3, phường An Khánh, quận 2) cho biết, căn nhà của ông trước kia nằm trong khu 160 ha tái định cư. Gia đình ông tự nguyện bàn giao mặt bằng, chờ nhận nền tái định cư tại chỗ trong khu 160 ha. Gia đình ông chờ từ năm 2014 đến nay và bây giờ không còn nhà, càng khó được tái định cư vì khu 160 ha đã bị phân lô bán cho các chủ đầu tư. Ông Phong gạt nước mắt: “Ông Ngô Văn Cự cha tôi mất 2 năm trước, không chờ được đến ngày được giao nhà tái định cư. Trước khi nhắm mắt, ba cứ nắm tay tôi hỏi: Nhà đâu? Tôi chỉ biết khóc”.

Nhiều cử tri khóc khi kể với các đại biểu Quốc hội rằng, họ không còn nhà, người thân chết không có chỗ làm đám ma. Cử tri Lê Thị Hồng Vân (22 Lương Định Của, phường Bình Khánh, quận 2) cho biết đã nhiều lần lặn lội ra Hà Nội khiếu kiện việc giải tỏa nhà đất. “Chồng tôi bức xúc quá mà qua đời. Nhà cửa ở hơn 20 năm nay bị dột nát hết, mưa xuống là ngập, vậy mà không được sửa chữa. Tôi xin chính quyền giải quyết sớm. chỗ tôi không nằm trong dự án. Phải cho tôi định cư ổn định và xây nhà”, bà Vân nói.

Cử tri Nguyễn Thị Dung (phường Bình An) nói nếu không bị giải tỏa, căn nhà gần 100 m2 của bà bây giờ có giá khoảng 30 tỷ đồng vì có giấy chứng nhận và nằm tại mặt tiền đường Lương Định Của. Vậy mà sau khi bị cưỡng chế tháo dỡ vào năm 2012, bà Dung phải đi ăn xin vì mất sức sau tai nạn lao động, bị dúi vào sống trong khu tạm cư tạm bợ, hằng tháng phải trả phí quản lý hơn 140 nghìn đồng. “Thân già một mình tôi đi ăn xin trả tiền nước, tiền điện, phí quản lý. Tôi yêu cầu giải quyết đúng quy định”, bà Dung nói.

Cử tri Đặng Văn Truyền (phường Bình An) cho biết, trước kia là chủ Đại lý Gas Truyền. Sau giải tỏa, từ trụ cột kinh tế, là lao động chính nuôi cha mẹ vợ con, ông Truyền trắng tay, không nhà, thất nghiệp. “Nhà tôi nằm ngoài ranh nhưng bị cưỡng chế, đập phá, bị đẩy ra khu tạm cư nhếch nhác. Người ta dùng hơi cay xịt vào nhà lùi chúng tôi ra ngoài rồi dùng xáng cạp từ trên xuống”, ông Truyền kể.

Đề nghị Trung ương vào cuộc

Nhiều cử tri bức xúc cho biết người dân đang khiếu nại, chưa nhận tiền bồi thường thì vài ngày trước, UBND quận 2 tiếp tục ban hành quyết định buộc họ phải giao nộp sổ đỏ, giấy tờ nhà đất, dù Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo phải giải quyết thỏa đáng cho người dân.

Cử tri Nguyễn Phi Thường cho rằng, khu đô thị Thủ Thiêm đã bị biến dạng vì đồng tiền. Việc cần làm lúc này là chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan phải nhìn thẳng vào sự thật, trả lời rõ ràng với người dân việc cưỡng chế giải tỏa nhà đất của dân tại 4 khu phố thuộc phường An Khánh, Bình Khánh là đúng hay sai và quá trình giải quyết phải cầu thị. “Chúng tôi không khó khăn nhưng cán bộ phải thấy cái sai của mình. Chỗ nào không giải quyết được phải trả lại đất cho dân. Nếu không giải quyết thấu đáo, cử tri đề nghị Bộ Chính trị, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho đoàn thanh tra đủ mạnh vào TPHCM để thanh tra toàn diện dự án khu đô thị Thủ Thiêm”, ông Thường nói.

Cử tri Đoàn Văn Phương (số C5/1 Lương Định Của, phường An Khánh) nói rằng, nguyên Chủ tịch UBND TPHCM Võ Viết Thanh nói quy hoạch Thủ Thiêm trước đây đã bị phá hết, không còn trung tâm, quảng trường, nhà hát, thay vào đó là các dự án phân lô bán nền. “Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Thanh Liêm hứa giải quyết dứt điểm khiếu nại ở Thủ Thiêm trong quý 2. Gần nửa quý 2 đã qua, bao giờ mới làm? Người dân không còn tin tưởng cơ quan chức năng của thành phố. Đề nghị đưa vụ việc lên Quốc hội, Trung ương giải quyết”, ông Phương nói.

Theo Chủ tịch UBND quận 2 Nguyễn Phước Hưng, quận đã chủ động đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo Thanh tra thanh tra toàn diện dự án. “Một số cử tri nói giá đền bù đất chỉ bằng 3 tô phở là không đúng. Dự án đường Lương Định Của, hiện nay quận đã đề nghị UBND TPHCM cho thẩm định giá đất mặt tiền Lương Định Của để yêu cầu chủ đầu tư chi trả cho người dân theo giá năm 2016 đã thẩm định. Có những hồ sơ quá lâu. Bà con không nộp đơn khiếu nại. Ngay cả ba nhóm khiếu nại đông người, cá nhân không gửi đơn khiếu nại. Cái nào gửi quận 2 chúng tôi sẽ cho kiểm tra và ra quyết định giải quyết khiếu nại”, ông Hưng nói. Nội dung trả lời của ông Hưng khiến các cử tri vô cùng bức xúc và phản ứng gay gắt.

Theo Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm, các ý kiến cử tri sẽ được Tổ đại biểu ghi nhận và trực tiếp báo cáo với Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân và đề nghị tổ chức phiên họp Ban Thường vụ Thành ủy, yêu cầu UBND TPHCM báo cáo để lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết rốt ráo cho bà con khu đô thị Thủ Thiêm vì vụ việc này đã kéo dài quá lâu. Chủ tịch HĐND TPHCM nói Đoàn thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra và TPHCM đã tập hợp toàn bộ hồ sơ để cung cấp và đang chờ kết luận chính thức.

“Chính quyền giải quyết một việc rất lớn mà cô bác vẫn khiếu nại, chưa đồng tình, nghĩa là chúng tôi chưa làm tròn trách nhiệm. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp giải quyết theo yêu cầu của người dân nhưng cần có thời gian, lộ trình. Còn một ý kiến khiếu nại, chúng tôi sẽ còn đeo bám. Tôi hứa như vậy”.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Quyết Tâm

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.