Mảnh đất người đời

TP - Đến thời điểm này không còn nhớ chính xác đã bao nhiêu lãnh đạo, quan chức bị bắt, bị khởi tố liên quan đến sai phạm đất đai. Chỉ tính riêng vụ Vũ “nhôm” thôi, cũng còn khó. Mấy ngày trước, thêm một loạt chức sắc ở Đà Nẵng bị khởi tố. Trong số đó tôi biết có người là trí thức thực sự, với suy nghĩ về nghề, về đời ấm áp và sâu sắc. Là do phải cuốn theo guồng quay của cơ chế, hay vì sức hút riêng khó cưỡng nào đó?  

Giờ ở Đà Nẵng, ngồi đâu cũng thấy ầm ào bên tai là những lô những nền. Từ đứa choai choai đến người hưu trí. Cò hết.

Hoang mang. Sợ hãi. Đôi lúc phải tự hỏi, rằng đất đai, sông núi có là “của ông, của cha” họ đâu, mà đem chia chác, bán mua, đua nhau nhét hết túi này qua túi khác? Từ không ít những người có quyền chức, tới dân ngoài đời ngoài đường.

Sẽ bị coi là “khùng”, nhưng tôi từ lâu mặc nhiên coi miếng đất người đời nho nhỏ có sổ đỏ mà tôi đang lưu trú chỉ là tạm. Miếng đất có được sau gần một đời làm lụng, cũng chỉ là mượn tạm, ở tạm chỗ của người đời mà thôi. Mượn của cả người đang sống lẫn bao người đã khuất mày khuất mặt. Miếng đất, mảnh đất “của tôi” ấy rồi sẽ là của người khác, của rất nhiều những người khác nữa. Hàng nghìn, hay hàng triệu năm nữa chăng, cho đến khi loài người tự kết thúc chính mình? Con người làm sao có thể sở hữu được đất đai, sông núi - người Mẹ luôn nuôi dưỡng, che chở cho mình? 

Cũng như bao đất cát, bụi lầm đang vấy bẩn chốn thiền môn những ngày nay. khiến lương tri phải hổ thẹn, đau đớn. Khi nhiều chùa chiền đua nhau kinh doanh nỗi sợ hãi, còn xã hội lại dung dưỡng sự mê lầm.

Nhớ từ hồi những năm 80 của thế kỷ trước đọc “Trên mảnh đất người đời”  của nhà văn Nga Anatoli Ivanov. Về bi kịch kinh điển của 3 con người trên mảnh đất người đời. Người tốt, kẻ đểu và kẻ mê lầm. Ngôi làng Dubrovino hẻo lánh thuộc vùng Novorsirsk là nơi cuối cùng Demidov săn đuổi đôi vợ chồng Maksheev và Maria. Nơi rừng cây rì rào không phải vì gió, mà là “chúng đang kể cho ta nghe chúng có chuyện gì vui, hay chuyện gì buồn…”. Bởi chúng “là người sống thật sự. Chỉ khi nào bị đẵn đi rồi, chúng mới là cây, là khúc gỗ chết”. Như lời Demidov, người gác rừng bất hạnh nói với cậu con nuôi 8 tuổi. Và đất. Khi băng tuyết phủ đầy mặt đất, cũng là khi “đất ngủ”. “Đất cũng phải nghỉ. Người nghỉ ban đêm, còn đất thì nghỉ về mùa đông con ạ… Muốn cho mỗi hạt thóc, mỗi quả cây, mỗi cành lá đâm chồi nảy lộc thì phải đất cần biết bao sức lực”.

 “Những tên đểu phải ở một mình với đất chắc sợ lắm phải không bố?”. “Không, có lẽ phải sống một mình với lương tâm thì bọn chúng mới thấy sợ hơn, con ạ!”.

Có lúc nào chúng ta ngồi trên mặt đất và cảm nhận “thời gian là cái gì đó lờ mờ, buồn bã”. Bởi nỗi thảng thốt khi nhận ra bên cạnh cây cột đồng uy mãnh thời huyền sử xa xăm trên mảnh đất có tên Giao Chỉ mà mình đang dựa vào, là cây cột điện giữa thời đại xô bồ, lăn lóc xung quanh những vỏ lon cùng rác rến, nước thải. Như “Ngồi”, của Nguyễn Bình Phương.

MỚI - NÓNG