Công bố kết quả kinh doanh 6 tháng:

Masan đặt niềm tin đột phá vào nửa cuối năm 2017

Masan đặt niềm tin đột phá vào nửa cuối năm 2017
Các khoản đầu tư chiến lược nhằm hỗ trợ người chăn nuôi và tối ưu hoá hàng tồn kho giảm làm lợi nhuận suy giảm trong sáu tháng đầu năm 2017. Dù lợi nhuần thuần sau hợp nhất chỉ đạt 445 tỷ đồng nhưng Ban giám đốc Masan kỳ vọng những kế hoạch dài hạn sẽ tạo ra giá trị cho cổ đông thay vì kết quả tài chính ngắn hạn.

Công ty cổ phần Tập đoàn Masan (HOSE: MSN, “Masan” hoặc “Công ty”) đã công bố kết quả kinh doanh chưa kiểm toán của Công ty cho nửa đầu năm 2017. Theo báo cáo tài chính, lợi nhuận thuần hợp nhất sau lợi ích cổ đông thiểu số trong sáu tháng đầu năm 2017 đạt 455 tỷ đồng, giảm 56,0%; và doanh thu thuần hợp nhất đạt 18.019 tỷ đồng, giảm 5,9%.

Dù vậy, Ban Giám đốc dự báo lợi nhuận thuần hợp nhất sau lợi ích cổ đông thiểu số cho cả năm 2017 đạt mức 2.400 – 2.800 tỷ đồng (năm 2016 là 2.791 tỷ đồng) và dự kiến doanh thu thuần hợp nhất năm 2017 sẽ tương đương kết quả của năm 2016.

Theo phân tích và đánh giá chi tiết của Ban Giám đốc,  Masan đang triển khai kế hoạch tạo ra giá trị cho cổ đông trong 3 năm, thay vì tập trung vào việc đạt các kết quả tài chính ngắn hạn.

Nửa đầu năm: Hàng tồn và tăng chi phí bất khả kháng

Cụ thể, Masan Consumer Holdings (“MCH”) mất một khoản doanh thu tiềm năng là 1.055 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017 từ kế hoạch phát triển một mạng lưới phân phối hiệu quả và lành mạnh hơn để phục vụ người tiêu dùng và chuẩn bị cho chương trình tung sản phẩm mới trong nửa cuối năm đối với tất cả ngành hàng.

Ban Giám đốc kỳ vọng mức tồn kho đạt khoảng 1.000 tỷ đồng vào cuối năm (mức tối ưu để duy trì một hệ thống phân phối mạnh). Chiến lược này sẽ giúp tối ưu hoá khả năng tiêu thụ của tám đợt ra mắt sản phẩm mới trong nửa cuối năm 2017 cũng như chuẩn bị cho việc tung ra các sáng kiến mới trong năm 2018.

Doanh thu thuần của Masan Brewery (“MB”) giảm xuống còn 36 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2017 so với mức 543 tỷ đồng cùng kỳ năm 2016, giảm 93,4%. Chiết khấu bán hàng trong nửa đầu năm 2017 tăng lên 160 tỷ đồng so với 51 tỷ đồng trong cùng kỳ năm 2016 do Công ty quyết định cắt giảm mức tồn kho hiện tại để chuẩn bị cho đợt tái tung lớn bia Sư Tử Trắng vào cuối tháng 7. Ban Giám đốc đặt kỳ vọng doanh thu cho cả năm 2017 đạt khoảng 700 tỷ đồng, tức đạt 70% kế hoạch đã đề ra. Sau khi giải quyết được lượng hàng tồn kho lớn từ cuối năm 2016, doanh thu thuần cho sáu tháng cuối năm 2017 sẽ tương đương kết quả của nửa cuối năm 2016.

Kế hoạch cắt giảm mức tồn kho cũng ảnh hưởng đến ngành hàng cà phê hòa tan và thực phẩm tiện lợi trong nửa đầu năm 2017 khi doanh thu thuần giảm lần lượt là 13% và 19%. Ban Giám đốc đã chuẩn bị lịch tái tung thương hiệu và tung các sản phẩm mới ra thị trường để khôi phục lại sự tăng trưởng của ngành hàng cà phê hòa tan và thực phẩm tiện lợi, nhưng hiệu quả tích cực của kế hoạch này phải đợi đến năm 2018 mới được thể hiện đầy đủ.

Thị phần của toàn bộ danh mục sản phẩm của MCH vẫn giữ ở mức ổn định do doanh thu bán hàng từ nhà phân phối đến người tiêu dùng chỉ giảm 6,5% so với mức giảm doanh thu thuần kế toán là 13,4%. Nếu loại trừ ngành bia thì doanh thu bán hàng chỉ giảm 3,0%.

Cùng đó, Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan (HNX-UpCOM: “MSR”, “Masan Resources”), một trong những nhà sản xuất hóa chất hàng đầu trong ngành khai thác và chế biến khoáng sản tại Việt Nam, công bố kết quả kinh doanh của sáu tháng đầu năm 2017.  Giá hàng hóa của công ty phục hồi cùng với việc tăng hiệu suất sản xuất tăng đã giúp doanh thu của công ty tăng mạnh so với sáu tháng đầu năm 2016. Lợi nhuận thuần phân bổ cho Chủ sở hữu Công ty của MSR trong nửa đầu năm 2017 đạt 63 tỷ đồng, tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước khi không tính đến khoản điều chỉnh lợi nhuận một lần.

