Nguyễn Hoàng Anh (quê Châu Đốc, An Giang) mẹ mất sớm, cha nghèo phải chạy xe ôm nuôi sáu người con. Năm 7 tuổi, Hoàng Anh được cha cho đi học, nhưng được ba hôm cậu bỏ về vì chán.
Năm 13 tuổi, Hoàng Anh lên Sài Gòn làm công trong một tiệm sửa xe gắn máy. 9 năm làm ôsin cầm cờ lê, mỏ lết, Hoàng Anh lên tay và trở thành thợ sửa chính của cửa hàng. Chàng trai 22 tuổi, một chữ cắn đôi cũng không biết.
Mỗi con đường ở Sài Gòn thường gắn với tên các danh nhân hoặc tên địa danh, vì không biết chữ nên Hoàng Anh... bó tay. Cậu chỉ nhớ bằng hình dáng cong, thẳng của con chữ bảng tên đường hoặc lấy cột điện, gốc cây đánh dấu. Để hỏi một con đường nào, cậu thường đề nghị người chỉ theo cách quẹo, trái quẹo phải hoặc đếm số lượng cột đèn đỏ.
Dùng điện thoại, Hoàng Anh cũng không thể lưu được danh bạ. Cậu chỉ nhớ số đuôi điện thoại của cha còn lại ai gọi đến thì nghe để cho họ tự giới thiệu.
Năm ngoái, Hoàng Anh có người yêu là cô sinh viên một trường đại học, việc liên lạc giữa hai người gặp phải trở ngại lớn. Người yêu nhắn tin, cậu chịu chết và cũng không dám cho ai đọc. Yêu nhau gần một năm, cảm thấy khoảng cách về trình độ văn hóa quá chênh lệch nên hai người quyết định chia tay.
Tuy mù chữ, nhưng thiên phú cho Hoàng Anh cách tính tiền nhẩm nhanh hơn bấm máy tính. Cậu cho biết: “Không biết đếm tiền thì làm sao sống ở Sài Gòn được, cái này em tự biết thôi chứ không ai dạy đâu”. Càng lớn, thấy tình trạng mù chữ của mình càng gây trở ngại lớn trong quan hệ, giao tiếp, đặc biệt sự cố chia ly mối tình đầu cũng vì con chữ, Hoàng Anh cảm thấy thiệt thòi và tủi thân.
Được người quen giới thiệu đi học lớp một, cậu gật đầu liền. Những ngày đầu vào lớp, các em nhỏ nhìn Hoàng Anh ngơ ngác, có vẻ sợ hãi. Học được tuần đầu, các bé thấy anh Hoàng Anh chăm chỉ tập viết, tập đọc lại không có biểu hiện ăn hiếp bạn học nên được cả lớp quý mến. Trong lớp một, các học sinh đều bé như... cây kẹo nên những công việc như xếp bàn ghế, khuôn vác đồ dùng, lau chùi bảng đều do Hoàng Anh đảm nhận.
Hơn chục em học sinh lớp trước đó chưa bao giờ biết mặt con chữ tròn méo ra sao. Cô giáo phải dạy rất chậm để học trò dễ hiểu. Hơn một tháng theo học chương trình lớp một, Hoàng Anh đã học thuộc bảng chữ cái, đã biết ghép vần vài chữ thông dụng. Những lúc cửa hàng vắng khách, Hoàng Anh lấy báo ra đánh vần.
Trong vòng một ngày, cậu có thể đọc và hiểu được nội dung một bài báo. Bây giờ, cậu đã tự lưu được số điện thoại và mất khoảng nửa tiếng để đánh vần được một tin nhắn.
Vừa qua, chương trình Điều ước thứ 7 của VTV đã tặng học sinh Hoàng Anh một khóa học tiếng Anh. Hoàng Anh cho biết: “Năm nay em cố gắng học hết chương trình lớp một để năm sau có vốn từ ngữ đi học ngoại ngữ”.
Thầy Huỳnh Thúc Tịnh – Hiệu trưởng trường Phổ cập giáo dục P.12, Q.Bình Thạnh cho biết: “Nhà trường không từ chối bất cứ một người nào có nhu cầu học chữ, không giới hạn tuổi tác. Bất kể ai đến đây cũng được tiếp nhận, được học chữ miễn phí, được san sẻ tình yêu thương…”.