Mang diều quê ra phố cổ

Mang diều quê ra phố cổ
TP - Trong không gian của phố cổ Hà Nội vào thu, các em thiếu nhi được các nghệ nhân và thợ thủ công hướng dẫn cách tập làm đồ chơi truyền thống, trong đó có trò chơi làm diều.

“Trước sự xâm lấn của đủ loại đồ chơi ngoại nhập, việc trưng bày và hướng dẫn cách làm các trò chơi truyền thống, trong đó cách làm diều, thả diều sẽ giúp cho các em nhỏ biết và lưu giữ những trò chơi lâu nay của cha ông”-Ông Nguyễn Hữu Kiêm, Chủ nhiệm CLB thả diều truyền thống làng Bá (xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng) tâm sự. 

Theo ông Kiêm, việc làm diều truyền thống cũng lắm công phu. Trước hết từ việc chọn tre làm khung diều, cách chọn tre phải rất cẩn thận. Tre phải là tre ta, thẳng và dầy thịt. 

Đốn tre vào đầu mùa đông vì lúc đó tre mới ngót nước, cứng, chắc, dẻo dai. Sau đó về phơi khô cho dẻo rồi chẻ ra làm khung diều. “Lớp áo” cho diều ngày xưa chủ yếu từ giấy dó, phải bồi lên vỏ bằng cây cậy. Giờ đây, giấy có nhiều loại khác nhau, có thể dùng giấy công nghiệp, thậm chí được thay bằng vải để dễ vận chuyển.

 “Các cụ có câu, có người cả đời chơi diều mà không có bộ sáo hay. Để thấy muốn có 1 bộ sáo hay là ước mơ của mọi người chơi diều. Ống sáo hầu hết bằng tre, mặt bằng gỗ, thường là gỗ nhẹ chịu được nắng mưa.

Sáo có 4 tiếng kêu: tiếng chiêng (tiếng trầm), cao dần là tiếng ốc (tiếng u u như tù và), tiếng chuông, tiếng vo vo. Để sáo ra được một tiếng kêu chuẩn, người chế tác phải có kinh nghiệm, phải có tai nghe, thẩm âm tốt”, ông Kiêm cho biết. 

Sinh ra trong một gia đình 3 đời làm diều, tình yêu với diều trong ông Nguyễn Hữu Kiêm nảy nở từ tấm bé. Ngay từ nhỏ ông Kiêm đã làm được nhiều loại diều truyền thống như diều cánh muỗm, diều cánh chanh, diều cánh mộc, diều sáo với đủ thứ tiếng… 

Với niềm đam mê, tìm hiểu và phát triển nghề làm diều, năm 2005 ông Kiêm đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Ở làng Bá quê ông Kiêm, hầu như ai cũng biết làm diều, thế nhưng không ai mưu sinh bằng nghề vì đã là chơi diều thì cần phải tự biết cách làm diều, thế mới là thú chơi, không thì cũng chỉ là đi thả diều mà thôi. 

Cũng có những khách nước ngoài hào hứng với sáo diều Việt Nam nhưng cánh diều bằng tre cồng kềnh, giấy hồ truyền thống thì không thể gập được khiến việc vận chuyển rất khó khăn. 

Chỉ vào một chiếc diều đang làm cho các cháu nhỏ, ông Kiêm nói: “Những chiếc diều như thế này bán được 50 nghìn đồng là tốt lắm rồi, không mong gì hơn, còn diều sáo để mua phải là người thực sự đam mê. Tôi rất mong có thêm nhiều người thực sự đam mê để lưu giữ cho nhiều bạn trẻ biết về cách làm diều này”, ông Kiêm nói.

MỚI - NÓNG