Masan đặt niềm tin đột phá vào nửa cuối năm 2017 ảnh 1

MNS bị ảnh hưởng bởi giá heo giảm

Báo cáo tài chính quý 3 cũng cho thấy, Masan Nutri-Science (“MNS”) bị ảnh hưởng nặng do giá heo hơi giảm thấp nhất trong lịch sử, chỉ 20.000-25.000 đồng/kg kéo dài đến Quý 2 năm 2017, dẫn đến sự sụt giảm mạnh trong kết quả tài chính trong 6 tháng đầu năm 2017. Ban Giám đốc đã điều chỉnh giảm dự báo tài chính cho cả năm 2017.

Để đối phó với tình hình thị trường hiện nay cũng như củng cố vị trí thương hiệu thức ăn chăn nuôi hàng đầu, MNS đã triển khai các chương trình hỗ trợ người chăn nuôi và nhà phân phối thoát khỏi cuộc khủng hoảng với kỳ vọng đây sẽ là những đối tác tiềm năng nhất thị trường. Chiến lược này khiến chi phí bán hàng trong sáu tháng đầu năm 2017 tăng 36% lên 1.136 tỷ đồng so với cùng kỳ 2016. Đây được xem là chi phí đầu tư cho dài hạn làm biên lợi nhuận giảm trong ngắn hạn. Ban Giám đốc dự kiến các khoản chi phí đầu tư này sẽ bắt đầu mang lại lợi nhuận trong 18 tháng tiếp theo bắt đầu từ quý 3 năm 2017, cụ thể là nhờ các chương trình khách hàng thân thiết và giá heo hơi phục hồi trong thời gian qua.

MSN dự kiến sẽ hoàn thiện khu phức hợp sản xuất thịt và trang trại chăn nuôi heo vào sáu tháng đầu năm 2018. Đây sẽ là giai đoạn phát triển cuối cùng giúp hiện thực hoá tầm nhìn của MNS về nền tảng đạm động vật tích hợp, một nền tảng độc đáo giúp phục vụ trực tiếp nhu cầu cho các sản phẩm thịt an toàn và truy xuất nguồn gốc dễ dàng. Trong vòng 3 năm tới, các sản phẩm thịt sẽ có đóng góp lớn hơn vào doanh thu thuần của MNS, giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của MNS vào khoảng 30-35% trong trung hạn.

Các trụ cột tăng trưởng

Cho đến lúc này, MNS hoàn toàn tin tưởng vào các trụ cột tăng trưởng chiến lược tạo ra lực đẩy, kết quả ấn tượng trong nửa đầu 2017.

Theo đó, nước tăng lực Wake-Up 247 của MCH đạt kết quả vượt trội: tăng trưởng doanh thu thuần 72% trong sáu tháng đầu năm 2017 và có tiềm năng trở thành một thương hiệu có giá trị 45-50 triệu USD vào cuối năm.

Nước tăng lực là một ngành hàng đang thúc đẩy tăng trưởng mang tính chiến lược của MSN với tổng quy mô thị trường trên 1 tỷ USD.

Cùng đó, mảng kinh doanh đồ uống không cồn của MCH dự kiến sẽ đạt doanh thu gần 100 triệu USD vào cuối năm 2017, tăng khoảng 30% so với năm 2016. Ngoài ra, đóng góp của ngành hàng đồ uống không cồn đóng chai (không bao gồm cà phê hoà tan và bia) vào tổng doanh thu thuần hợp nhất của MCH trong sáu tháng đầu năm 2017 là 17,9%, so với chỉ 11,7% trong nửa đầu năm 2016. Tầm nhìn chiến lược của Masan nhằm trở thành một công ty thực phẩm – đồ uống với tỷ lệ 50/50 đang đi đúng hướng.

Mảng kinh doanh thịt chế biến của MCH tăng trưởng 359% lên 88 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2017, dự kiến sẽ đạt doanh thu thuần cả năm trong khoảng 300-500 tỷ đồng. MNS đang đi đúng lộ trình nhằm thực hiện mô hình 3F “Feed-Farm-Food” (Từ trang trại đến bàn ăn) vào nửa đầu năm 2018, giảm thiểu rủi ro đối với sự biến động của giá cả sản phẩm chăn nuôi, giúp MNS tăng trưởng vượt qua các chu kỳ kinh doanh.

Cùng đó, khoản đầu tư 150 triệu USD của Kohlberg, Kravis and Roberts (“KKR”) vào MNS thể hiện niềm tin chiến lược vào khả năng xây dựng một nền tảng thịt tích hợp toàn diện nhằm chuyển đổi MNS từ một công ty kinh doanh hàng hóa thuần túy thành một công ty hàng tiêu dùng có thương hiệu, phục vụ trực tiếp đến lĩnh vực hàng tiêu dùng lớn nhất có trị giá đến 18 tỷ USD. Thông qua mạng lưới toàn cầu của mình, KKR cũng mang đến các đóng góp chuyên môn quốc tế để đẩy nhanh tiến trình và quản lý các rủi ro tiềm ẩn trong vận hành. Cùng với khoản đầu tư này, KKR cũng đã trở thành một trong những cổ đông nước ngoài lớn nhất của Masan Group.

Ngoài ra, Techombank (“TCB”) –  ngân hàng MSN đang là cổ đông chiếm tỷ lệ lớn đạt lợi nhuận thuần trước thuế là 2.734 tỷ đồng trong sáu tháng đầu năm 2017. Tỷ lệ thu nhập lãi thuần sáu tháng đầu năm 2017 ở mức 3,85% và tỷ lệ nợ xấu là 2,06%. Masan sẽ không tham gia vào chương trình chào mua cổ phiếu quỹ của TCB.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.